18:23 31/08/2023

Đẩy mạnh truyền thông hoạt động tư vấn, phản biện để quảng bá hình ảnh của Liên hiệp Hội

Nhĩ Anh

Mặc dù, Liên hiệp Hội Việt Nam đã đóng góp quan trọng vào việc thúc đẩy phát triển khoa học và kỹ thuật nhưng hình ảnh còn khép kín, khiêm nhường và chưa phản ánh đầy đủ những hoạt động thiết thực và những thành tựu khoa học, kỹ thuật và công nghệ đang được tạo ra. Do đó việc nâng cao hình ảnh của Liên hiệp Hội đang cần được chú trọng để tiếp tục thu hút sự quan tâm của cộng đồng, đặc biệt là giới tri thức…

Hội thảo “Truyền thông đại chúng với hoạt động của Liên hiệp Hội Việt Nam” diễn ra ngày 31-08-2023.
Hội thảo “Truyền thông đại chúng với hoạt động của Liên hiệp Hội Việt Nam” diễn ra ngày 31-08-2023.

Vấn đề này được các ý kiến chỉ ra tại hội thảo “Truyền thông đại chúng với hoạt động của Liên hiệp Hội Việt Nam” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) tổ chức ngày 31/8/2023.

Các chuyên gia đã đưa ra các nhận định đánh giá về vai trò, uy tín của Liên hiệp hội cũng như nguyên nhân làm cho các hoạt động và hình ảnh của Liên hiệp Hội chưa được truyền thông một cách đầy đủ, hiệu quả… Các ý kiến cũng kiến nghị các giải pháp để báo chí truyền thông đại chúng vào cuộc, đồng hành cùng Liên hiệp Hội xây dựng, quảng bá rộng rãi hình ảnh, hoạt động của Liên hiệp Hội đến với công chúng.

QUẢNG BÁ HÌNH ẢNH CHƯA TƯƠNG XỨNG VỊ TRÍ VAI TRÒ VÀ ĐÓNG GÓP

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Phạm Ngọc Linh, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, nhấn mạnh rằng trong hơn 40 năm xây dựng và phát triển, đến nay Liên hiệp Hội Việt Nam đã trở thành một tổ chức chính trị xã hội rộng lớn cả về quy mô và chất lượng.

Liên hiệp Hội đã chủ động đề xuất, tham mưu cho Đảng và Nhà nước nhiều vấn đề lớn về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, chính sách đối với trí thức. Tạo môi trường thuận lợi để thực hiện công tác vận động trí thức thông qua việc thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, nghề nghiệp như: hoạt động truyền thông, phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ; hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội.

Ông Linh cho biết, Liên hiệp Hội đã tập hợp nhiều nhà khoa học đầu ngành trong các lĩnh vực để thực hiện các nhiệm vụ tư vấn, phản biện các dự án quan trọng của đất nước cũng như những dự án, đề án, quy hoạch phát triển kinh tế xã hội quốc gia, ngành và địa phương. Qua các hoạt động này đã làm lợi cho nhà nước hàng nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh đó là các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, bảo vệ môi trường, xoá đói giảm nghèo, tôn vinh trí thức, khuyến khích và thúc đẩy phong trào sáng tạo khoa học công nghệ; hợp tác quốc tế...

Các hoạt động này đã góp phần quảng bá rộng rãi hình ảnh, vai trò, vị trí của Liên hiệp Hội Việt Nam trong hệ thống chính trị cũng như trong đời sống phát triển kinh tế xã hội đất nước.

TS. Phạm Ngọc Linh, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phát biểu tại Hội thảo ngày 31/8/2023.
TS. Phạm Ngọc Linh, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phát biểu tại Hội thảo ngày 31/8/2023.

Hệ thống báo chí của Liên hiệp Hội hiện nay được đánh giá là một trong những tổ chức mạnh nhất với 70 cơ quan báo chí, trong đó Đoàn chủ tịch Hội đồng Trung ương trực tiếp quản lý 1 cơ quan báo và gián tiếp quản lý 22 cơ quan báo chí thuộc các tổ chức khoa học công nghệ (Viện), 47 cơ quan báo chí còn lại thuộc hội ngành toàn quốc quản lý.

Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Linh, việc truyền tải các thông tin về Liên hiệp Hội Việt Nam của hệ thống báo chí Liên hiệp Hội vẫn chưa thực sự hiệu quả và chưa phát huy được thế mạnh.

Thực tế cho thấy, việc thiếu một chiến lược truyền thông rõ ràng, nhất quán, có thể dẫn đến những hạn chế trong truyền tải các thông điệp và hình ảnh của Liên hiệp Hội. Bên cạnh đó, Liên hiệp Hội chưa sử dụng hiệu quả các phương tiện truyền thông đại chúng, nhằm hướng đến nhóm công chúng lớn cũng như có các giải pháp nhằm đưa hình ảnh của Liên hiệp Hội đến gần với công chúng hơn. Vì thế, ông Linh cho rằng đâu đó vẫn có những thông tin, đánh giá, cái nhìn phiến diện, chưa khách quan về các hoạt động của Liên hiệp Hội.

Chia sẻ điều này, Nhà báo Lê Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam; Nguyên Vụ trường Vụ Đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông, đánh giá: "Mặc dù, Liên hiệp Hội Việt Nam đã có nhiều đóng góp quan trọng vào thúc đẩy phát triển khoa học và kỹ thuật nhưng hình ảnh, uy tín, chưa tương xứng với sứ mệnh và vai trò, sự đóng góp. Đông đảo công chúng, nhất là giới khoa học và trí thức trẻ, chưa thực sự hiểu rõ về vai trò, hoạt động, đóng góp của Liên hiệp Hội với sự nghiệp khoa học công nghệ của đất nước".

Liên hiệp Hội còn thiếu các kênh giao tiếp thích hợp và hiệu quả để truyền tải thông tin kịp thời và đầy đủ về các hoạt động quan trọng và những thành tựu, đóng góp của mình vào sự nghiệp khoa học công nghệ của đất nước.

Hình ảnh của Liên hiệp Hội còn khép kín, khiêm tốn và thiếu sự hiện đại, chưa phản ánh đầy đủ sự hấp dẫn của những hoạt động thiết thực, thành tựu khoa học, kỹ thuật và công nghệ đang được tạo ra.

XÂY DỰNG MỘT CHIẾN DỊCH TRUYỀN THÔNG BÀI BẢN, ĐẨY MẠNH HOẠT ĐỘNG PHẢN BIỆN

Cũng tại hội nghị, các ý kiến cho rằng nâng cao hình ảnh của Liên hiệp Hội cần được chú trọng hơn để tiếp tục thu hút sự quan tâm của cộng đồng, đặc biệt là giới tri thức cũng như các đối tác.

Đối với các giải pháp nâng cao hình ảnh Liên hiệp Hội, ông Nghiêm cho rằng cần phát huy sứ mệnh và vai trò của Liên hiệp Hội, nâng cao hiệu quả hoạt động phản biện chính sách công; đồng thời cần có một chiến lược toàn diện nhằm tăng cường uy tín và hình ảnh của Liên hiệp Hội; phát triển các trang thông tin điện tử và nền tảng trực tuyến.

Cần xây dựng và thực hiện một chiến dịch truyền thông chất lượng, tạo ra nội dung sáng tạo và thú vị để truyền tải thông điệp của Liên hiệp Hội và tạo ra môi trường giao lưu, trao đổi kiến thức cởi mở, thân thiện để thu hút sự tham gia của thế hệ trẻ. Cùng với đó, có chiến lược truyền thông mạnh mẽ và hiệu quả nhằm tôn vinh và tạo dựng hình ảnh tích cực, thu hút sự quan tâm và ủng hộ từ cộng đồng khoa học, giới trí thức và các đối tác.

Cũng theo các chuyên gia, việc đăng tải các sự kiện, hoạt động phải được thực hiện trên đa phương tiện, đa dạng hóa các hình thức cung cấp thông tin, đa kênh, mạng xã hội… tạo ra các diễn đàn thu hút người xem, quảng bá hình ảnh. Các hoạt động khoa học, phản biện xã hội, phổ biến kiến thức cũng có thể thực hiện nhiều hình thức trên hệ thống báo chí Liên hiệp Hội và các cơ quan báo chí; truyền tải các thông tin của Liên hiệp Hội tới công chúng.

Theo TS. Bùi Thị An, Viện trưởng Viện tài nguyên môi trường và Phát triển cộng đồng, muốn có hình ảnh đẹp thì phải làm nhiều việc đẹp, thật, tổ chức nhiều hoạt động tích cực, lan tỏa cái đẹp. Cùng với đó phải đặt đúng tầm quan trọng, vị trí của báo chí truyền thông….

Đặc biệt, nhiều ý kiến nhấn mạnh đến giải pháp cần đẩy mạnh các hoạt động tư vấn phản biện, thu hút sự tham gia của trí thức, nhà khoa học cũng như truyền thông. Đây là cơ hội để quảng bá hình ảnh của Liên hiệp Hội.

Thời gian qua, Liên hiệp Hội đã chủ trì, tổ chức thực hiện nhiệm vụ tư vấn, phản biện rất sôi nổi. Các nhà khoa học, trí thức đã đóng góp những ý kiến phong phú, bổ ích tham gia vào việc thẩm định, đánh giá, đưa ra ý kiến về các dự thảo chính sách, từ đó tạo ra tầm ảnh hưởng đối với quyết định chính sách quan trọng.

Một số hoạt động phản biện tiêu biểu như đề án xây dựng nhà máy Thủy điện Sơn La, phản biện đề án xây dụng nhà máy Thủy điện Sông Tranh, phản biện đề án xây dụng nhà máy bauxite Tây Nguyên... Tuy nhiên, hiện nay, các hoạt động phản biện còn hạn chế.

TS. Phạm Bích San, Nhà xã hội học, Phó tổng biên tập Tạp chí Kinh tế nghe nhìn, đặt vấn đề về việc truyền thông như thế nào để có thể giới thiệu hình ảnh của Liên hiệp Hội trên truyền thông trong điều kiện hiện nay là một bài toán lớn cần có sự suy tính rất nghiêm túc.

Theo ông San, để cải thiện hình ảnh của Liên hiệp Hội lúc này sẽ không có gì hiệu quả hơn là xây dựng một chiến dịch truyền thông bài bản dựa trên một số hoạt động phản biện chính quy có thể có tác động rộng lớn đến xã hội, làm thay đổi kiến thức, thái độ và hành vi của xã hội về Liên hiệp Hội.