07:30 20/06/2023

“Dài cổ” ngóng văn bản hướng dẫn Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022

Hoàng Lan

Mặc dù Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 đã có hiệu lực thi hành gần 6 tháng nhưng vẫn thiếu vắng nghị định và thông tư hướng dẫn thi hành, gây không ít khó khăn và vướng mắc cho các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm và khách hàng…

Khoảng trống pháp lý trên thị trường bảo hiểm do thiếu vắng nghị định và thông tư hướng dẫn Luật kinh doanh bảo hiểm 2022.
Khoảng trống pháp lý trên thị trường bảo hiểm do thiếu vắng nghị định và thông tư hướng dẫn Luật kinh doanh bảo hiểm 2022.

Thị trường bảo hiểm Việt Nam có quy mô ước đạt 245.877 tỷ đồng (khoảng 10 tỷ USD, theo thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam năm 2022); nhiều năm liền duy trì tốc độ tăng trưởng 2 con số. Luật kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15, được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ ba ngày 16/6/2022 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2023. Tuy nhiên cho đến nay vẫn đang phải chờ nghị định và thông tư hướng dẫn.

Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2022 đã bổ sung rất nhiều quy định mới như: thủ tục đóng, mở, thay đổi địa điểm đặt chi nhánh, văn phòng đại diện của công ty bảo hiểm, các quy định về an toàn tài chính, trao quyền chủ động cho doanh nghiệp trong việc ra sản phẩm mới, bổ sung yêu cầu công khai thông tin...

Đồng thời, Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2022 cũng quy định giao cho Chính phủ và Bộ trưởng Bộ tài chính ban hành văn bản hướng dẫn nhiều nội dung quan trọng.

Cụ thể: Chính phủ quy định chi tiết các nghiệp vụ bảo hiểm tương ứng với các loại hình bảo hiểm (Khoản 2 Điều 7), điều kiện, hồ sơ, trình tự, thủ tục chấp thuận hoặc ghi nhận các thay đổi đối với doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm (Khoản 4 Điều 74), chế độ tài chính của doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm (Khoản 2 Điều 102), điều kiện về nhân sự và điều kiện khác của tổ chức hoạt động đại lý bảo hiểm (điểm d Khoản 2 Điều 125).v.v… Bộ trưởng Bộ Tài chính được giao quy định chi tiết việc cung cấp dịch vụ, sản phẩm bảo hiểm trên môi trường mạng (Khoản 3 Điều 14), nội dung Hợp đồng bảo hiểm đối với hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và hợp đồng bảo hiểm sức khỏe (Khoản 2 Điều 17), hoặc các quy định về kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ và quản trị rủi ro của doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm (Điều 84, Điều 85 và Điều 86)...

Do đó, các doanh nghiệp bảo hiểm cho biết việc chưa có các nghị định và thông tư hướng dẫn đã khiến họ lúng túng, thậm chí là chưa thể triển khai các quy định này trên thực tế, ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động kinh doanh như: việc thực hiện chế độ báo cáo tài chính, thay đổi các thông tin của doanh nghiệp, ra sản phẩm mới…  

Mặt khác, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật TNHH A&H, Đoàn luật sư TP Hà Nội nhận định Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2022 có nhiều quy định bảo vệ tốt hơn quyền lợi của khách hàng tham gia bảo hiểm nhưng việc “thiếu vắng” các quy định hướng dẫn chi tiết đã phần nào khiến cho các quy định này chưa được thực hiện đầy đủ và hiệu quả trong thực tiễn như. 

Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội. 
Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội. 

"Đơn cử, việc chậm trễ ban hành các nghị định và thông tư hướng dẫn thi hành Luật làm cho thiếu các quy định chi tiết về nội dung hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe. Thiếu quy định về các hình thức xác lập và lưu giữ các tài liệu, chứng cứ chứng minh các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm hoặc đại lý bảo hiểm đã thực hiện nghĩa vụ tư vấn, giải thích rõ ràng, đầy đủ và chính xác cho bên mua bảo hiểm về sảm phẩn bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, quyền lợi bảo hiểm, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, quyền và nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm theo các quy định tại Khoản 2 Điều 19 và điểm d Khoản 2 Điều 129 Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2022... Chính vì vậy, việc nhanh chóng ban hành các văn hướng dẫn Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2022 (nghị định và thông tư) là yêu cầu cấp thiết, để sớm lấp đầy các khoản trống pháp lý, tạo ra những hành lang pháp lý chặt chẽ và đầy đủ nhất cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, cũng như đảm bảo tốt nhất các quyền lợi của khách hàng", Luật sư Nguyễn Đức Hùng cho biết. 

Theo ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 là tiến bộ. Những bất cập trên thị trường cũng được cơ quan soạn thảo nêu rõ khi sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm, cụ thể: hoạt động đại lý chưa chuyên nghiệp, vẫn còn tình trạng tư vấn bảo hiểm chưa giải thích đầy đủ thông tin về sản phẩm, tìm hiểu chưa chính xác khả năng tài chính của khách hàng… Tất cả những hành vi gây bức xúc trên thị trường bảo hiểm thời gian gần đây thì ngay khi sửa Luật Kinh bảo hiểm đã được các cơ quan nhận thức đầy đủ.

"Như vậy, theo tôi nên tập trung vào việc thực thi quy định. Muốn như vậy, Bộ Tài chính cần sớm trình Chính phủ ban hành nghị định hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm", ông Hiếu nói.