11:38 27/12/2023

Cuối năm doanh nghiệp vẫn mòn mỏi xin hoàn thuế

Trâm Anh

Những ngày cuối năm, cơ quan thuế đang tất bật xử lý dứt điểm hồ sơ đề nghị hoàn thuế tồn đọng của một số ngành hàng xuất khẩu đang gặp vướng mắc, đặc biệt các hồ sơ dừng hoàn kéo dài gây nhiều bức xúc. Vướng mắc của cục thuế các địa phương trong phân loại hoàn thuế tự động cũng được ghi nhận để điều chỉnh kịp thời...

Hồ sơ hoàn thuế mặt hàng tinh bột sắn xuất khẩu qua biên mậu thời gian qua gặp nhiều vướng mắc.
Hồ sơ hoàn thuế mặt hàng tinh bột sắn xuất khẩu qua biên mậu thời gian qua gặp nhiều vướng mắc.

Theo chia sẻ của ông Phạm Minh Khoa, Giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu toàn cầu An Phát, doanh nghiệp từng xuất khẩu tinh bột sắn 32 lần và đều được hoàn thuế giá trị gia tăng thuận lợi, hầu hết hàng hóa đều được phân luồng xanh khi thông quan. Thế nhưng sau này, hàng hóa dính luồng đỏ gần như hoàn toàn và doanh nghiệp phải chờ đợi hoàn thuế mỏi mòn suốt 4 năm.

Lãnh đạo Công ty An Phát cho rằng doanh nghiệp đầy đủ điều kiện hoàn thuế giá trị gia tăng vì có đủ hợp đồng, hóa đơn đầu vào, chứng từ thanh toán qua ngân hàng và tờ khai xuất khẩu. Ngoài ra, nhiều trường hợp xuất khẩu qua biên giới gặp vướng mắc do hợp đồng vô hiệu vì một bên không thực hiện hợp đồng nhưng An Phát thực hiện đầy đủ quy trình và tuân theo quy định, có hợp đồng rõ ràng nên không thể quy kết hợp đồng xuất khẩu qua Trung Quốc là vô hiệu.

KHÓ XỬ LÝ DỨT ĐIỂM VƯỚNG MẮC HOÀN THUẾ

Tuy nhiên, do vẫn nằm trong 4 đơn vị hiếm hoi chưa nhận được quyết định hoàn thuế của Cục Thuế TP. Hà Nội, nên lãnh đạo Công ty An Phát đặt câu hỏi liệu doanh nghiệp có được hoàn thuế trước ngày 31/12 theo thông báo mới ban hành hay không? Trước những khúc mắc này, lãnh đạo Công ty An Phát mong mỏi Bộ Tài chính và các cơ quan, bộ, ngành quan tâm tháo gỡ khó khăn và có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp xuất khẩu làm ăn chính đáng, đầy đủ về giấy tờ, thủ tục đàng hoàng được hoàn thuế đúng hạn.

Trả lời vướng mắc của công ty, theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh, vướng mắc của Công ty An Phát là câu chuyện tương đối dài do doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực nhiều rủi ro là xuất khẩu tinh bột sắn. Hiện, cơ quan thuế chưa hoàn thuế do đánh giá hồ sơ rủi ro qua trao đổi thông tin và phối hợp với cơ quan chức năng.

“Cục Thuế TP. Hà Nội đang giải quyết khiếu nại và quan điểm của Bộ Tài chính là sẵn sàng giải quyết khi có các phán quyết. Căn cứ thực tế hồ sơ cụ thể, Cục Thuế TP. Hà Nội đã có văn bản trả lời và báo cáo các cơ quan giải trình những vướng mắc của công ty”, ông Minh thông tin.

 

Theo đó, các cục thuế tỉnh, thành phố có số lượng hồ sơ hoàn thuế đang giải quyết lớn như TP.HCM, Hà Nội, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương khẩn trương giải quyết các hồ sơ hoàn thuế đã tiếp nhận, hoàn thành trước ngày 31/12/2023, đảm bảo không tồn đọng hồ sơ.

Không chỉ Công ty An Phát, thời gian qua, vướng mắc hoàn thuế xảy ra với nhiều doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa, điển hình trong lĩnh vực tinh bột sắn; gỗ, dăm gỗ, sản phẩm gỗ và cao su, khiến nhiều doanh nghiệp bị “ngâm” tiền hoàn thuế, thiếu vốn lưu động và mất cơ hội kinh doanh.

Dù cục thuế các tỉnh, thành phố khẩn trương giải quyết các hồ sơ hoàn thuế đúng đối tượng, đúng quy định của pháp luật nhưng vướng mắc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Chính vì vậy, Tổng cục Thuế vừa ban hành Thông báo số 1011/TB-TCT về việc phân công triển khai các kiến nghị, đề xuất của Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội về quản lý hoàn thuế.

