Đề nghị Chính phủ khẩn trương nghiên cứu sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, chiều 27/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020...
Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu đánh giá cao việc lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội đã quyết định đưa nội dung về bảo hiểm xã hội để thảo luận toàn thể tại hội trường, khẳng định tầm quan trọng của các chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội- một trong những trụ cột của an sinh xã hội.
Các đại biểu cũng đánh giá cao việc Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội , Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các cơ quan có liên quan đã chủ động, tích cực trong việc kịp thời sửa đổi, ban hành các văn bản nhằm vừa đáp ứng công tác quản lý điều hành, vừa điều chỉnh, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người lao động, người sử dụng lao động và các đối tượng khác trong việc thụ hưởng chế độ, tiếp cận chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, nhất là chính sách hỗ trợ đối tượng chịu sự tác động của đại dịch Covid-19.
SỬA LUẬT ĐỂ KHẮC PHỤC HẠN CHẾ
Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng vẫn còn một số chính sách, quy định đã được ban hành nhưng chậm đi vào cuộc sống như: chính sách khuyến khích người sử dụng lao động và người lao động tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung.
Bên cạnh đó, chính sách bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp còn nhiều vướng mắc bất cập, nên mặc dù tồn quỹ lớn nhưng một bộ phận người lao động thuộc đối tượng chưa được hưởng chế độ chính sách kịp thời và tương xứng với mức độ ảnh hưởng do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Nhiều vướng mắc, bất cập, hạn chế của Luật Bảo hiểm xã hội đã được chỉ ra nhưng vẫn chậm được đề xuất sửa đổi, bổ sung.
Tại phiên thảo luận, một số đại biểu cũng chỉ ra rằng, số liệu thực tế cũng cho thấy, việc phát triển lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội còn thấp. Trong bối cảnh tác động của Covid-19 diễn biến phức tạp, việc thu bảo hiểm xã hội bắt buộc gặp những khó khăn nhất định, lao động tại các cơ sở sản xuất kinh doanh bị mất việc làm, không còn thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc… Như vậy, sẽ có nhiều khó khăn trong thực hiện chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc năm 2021 theo Nghị quyết số 28-NQ/TW đề ra. Do đó, cần có sự vào cuộc rất tích cực từ phía Chính phủ, các Bộ, ngành và chính quyền các cấp.
Đề cập tới nội dung hưởng bảo hiểm xã hội một lần, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) cùng một số đại biểu chỉ ra rằng, việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần là nhu cầu thực tế của người lao động.
Những năm qua, tỷ lệ người hưởng bảo hiểm xã hội một lần so với tổng số người tham gia bảo hiểm xã hội luôn ở mức khoảng 5% nhưng ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của công tác phát triển đối tượng. Và dự báo con số này có thể tăng cao thời gian tới. Do đó, các đại biểu đề nghị, cần làm rõ nguyên nhân của tình trạng này; đồng thời rà soát quy định điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần, mức hưởng, thủ tục thực hiện chế độ này.
Về các quỹ có tính chất ngắn hạn, các đại biểu cho rằng, cơ bản các quỹ này đều bảo đảm khả năng chi trả và có kết dư lớn. Cụ thể, Quỹ Ốm đau, thai sản có số kết dư chuyển sang năm 2021 bằng 43,14% số chi trong năm 2020; Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động - Bệnh nghề nghiệp và Quỹ Bảo hiểm thất nghiệm, đến nay kết dư lớn, số dư hàng năm cao.
Tuy nhiên, các đại biểu chỉ ra rằng, qua nhiều năm thực hiện cho thấy, còn có nhiều chế độ, chính sách liên quan đến các quỹ này chưa đi vào cuộc sống và chưa phát huy được vai trò chủ động của chính sách bảo hiểm thất nghiệm là giá đỡ của thị trường lao động.
Bên cạnh đó, một số ý kiến đại biểu cho rằng, cần tính toán để sửa đổi một số quỹ cho phù hợp hơn, đúng tính chất của quỹ ngắn hạn. Ví dụ, Quỹ Hưu trí, tử tuất, mặc dù vẫn đang kết dư lớn, song cần tính toán thận trọng, kỹ càng hơn nhằm bảo đảm cân đối trong dài hạn, nhất là với sự thay đổi về đặc điểm của quy mô và cơ cấu dân số, nguyên tắc đóng - hưởng và cân đối giữa mức đóng - mức hưởng.
Qua việc phân tích những tồn tại và hạn chế trên, các đại biểu đề nghị Chính phủ khẩn trương nghiên cứu, xây dựng, trình Quốc hội việc sửa đổi hoặc sửa đổi bổ sung Luật Bảo hiểm xã hội và một số luật có liên quan nhằm kịp thời thể chế hóa các nghị quyết của Đảng, khắc phục các tồn tại hạn chế. Cùng với đó, việc này cũng tạo cơ sở pháp lý đầy đủ hơn để phát triển lĩnh vực an sinh xã hội bền vững và thích ứng với những tác động, biến đổi xã hội (như dịch bệnh Covid-19, già hóa dân số) và tình trạng cân đối Quỹ Bảo hiểm thất nghiệm, Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động - Bệnh nghề nghiệp phù hợp hơn với tính chất của quỹ ngắn hạn.
Các đại biểu cũng lưu ý việc tổng kết đánh giá cụ thể các nội dung và xu hướng của các Quỹ theo các chế độ tương ứng để làm cơ sở thực tiễn, bằng chứng khoa học trong việc đề xuất các chính sách khi sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội và các luật có liên quan.
THÚC ĐẨY CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH VÀ ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN
Ngoài ra, tại phiên thảo luận, các đại biểu cũng bày tỏ sự quan tâm tới việc thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin.
Đại biểu Nguyễn Trường Giang - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, đại biểu Quốc hội tỉnh Đăk Nông đánh giá cao ngành bảo hiểm xã hội đã tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong năm 2020. Việc này giúp nâng cao chất lượng phục vụ; giúp người lao động và người sử dụng lao động dễ dàng thực hiện, tiếp cận, thụ hưởng chế độ, rút ngắn thời gian giải quyết một số thủ tục hơn so với thời hạn quy định.
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng việc quản lý, cung cấp thông tin, dữ liệu về bảo hiểm y tế cần bảo đảm liên thông, được đồng bộ và thống nhất quản lý với ngành y tế trong việc triển khai ứng dụng hồ sơ, bệnh án điện tử. Bên cạnh đó, có ý kiến địa biểu cho rằng việc tham gia giao dịch điện tử của cá nhân và một số đơn vị vẫn chưa đạt mục tiêu mà Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đề ra…
Do đó, trong thời gian tới, các đại biểu đề nghị cần tiếp tục làm tốt hơn nữa khâu cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin; đảm bảo sự chính xác, tiết kiệm thời gian, tiết kiệm nhân lực trong công tác này.