Đậu đen, không chỉ để nấu chè
Mỗi ngày, chúng ta phải nạp vào cơ thể rất nhiều chất độc hại thông qua đường ăn uống, tiếp xúc trực tiếp hoặc ngay cả hít thở. Tuy nhiên, nhiều khi chúng ta lại tìm kiếm những cách giải độc quá phức tạp và không đo đếm được hiệu quả mà quên đi rằng việc giải độc thường xuyên, thông qua thực phẩm, mới là an toàn và hiệu quả. Trong số này, TVTD tiếp tục giới thiệu đến bạn phương pháp thải độc thông qua những cây trái ngay trong vườn nhà. |
Từ rất lâu, đậu đen là một trong những loại ngũ cốc rất thông dụng với người dân Việt Nam qua các món ăn ngon, dân dã như xôi, chè… Nhưng theo cả Đông y lẫn Tây y, đậu đen không chỉ là thực phẩm mà còn có nhiều công dụng phòng, chữa bệnh rất hiệu quả.
Mùa hè nắng nóng, các loại đậu, đỗ như đỗ xanh, đỗ đen, đỗ đỏ được tiêu thụ mạnh bởi người dân mua về nấu cháo, nấu chè ăn giải nhiệt. Theo Đông y, các loại đỗ này còn có tác dụng giải độc, nếu biết kết hợp dùng theo nguyên lý của Đông y thì còn hỗ trợ chữa được bệnh. BS Phạm Thúy Hòa, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, đứng trên quan điểm dinh dưỡng, mùa nào dùng đậu đỗ cũng tốt bởi đây là thực phẩm giàu đạm và vitamin nhóm B. Chính giá trị dinh dưỡng giúp cho cơ thể tăng sức đề kháng. Đậu đỗ cung cấp kali, natri, bồi phụ các vitamin cho cơ thể. Vào mùa hè, ăn bát chè đậu đỗ có kèm chút muối có tác dụng giải nhiệt (khi nấu chè có kèm vài hạt muối sẽ giúp cơ thể cân bằng điện giải)… Còn theo BS Cao Thị Thanh Hương, Phó Giám đốc Trung tâm Thừa kế ứng dụng Đông y, Hội Đông y Hà Nội, người dân đã sử dụng đậu đỗ như một món ăn nhuận tràng và giải độc. Các loại đậu đỗ nói chung đều tốt. Tùy vào mục đích (giải độc, chữa bệnh ở tạng phủ nào) mà sử dụng loại đậu phù hợp. Ví dụ, đỗ xanh giải độc ở gan, giải độc thận dùng đỗ đen, giải độc ở tâm tỳ dùng đỗ đỏ, giải độc ở phế dùng đậu ván trắng… Nói một cách cụ thể hơn, người gan nóng sẽ dùng đậu xanh, người đi tiểu nóng hay đi đái rắt, đái buốt, dùng đỗ đen; Người nổi rôm nhiều thì có thể dùng kết hợp đỗ đen và đỗ trắng. Dùng sống hoặc nấu canh sẽ có tác dụng tốt hơn. Đặc biệt, trường hợp ngộ độc nóng, người say rượu, dùng đậu ván trắng giã lấynước cho uống sống rất tốt. Còn nếu trời nắng nóng, người bị chứng khô miệng, dùng đỗ đen, đỗ xanh đều tốt. Có một điều cần lưu ý, vỏ các loại đậu đỗ mới có tác dụng chính trong việc giải độc. Vì thế, khi ăn, không nên bỏ vỏ (không đãi vỏ). Nếu đậu đỗ đã đãi vỏ thì chỉ còn là món ăn dinh dưỡng, còn tác dụng giải độc và giải nhiệt sẽ gần như mất. Ngoài việc dùng đậu đỗ nấu chè ăn giải nhiệt, dùng đỗ xanh, đỗ trắng nấu canh với sấu sẽ thành món ăn rất bổ mát (hợp với người can hỏa và tính chất giải độc cao).
