19:03 16/12/2010

Đã công bố 9 luật mới

Nguyễn Lê

9 dự án luật và một nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ tám đã được công bố

Ba buổi họp báo đã được tổ chức để công bố 9 luật mới - Ảnh: Chinhphu.vn
Ba buổi họp báo đã được tổ chức để công bố 9 luật mới - Ảnh: Chinhphu.vn
Sáng nay (16/12) Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về công bố Luật Tố tụng hành chính, Luật Thanh tra sửa đổi, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật Bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân.

Trước đó, vào các ngày 15 và 15/12, 6 dự án luật và một nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ tám cũng đã được công bố. Đó là các Luật Viên chức, Luật Khoáng sản sửa đổi và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật Thuế bảo vệ môi trường, Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi, Luật Chứng khoán sửa đổi và Nghị quyết về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp.

Ba luật được công bố sau cùng đều có hiệu lực trong năm 2011. Với Luật mới về bầu cử, việc bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân sẽ diễn ra cùng một ngày. Các sửa đổi, bổ sung tập trung quy định về khu vực bỏ phiếu và số lượng cử tri mỗi khu vực; về các tổ chức phụ trách bầu cử; về số người ứng cử ở mỗi đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội; thời gian bầu cử; trường hợp hoãn hoặc bỏ phiếu sớm hơn ngày quy định. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2011.

Một trong những nội dung lớn của Luật Tố tụng hành chính là quy định việc cá nhân, tổ chức có quyền khiếu nại tại cơ quan hành chính về quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính nhưng không đồng ý với cách giải quyết đó hoặc đã hết thời hiệu khiếu nại vẫn có quyền khởi kiện vụ án hành chính ra Tòa án.

Như vậy người khởi kiện có quyền tự do lựa chọn khiếu nại tại cơ quan hành chính hay khởi kiện vụ án tại tòa án mà không bắt buộc phải qua thủ tục khiếu nại trước khi khởi kiện. Quy định này là điểm mới căn bản về điều kiện, cơ chế giải quyết khiếu nại hành chính theo tinh thần tạo điều kiện cho người dân tham gia tố tụng.

Nhằm khắc phục, hạn chế những sai lầm trong xét xử, Luật cũng quy định việc Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao tự xem xét lại quyết định của mình khi có căn cứ xác định có sai lầm trong bản án, quyết định hoặc phát hiện tình tiết mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung vụ án, đương sự không biết được khi ra quyết định đó thì được xem xét lại nếu thuộc trong các trường hợp: theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, theo kiến nghị của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, theo kiến nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và theo đề nghị của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao.