14:36 16/08/2023

Giám sát, phản biện xã hội ngày càng đi vào chiều sâu, ít hình thức

Phúc Minh

Công tác giám sát, phản biện xã hội ngày càng đi vào chiều sâu, cụ thể, chặt chẽ hơn, chú trọng giám sát nhiều vấn đề “nóng”, thiết thực được cử tri quan tâm, từ đó ngày càng đáp ứng yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng, những nội dung bức xúc của Nhân dân…

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên họp. Ảnh - Quochoi.vn.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên họp. Ảnh - Quochoi.vn.

Sáng 16/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

LĨNH VỰC GIÁM SÁT NGÀY CÀNG ĐI VÀO THỰC CHẤT

Trình bày Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Ngọc Ánh, cho biết sau 5 năm thực hiện Nghị quyết này, công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên ngày càng đi vào chiều sâu, cụ thể hơn, chặt chẽ hơn.

Số lượng, chất lượng các cuộc giám sát, phản biện xã hội ngày càng nâng lên, lĩnh vực, nội dung giám sát ngày càng đáp ứng yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng, những vấn đề bức xúc của Nhân dân; nội dung kiến nghị sau giám sát ngày càng cụ thể, có căn cứ pháp lý.

Trong đó, ở các tỉnh, thành phố, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã tiến hành giám sát 60.463 cuộc, riêng Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh giám sát được 2.689 cuộc; Mặt trận Tổ quốc cấp huyện giám sát 11.638 cuộc và Mặt trận Tổ quốc cấp xã giám sát 46.136 cuộc.

Nội dung giám sát liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân trên nhiều lĩnh vực như: Giám sát cán bộ, đảng viên và công tác cán bộ; giám sát việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp; giám sát việc thực hiện chương trình phối hợp vận động và bảo đảm an toàn thực phẩm...

Trong 5 năm qua (từ năm 2018-2022), Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức được 14 hội nghị phản biện xã hội với quy mô đại biểu tham gia tương đối lớn và phản biện có chiều sâu.

Các dự án Luật, đề án được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức phản biện là những dự thảo văn bản liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ của công dân, đóng vai trò quan trọng đối với đời sống xã hội và được nhân dân quan tâm.

Ở địa phương, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố đã chủ trì tổ chức 23.869 hội nghị phản biện, trong đó cấp tỉnh tổ chức được 827 cuộc, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện đã tổ chức 3.488 hội nghị phản biện; cấp xã đã tổ chức 19.554 hội nghị phản biện.

TĂNG CƯỜNG GIÁM SÁT KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÁC KIẾN NGHỊ

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Ngọc Ánh, cũng cho biết việc thực hiện Nghị quyết liên tịch 403 vẫn còn những hạn chế.

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Ngọc Ánh báo cáo tại phiên họp. Ảnh - Quochoi.vn.
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Ngọc Ánh báo cáo tại phiên họp. Ảnh - Quochoi.vn.

Đơn cử như việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 403 ở một số địa phương chưa thường xuyên; lúng túng trong lựa chọn nội dung giám sát; chất lượng một số cuộc giám sát còn hạn chế, chưa đưa ra những kiến nghị cụ thể sau giám sát, chưa giám sát kết quả thực hiện các kiến nghị sau giám sát; một số địa phương, điều kiện cơ sở vật chất, kinh phí cho công tác giám sát và phản biện xã hội còn khó khăn…

Qua sơ kết 5 năm triển khai Nghị quyết cũng cho thấy một số nội dung cần được sửa đổi, bổ sung như: Bổ sung quy định cụ thể về đối tượng của phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội; bổ sung quy định cụ thể thời điểm thực hiện phản biện xã hội đối với dự thảo văn bản trong quy trình soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan chủ trì soạn thảo phải gửi văn bản đề nghị và dự thảo văn bản đến Mặt trận Tổ quốc cùng cấp để thực hiện phản biện xã hội…

Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng đề nghị sửa đổi các quy định về lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban Mặt trạn Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội…

Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp để xây dựng dự thảo báo cáo chung của 3 cơ quan (Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc) nêu bật vai trò giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc trong thời gian qua, đánh giá nhận thức các cơ quan đối với giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền.

Phó Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cũng đề nghị cần đánh giá sâu sắc hơn nữa, có thêm nội dung báo cáo của Chính phủ để tổng hợp một cách đầy đủ toàn diện, cần đưa ra được các số liệu chứng minh cho kết quả đạt được, chưa đạt được trong thực hiện Nghị quyết, để làm căn cứ cho việc đánh giá cả định tính và định lượng về chất lượng, hiệu quả giám sát, phản biện xã hội, cũng như nêu rõ những vướng mắc, khó khăn để triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Trên cơ sở đó tiếp tục gửi xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ bằng văn bản trước khi ký ban hành. Đồng thời, giao Thường trực Ủy ban Pháp luật chủ trì giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo dõi, phối hợp về nội dung sửa đổi Nghị quyết liên tịch số 403 và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.