13:16 04/11/2024

Đại học Bách Khoa Hà Nội sẽ tổ chức 3 đợt thi đánh gia tư duy năm 2025

Như Nguyệt

Trong năm 2025, kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội (TSA) dự kiến tổ chức trong 3 đợt thi vào các ngày cuối tuần, mỗi đợt sẽ có từ 3 - 4 kíp thi tại 30 điểm thi, đáp ứng khoảng 75.000 lượt thi...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Đại học Bách khoa Hà Nội vừa công bố Kế hoạch tổ chức thi Đánh giá tư duy (TSA) năm 2025 và ra mắt "Cẩm nang thi Đánh giá tư duy".

Đợt 1 diễn ra từ ngày thi 18 - 19/1/2025; Ngày mở đăng ký 1 - 6/12/2024. Đợt 2: Ngày thi 8 - 9/3/2025; Ngày mở đăng ký 1 - 6/2/2025. Đợt 3: Ngày thi 26-27/4/2025; Ngày mở đăng ký 1 - 6/4/2025.

Trong năm 2024, Đại học Bách khoa Hà Nội đã tổ chức 6 đợt thi vào các ngày cuối tuần với 30 điểm thi mỗi đợt tại Hà Nội và 11 tỉnh thành phố gồm: Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Nam Định, Thái Bình, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đà Nẵng; đáp ứng cho gần 50.000 lượt thi với tổng số thí sinh dự thi là 21.000 thí sinh.

Cấu trúc chi tiết của Bài thi TSA.
Cấu trúc chi tiết của Bài thi TSA.

Kết quả của kỳ thi đã được hơn 50 trường đại học sử dụng để phục vụ cho công tác tuyển sinh đại học năm học 2024 - 2025.

Mục tiêu của Bài thi TSA là đánh giá ba năng lực tư duy nền tảng của học sinh, bao gồm: Tư duy Toán học, Tư duy Đọc hiểu và Tư duy Khoa học/Giải quyết vấn đề - những yếu tố quan trọng giúp học sinh có thể học tập tốt nhất tại môi trường giáo dục đại học. Kỳ thi TSA được tổ chức theo hướng tinh gọn, hiệu quả, ứng dụng những công nghệ khảo thí tiên tiến, tiếp cận với các kỳ thi đánh giá tư duy hiện đại trên thế giới, như SAT, ACT...

Để phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ năm 2023, nội dung và hình thức thi TSA đã được thực hiện theo đúng thiết kế và giữ ổn định trong nhiều năm tới. Theo đó, Bài thi gồm 3 phần thi: Tư duy Toán học (60 phút), Tư duy Đọc hiểu (30 phút) và Tư duy Khoa học/Giải quyết vấn đề (60 phút). 

Đây là 3 phần thi độc lập, câu hỏi thi sẽ tập trung vào đánh giá năng lực tư duy của thí sinh trong mỗi phần thi, không đi vào kiểm tra trực diện kiến thức của môn học nào. Hình thức thi trắc nghiệm trên máy tính, kết quả thi sẽ có giá trị trong 2 năm để phục vụ cho công tác tuyển sinh đại học.

Nhiều công nghệ khảo thí hiện đại đã được áp dụng cho Kỳ thi như công nghệ xây dựng câu hỏi thi tư duy chuẩn hóa, lý thuyết cầu trong đề thi, công nghệ chấm thi theo mô hình IRT nhiều tham số, công nghệ check-in tự động theo thẻ CCCD có tích hợp với hệ thống quản lý dữ liệu cá nhân trên Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về Dân cư để định danh thí sinh đến dự thi nhằm chống triệt để việc thi hộ và gian lận trong thi cử...

Cuốn cẩm nang thi đánh giá tư duy được phát hành vào ngày 11/11 tới.

Ở mỗi phần thi, cuốn Cẩm nang cũng trình bày tóm lược kiến thức nền tảng liên quan, giới thiệu đề thi minh họa có phân tích hướng dẫn giải, hướng dẫn ôn tập theo chủ đề và một số đề ôn luyện thêm kèm đáp án.

Cuối cùng là nội dung hướng dẫn sử dụng phần mềm thi, đặc biệt đi kèm sách là 2 mã dự thi để thí sinh có thể trải nghiệm 2 bài thi thử trực tiếp trên hệ thống. Kết quả của 2 bài thi thử sẽ là cơ sở quan trọng để thí sinh tự đánh giá được năng lực tư duy hiện tại của bản thân, từ đó có được kế hoạch học tập và lộ trình tham gia kỳ thi một cách phù hợp nhất.