Theo tập sách “Lãnh trai y thoại” của Lục Đình Phổ đời nhà Thanh, đậu đen xanh lòng được coi là loại thuốc quý có tầm cỡ thần dược. Đậu đen có đặc tính làm cho người già mắt yếu được sáng trở lại. Nó còn có công hiệu bổ thận và điều hòa hệ thống tim mạch. Ở Trung Hoa có nhiều người đã trên 80 tuổi, nhờ dùng đậu đen thường xuyên, mà không cần đeo kiếng lão, lên xuống thang lầu không biết mệt và khi viết chữ, tay không run. Có người bị táo bón kinh niên cũng nhờ dùng đậu đen mà nay được nhuận trường, đại tiện bình thường trở lại... Đậu đen là thực phẩm có sẵn có thể dùng quanh năm, kể cả loại đóng hộp, phơi khô hoặc vừa thu hoạch. Đây là nguồn thực phẩm ngon miệng và có lợi cho sức khỏe. Khi kết hợp với các loại thực phẩm khác, nhất là thực phẩm ngũ cốc như: gạo nâu, gạo lức… sẽ tạo ra nguồn protein chất lượng cao, hoàn toàn không có mỡ. Theo lương y Hoàng Duy Tân thì đậu đen có hai loại: vỏ đen ruột trắng và vỏ đen ruột xanh. Cả hai loại đều được dùng như dược liệu nhưng loại ruột xanh thường được dùng nhiều hơn. Y học hiện đại cũng đã chứng minh rằng trong đậu đen có chứa nhiều vitamin A, B, C, PP, protid, glucid, lipid, muối khoáng. Hàm lượng axít amin cần thiết cho cơ thể trong đậu đen rất cao như lysin, methionin, tryptophan, phenylalanin, alanin, valin, leucin... do đó đậu đen được xem như một loại thuốc bổ. Ngoài ra, còn một nhóm chất rất quan trọng tạo màu sắc đỏ tím cho lớp vỏ ngoài của đậu đen được gọi là anthocyanidin, khi nấu chín đậu thì thấy nước có màu hơi tím nhạt, chính đây là nhóm chất có tác dụng kháng oxy hóa tế bào rất cao, giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, đề kháng ung thư, kéo dài tuổi thọ, chống lão hóa tế bào, vì vậy đậu đen dùng tốt cho người già, trẻ em và phụ nữ, nam giới sử dụng sẽ tăng cường chức năng của thận, bổ tinh, ích huyết, chữa liệt dương, tai ù, huyết áp cao…
Do có chứa khoáng chất vi lượng molypden - một thành phần của enzyme sulfile oxidate nên đậu đen có tác dụng rất tốt trong việc khử độc sulfates (sunfit) cho cơ thể. Đây là hóa chất có nhiều trong thực phẩm chế biến sẵn không có lợi cho con người, làm tăng nhịp tim, gây đau đầu hoặc rối loạn chú ý. Nếu ai cơ thể nhạy với sunfit thì phải thường xuyên uống nước ninh đậu đen để khử độc. Một bát đậu đen có chứa tới 172% nhu cầu khoáng chất molypden cần thiết cho cơ thể mỗi ngày. Chỉ cần áp dụng một vài phương pháp chế biến đơn giản là đậu đen đã có thể phát huy khả năng giải độc cơ thể như nấu chè đỗ đen hay nấu thành nước uống với lượng từ 20 - 40g mỗi ngày, hoặc cầu kỳ hơn có thể nấu cháo, chè, súp… Tuy nhiên, nên lưu ý khi sử dụng đậu đen cho người tạng nhiệt còn những người có thể hàn thì khi sử dụng nên thêm vào 1 ít gừng. Khi chế biến đậu đen cần phải nấu chín kỹ để hoặt chất trong vỏ tiết ra ngoài và dễ tiêu hóa và hấp thu hơn.
