Đề nghị tiếp tục thi tuyển cán bộ để chống “chạy chức”
"Khi họ đã bỏ tiền ra chạy chức, chạy quyền thì khi họ sẽ tìm mọi cách để thu hồi lại", một đại biểu Quốc hội nói
"Cá nhân tôi cho rằng, tham nhũng trong công tác bổ nhiệm cán bộ là có", đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang) lên tiếng tại phiên thảo luận hôm 6/11 của Quốc hội.
Báo cáo của các cơ quan tư pháp và công tác phòng chống tham nhũng cũng là nội dung của phiên thảo luận này.
Đã "chạy" chức thì phải "thu hồi"
Theo nhận xét của đại biểu Bộ thì tham nhũng trong công tác bổ nhiệm cán bộ được thể hiện còn mờ nhạt trong báo cáo của Chính phủ. Do đó, nhiều cử tri đặt câu hỏi và mong muốn có câu trả lời là "có hay không tham nhũng trong việc bổ nhiệm cán bộ"?
Phân tích của ông Bộ là phòng chống tham nhũng trong công tác cán bộ rất khó. Vì chỉ có hai người, đó là người đưa hối lộ và người nhận hối lộ. Nhưng họ sẽ không bao giờ khai báo hành vi đó, hoặc có trường hợp tố cáo thì cũng khó có đủ căn cứ.
"Nhưng dù sao tham nhũng trong công tác bổ nhiệm cán bộ cần phải ngăn chặn, chấm dứt, nếu không nó sẽ tạo ra một đội ngũ cán bộ xấu, hư hỏng, yếu kém. Nhưng hệ lụy nguy hại hơn là nó góp phần tạo ra một thế hệ tham nhũng thứ hai. Khi họ đã bỏ tiền ra chạy chức, chạy quyền thì khi họ sẽ tìm mọi cách để thu hồi lại. Không có cách nào khác là họ lại tìm cách để tham nhũng", ông Bộ nói.
Từ phân tích đó, vị đại biểu này đề nghị tiếp tục thực hiện việc bổ nhiệm thông qua thi tuyển.
Đồng thời sửa đổi Luật Cán bộ, công chức để đánh giá và bổ nhiệm cán bộ xác đáng hơn.
Xin lỗi chưa đủ thì... thành thật xin lỗi
Cũng quan tâm đến công tác phòng chống tham nhũng, đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) nhận xét, vừa qua đã đưa ra xét xử nhiều vụ án lớn về tham nhũng. Tuy nhiên, hành vi tham nhũng được phát hiện và xử lý chủ yếu là các vụ tham nhũng nhỏ ở cấp xã, huyện, hoặc những vụ đặc biệt nghiêm trọng được xã hội quan tâm do cơ quan điều tra Trung ương xét xử, còn tình hình tham nhũng cấp tỉnh ít được phát hiện và xử lý.
"Phải chăng chúng ta đang bỏ lọt tham nhũng ở khu vực này, hay khi phát hiện thì xử lý theo kiểu "phê bình nghiêm khắc"? Cử tri đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo công khai và kiên quyết yêu cầu xử lý nghiêm minh đúng pháp luật, không để hành chính hóa các quan hệ hình sự. Xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu và không thể "giơ cao đánh khẽ", "rung cây dọa khỉ" mãi được", đại biểu Thắng nói.
Quan tâm về nguyên nhân dẫn đến yếu kém trong công tác phòng chống tham nhũng, đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) cho rằng việc thực hiện chế độ công khai, minh bạch không được chấp hành nghiêm túc. Dường như rất ít cơ quan thực hiện công khai, minh bạch và chỉ coi đó là một việc thiếu sót, chứ không phải vi phạm pháp luật.
Và "thiếu sót thì lâu nay chúng ta kiểm tra, kiểm tra rồi thì chỉ đến mức rút kinh nghiệm, xin lỗi, xin lỗi chưa đủ thì thành thật xin lỗi. Vì vậy việc chấp hành pháp luật của chúng ta không nghiêm, người dân dị nghị về chuyện tham nhũng, tiêu cực của chúng ta không được chú ý đấu tranh phòng, chống", đại biểu Phương nhận xét.