11:42 28/11/2022

Đề nghị cung cấp danh sách tuyến phố, địa điểm xe hợp đồng trá hình "nhởn nhơ" đón trả khách

Anh Tú

Bộ Giao thông vận tải đề nghị các Hiệp hội vận tải cung cấp danh sách xe hợp đồng trá hình cho lực lượng chức năng để mạnh tay xử lý "xe dù, bến cóc", xe hợp đồng "trá hình" chạy tuyến cố định...

Hoạt động "xe dù, bến cóc", xe hợp đồng "trá hình" tuyến cố định sẽ phá vỡ tuyến vận tải theo quy định của Bộ Giao thông vận tải, hướng dẫn của Cục Đường bộ.
Hoạt động "xe dù, bến cóc", xe hợp đồng "trá hình" tuyến cố định sẽ phá vỡ tuyến vận tải theo quy định của Bộ Giao thông vận tải, hướng dẫn của Cục Đường bộ.

Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản trả lời kiến nghị của Hiệp hội Vận tải Hải Phòng và Hiệp hội vận tải ô tô các tỉnh Phú Thọ, Bắc Giang về đề nghị kiểm tra, xử lý xe dù, bến cóc, xe hợp đồng trá hình.

Bộ Giao thông vận tải cho biết đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố đề nghị vào cuộc quyết liệt và chỉ đạo Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với lực lượng chức năng, chính quyền địa phương cấp huyện, thị xã, thành phố kiểm tra, xử lý dứt điểm hiện tượng “xe dù, bến cóc”, xe trá hình tuyến cố định, xe ghép, xe tiện chuyến trên địa bàn.

Do đó, Bộ Giao thông vận tải đề nghị Hiệp hội Vận tải Hải Phòng và Hiệp hội vận tải ô tô các tỉnh Phú Thọ, Bắc Giang nắm bắt tình hình, cung cấp danh sách đơn vị vận tải, phương tiện có dấu hiệu vi phạm; địa điểm, tuyến phố, khu vực có "xe dù, bến cóc" hoạt động.

Từ đó, kịp thời phản ánh đến Sở Giao thông vận tải, đến các cơ quan, lực lượng chức năng của địa phương và UBND cấp tỉnh để chỉ đạo kiểm tra, xử lý theo quy định. 

Tình trạng xe dù, bến cóc, nhất là ở đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM và nhiều tỉnh, thành phố vẫn như "nấm mọc sau mưa". Theo ghi nhận, do công tác xử lý vi phạm chưa đủ quyết liệt, hình thức xử phạt với vi phạm dừng, đỗ không đúng nơi quy định còn thấp do đó, một số nhà xe không quan tâm, cố tình tái phạm nhiều lần.

Vì vậy, để khắc phục tình trạng này, nhiều ý kiến cho rằng cần tập trung xử lý những nhà xe đã vi phạm nhiều lần theo hướng tăng hình thức xử phạt, hướng đến thu hồi giấy phép kinh doanh sẽ có tác động lớn hơn.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần có quy chế phối hợp, trong đó quy định trách nhiệm cho người đứng đầu trong việc dẹp xe dù, bến cóc.

Về quản lý các phương tiện, hiện việc lắp thiết bị giám sát hành trình và camera trên ô tô khách và một số đối tượng xe, giúp cơ quan quản lý và các doanh nghiệp có thêm công cụ hiệu quả để ngăn ngừa vấn nạn này.

Trong thời gian tới, Cục Đường bộ sẽ phối hợp với các địa phương tăng cường điều chỉnh các quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trong đô thị như là các bến xe, các điểm đón trả khách.

 

Hiện nay, theo thống kê của Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, sản lượng của các tuyến cố định đã giảm sâu từ 35-40%, trong khi công suất của bến xe cũng giảm từ 18-30%. Nhiều doanh nghiệp đang có kế hoạch bỏ tuyến và chuyển sang chạy dù như trên nếu như tình trạng này không được giải quyết triệt để.