Thải độc gan cho người uống rượu bia Uống quá nhiều rượu bia sẽ làm cho cơ thể tích tụ một lượng chất độc rất lớn. Để giải độc và đẩy các độc tố ra ngoài giúp cơ thể khỏe mạnh hơn, bạn hãy sử dụng một trong các bài thuốc từ đậu đen sau nhé. 1. Chè đậu đen đại táo: Đây vừa là một loại thức ăn, nước uống mang tính giải khát vừa có tác dụng chữa bệnh. Nó có tác dụng thanh nhiệt, giải độc ngoài ra còn có tác dụng chữa suy nhược rất tốt. Cách nấu chè đậu đen rất đơn giản: dùng 20 - 40g đậu đen cùng với 30g đại táo nấu chung thêm một ít đường cho vừa miệng. Ăn liên tục trong vòng 3 đến 4 ngày. 2. Canh nước dừa, đậu đen: Cách nấu: lấy một quả dừa xiêm nhỏ không già quá, vạt đầu, rồi bỏ 20g đậu đen đã rửa sạch vào quả dừa, đậy nắp dừa lại sau đó đem chưng cách thủy khoảng 3 - 4 giờ cho đậu nhừ rồi đem ra uống nước, ăn cái. Với thang thuốc này chỉ cần ăn 1 tháng một lần là đủ. Tác dụng của nó đó chính là chữa đau nhức các khớp xương hoặc dùng để giải độc rượu lâu ngày. 3. Canh đậu đen với tỏi: Đối với những người có triệu chứng mệt mỏi, tiểu tiện bí táo thì có thể sử dụng bài thuốc canh đậu đen với tỏi. Bài thuốc này vừa dễ áp dụng vừa mang lại hiệu quả cao. Nên co người bệnh ăn một lần vào sáng sớm sẽ rất tốt. Dùng một củ tỏi bóc vỏ sau đó đập dập (không nên nát quá), sau đó cho vào nồi cũng với ½ chén đậu đen đã rửa sạch, nấu lửa nhỏ đến khi đậu chín nhừa thêm chút đường cho dễ ăn. 4. Đậu đen chế hà thủ ô. Với tác dụng của hà thủ ô kết hợp với đậu đen, bài thuốc này thực sự là bài thuốc quý dành cho quý ông dùng để chữa bệnh di tinh, liệt dương ngoài ra nó còn có tác dụng chữa chân tay mỏi yếu và giúp tóc chắc khỏe hơn. Lấy 50g đậu đen nấu nước rồi lấy nước đậu chưng cách thủy với 300g hà thủ ô đỏ trong 2 - 3 giờ, vớt ra để ráo phơi khô để dành dùng dần, dạng nước sắc mỗi ngày 15 - 20g hoặc 5g dạng bột. |
Bài thuốc thải độc từ đậu đen: Đậu đen 50g, lá sen 1 lá, gạo tẻ 50g. Cách chế biến: Lá sen lấy loại lá bánh tẻ, loại bỏ tạp chất thái nhỏ đem sắc 15 - 20 phút, lọc lấy nước bỏ bã. Gạo tẻ và đậu đen loại tỏ tạp chất, vo qua, cho vào nồi rồi cho nước sắc lá sen vào thêm nước cho đủ, đem ninh nhừ thành cháo. Nêm gia vị vừa đủ bắc ra ăn nguội trong ngày. Có thể ăn thường xuyên trong mùa hè. Công dụng: thanh nhiệt, giải độc, trừ thử (giải nắng nóng) an thần, hạ áp, bổ ngũ tạng, bù tân dịch (điện giải). Thích hợp cho tất cả mọi lứa tuổi, nhất là với người phải làm việc trong môi trường nắng nóng, người háo khát, người can thận âm hư gồm: Tăng huyết áp, phụ nữ tiền mãn kinh, rôm sảy, ban ngứa, suy nhược cơ thể... |
Hoài Phương