18:59 06/07/2021

Đề nghị xây dựng Luật công nghiệp công nghệ số với 10 nhóm chính sách lớn

Đỗ Phong

Việc xây dựng chính sách nhằm tạo môi trường pháp lý để phát triển công nghiệp ICT, công nghiệp công nghệ số, đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP; khai thác hiệu quả, làm chủ các công nghệ chủ chốt của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để giải quyết các bài toán phát triển của Việt Nam…

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bộ Thông tin và Truyền thông đang lấy ý kiến cho Dự thảo Báo cáo nghiên cứu đề xuất Luật Công nghiệp công nghệ số. Đây sẽ là cơ sở để xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số nhằm tạo điều kiện phát triển ngành công nghiệp ICT, công nghệ số Việt Nam. Trong đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đang đề xuất một số nhóm chính sách cơ bản dự kiến sẽ đưa vào dự thảo Luật để thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ số tại Việt Nam.

NGÀNH KINH TẾ QUAN TRỌNG VỚI DOANH THU HƠN 123 TỶ USD 

Thực thi các quy định pháp luật về công nghiệp ICT và các Chương trình, Kế hoạch phát triển ngành qua các giai đoạn đã định hình ngành công nghiệp ICT Việt Nam, giúp ngành này trở thành ngành kinh tế quan trọng của đất nước.

Trong bối cảnh dịch Covid-19, nhiều lĩnh vực của nền kinh tế đang suy giảm, lĩnh vực công nghiệp ICT tiếp tục giữ vững được sự tăng trưởng dù chưa đạt được mức tăng trưởng như các năm trước. Tổng doanh thu công nghiệp ICT năm 2020 đạt 123,5 tỷ USD, gấp 20 lần so với năm 2009 (6,2 tỷ USD) và gấp hơn 2 lần năm 2015. Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2015-2020 đạt bình quân 15,2%/năm, cao hơn 2 lần tốc độ tăng trưởng GDP, trở thành một trong những ngành kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất, quy mô lớn nhất của cả nước.

Doanh thu công nghệ thông tin qua các năm
Doanh thu công nghệ thông tin qua các năm

Năm 2020, Việt Nam đã hình thành đội ngũ lao động công nghệ số với hơn 1 triệu người. Các doanh nghiệp công nghiệp ICT đã nộp ngân sách nhà nước trên 53 nghìn tỷ đồng. Các mặt hàng công nghiệp ICT đặc biệt là điện thoại và máy tính vẫn đứng vững trong danh sách top 10 nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam năm 2020, đưa ngành công nghiệp phần cứng, điện tử của Việt Nam xuất siêu khoảng 15 tỷ USD.

Đến nay, công nghiệp ICT đã trở thành lĩnh vực có quy mô lớn của nền kinh tế cả về doanh thu, xuất khẩu, chiếm tỉ trọng cao trong đóng góp ngân sách Nhà nước cũng như đóng góp cho GDP.

Khu công nghệ thông tin tập trung là hạ tầng quan trọng để phát triển ngành công nghiệp ICT. Đến năm 2020, Việt Nam có 5 Khu công nghệ thông tin tập trung.

Về đầu tư, giai đoạn 2011- 2015, tổng số vốn ngân sách dành cho các dự án ngành công nghệ thông tin khoảng 1.830 tỷ đồng, trong đó vốn từ ngành Thông tin và Truyền thông khoảng 1.300 tỷ đồng. Giai đoạn 2016- 2020, tổng số vốn dự kiến đầu tư cho ngành công nghệ thông tin khoảng 2.177 tỷ đồng, trong đó vốn cho Chương trình mục tiêu công nghệ thông tin là 884 tỷ đồng.

Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đến nay, lĩnh vực công nghiệp điện tử Việt Nam đã thu hút hơn 10 tỷ USD vốn FDI với các tên tuổi lớn như Samsung, Foxconn, LG, Panasonic, Intel, Electronics, Nokia,…

THÁO GỠ TRỞ NGẠI, THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ SỐ

Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá, Luật Công nghệ thông tin 2006, Nghị định 71/2007/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn đã hình thành và tạo hành lang pháp lý phát triển ngành công nghiệp ICT Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, ngành công nghiệp này chưa đạt như kỳ vọng do còn một số bất cập trong hệ thống pháp luật về công nghiệp ICT hiện nay.