Theo đó, Vụ Kê khai và Kế toán thuế được giao tham mưu Tổng cục Thuế tiếp tục báo cáo Bộ Tài chính có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hoàn thiện hệ thống pháp luật trong đăng ký thành lập doanh nghiệp, đăng ký thuế, hạn chế tình trạng lợi dụng chính sách thông thoáng để thành lập doanh nghiệp “ma” nhằm mục đích gian lận trong phát hành, sử dụng hóa đơn điện tử trục lợi ngân sách nhà nước.

Cục Công nghệ thông tin được giao đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong khai thác hóa đơn điện tử phục vụ công tác hoàn thuế, đảm bảo cập nhật kịp thời về tình trạng hoạt động của các doanh nghiệp (bên bán), kết nối, liên thông với thông tin quản lý của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tạo điều kiện tối đa cho người nộp thuế tra cứu về tính hợp pháp của các hóa đơn đầu vào, tình trạng hoạt động của bên bán.

Bên cạnh đó, xử lý dứt điểm các hồ sơ tồn đọng của một số ngành hàng xuất khẩu đang gặp vướng mắc trước ngày 31/12 như hồ sơ hoàn thuế mặt hàng tinh bột sắn xuất khẩu qua biên mậu, Cục Thuế tỉnh Vĩnh Phúc giải quyết hoàn thuế Công ty cổ phần Công nghệ Thủ đô xuất khẩu dăm gỗ; Cục Thuế Gia Lai giải quyết hoàn thuế Công ty Gia Tín Trọng Nghĩa xuất khẩu hàng tiêu dùng…

TRÀN LAN MUA BÁN TRÁI PHÉP HOÁ ĐƠN ĐỂ HOÀN THUẾ

Cơ quan thuế cũng có lý lẽ riêng và thận trọng hơn khi thực thi công vụ vì lo để lọt gian lận và dễ bị truy trách nhiệm như nhiều cán bộ thuế vướng vòng lao lý trong nhiều vụ án. Đại diện Tổng cục Thuế cho biết thời gian qua, cơ quan thuế phát hiện một số hồ sơ đề nghị hoàn thuế tinh bột sắn có dấu hiệu vi phạm pháp luật nhằm chiếm đoạt tiền thuế, ảnh hưởng không tốt đến các doanh nghiệp kinh doanh lành mạnh, tuân thủ pháp luật thuế.

Bên cạnh đó, nhiều cục thuế địa phương phản ánh do việc thu thập thông tin tài liệu để làm rõ bản chất giao dịch giữa các doanh nghiệp gặp khó khăn, việc xác minh hóa đơn và chờ kết quả xác minh phải xin ý kiến tại nhiều đơn vị nên hồ sơ hoàn thuế bị “ngâm” thay vì 40 ngày theo quy định với hồ sơ thuộc diện kiểm tra trước hoàn thuế.

Theo quy định, doanh nghiệp muốn được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào phải đáp ứng các điều kiện gồm: có hóa đơn giá trị gia tăng hàng hóa, dịch vụ mua vào; chứng từ thanh toán thông qua ngân hàng với hàng hóa, dịch vụ mua vào.

Với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, ngoài hai điều kiện trên, cần phải có hợp đồng bán, gia công hàng hóa xuất khẩu với chứng từ thanh toán tiền hàng qua ngân hàng; tờ khai hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu. Tuy nhiên, cơ quan thuế gặp khó khăn khi xác minh việc mua bán hàng hóa có thật hay không, dẫn đến chậm trễ giải quyết hồ sơ.

Thực tế cho thấy nhiều đối tượng cố tình mua bán trái phép hóa đơn không hợp pháp, mua hóa đơn của các doanh nghiệp không có hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc sử dụng hóa đơn của các doanh nghiệp thay đổi trạng thái hoạt động liên tục tại nhiều địa phương để kê khai khấu trừ thuế đầu vào và lập hồ sơ đề nghị hoàn thuế.

Tuy nhiên, công tác hoàn thuế có nhiều chuyển biến khi số tiền hoàn thuế nửa cuối năm tăng khoảng 30% giai đoạn đầu năm.

Theo Tổng cục Thuế, tính đến giữa tháng 12/2023, ngành thuế ban hành 17.751 quyết định, tương ứng số thuế đã hoàn 135.875 tỷ đồng, bằng 84,9% ước thực hiện Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ, bằng 95% cùng kỳ năm 2022...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 52-2023 phát hành ngày 25-12-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây: 

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Cuối năm doanh nghiệp vẫn mòn mỏi xin hoàn thuế - Ảnh 1