Theo đó, pháp luật về công nghiệp ICT có một số quy định mâu thuẫn, chồng chéo với pháp luật khác gây khó khăn trong quá trình thực thi.

Ngoài ra, pháp luật về công nghiệp ICT chưa quy định cụ thể, chưa rõ ràng gây khó khăn trong triển khai. Ví dụ như chính sách ưu đãi được quy định tại Luật Công nghệ thông tin hiện nay còn chung chung cho lĩnh vực công nghiệp ICT, chủ yếu mang tính khuyến khích ưu đãi đầu tư mà chưa có ưu đãi cụ thể. Các quy định sử dụng ngân sách Nhà nước cho sự nghiệp phát triển công nghệ thông tin còn thiếu cho mảng công nghiệp ICT. Chưa có mức chi cụ thể cho công nghệ thông tin trong tổng chi ngân sách Nhà nước nên việc thực hiện chi đầu tư, thuê, mua sắm sản phẩm công nghiệp ICT cũng hạn chế.

 
Việc xác định đúng các rào cản, trở ngại là rất quan trọng để đề xuất các cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ số tại Việt Nam.

Pháp luật về công nghiệp ICT được xây dựng hơn 10 năm trước chưa điều chỉnh các vấn đề mới phát sinh từ các xu thế phát triển công nghệ và xu thế dịch chuyển của ngành công nghiệp ICT sang công nghệ số. Hệ thống pháp luật Việt Nam và Luật Công nghệ thông tin chưa có quy định liên quan đến các công nghệ số mới của cách mạng 4.0 và các mô hình kinh doanh mới dựa trên các công nghệ số này. 

Khung pháp luật hiện hành chưa có quy định về doanh nghiệp công nghệ số, doanh nghiệp công nghệ số đầu đàn làm căn cứ để ban hành và triển khai các chính sách phát triển doanh nghiệp công nghệ số…

Từ thực tế trên, Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số với mục tiêu thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển công nghiệp ICT, công nghiệp công nghệ số; tạo môi trường pháp lý thuận lợi để phát triển ngành công nghiệp này; đóng góp vào chuyển đổi số (xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số), tạo bứt phá về năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế; khai thác hiệu quả, làm chủ các công nghệ chủ chốt của cách mạng 4.0… để giải quyết các bài toán phát triển của Việt Nam.

Luật Công nghiệp công nghệ số sẽ được xây dựng dựa trên việc kế thừa những quy định phù hợp của Luật Công nghệ thông tin năm 2006 và đồng bộ với các luật chuyên ngành liên quan; giải quyết được những tồn tại, rào cản cho sự phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ số. Các điều luật sẽ được xây dựng linh hoạt, mềm dẻo để theo kịp thực tiễn và xu hướng phát triển; tạo môi trường cho các sản phẩm, công nghệ, mô hình mới có tính sách tạo, đột phá dễ dàng ra đời và phát triển…

Đặc biệt trong dự thảo báo cáo lấy ý kiến, Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất 10 nhóm chính sách cơ bản dự kiến sẽ đưa vào dự thảo Luật.

Cụ thể là xác lập ngành Công nghiệp công nghệ số; thúc đẩy phát triển các công nghệ số mới, lưỡng dụng, trọng điểm. “Miễn trừ tạm thời” cho các tổ chức, cá nhân thử nghiệm mô hình/sản phẩm mới trong giới hạn về thời gian, lãnh thổ, phạm vi.

Dự thảo cũng đề xuất đưa vào dự thảo luật các chính sách phát triển hạ tầng cho công nghiệp công nghệ số; phát triển tài nguyên dữ liệu số quốc gia cho công nghiệp công nghệ số; phát triển doanh nghiệp công nghệ số đầu đàn.

Cùng với đó là các chính sách tạo thị trường cho công nghiệp công nghệ số; phát triển nguồn nhân lực công nghệ số; bảo hộ công nghệ số, tài sản số và chính sách vốn đầu tư, ưu đãi cho công nghiệp công nghệ số...