10:02 18/08/2023

Đề xuất đóng bảo hiểm xã hội theo mức lương tối thiểu vùng

Nhật Dương

Tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất được đề xuất bằng một nửa mức lương tối thiểu tháng vùng cao nhất do Chính phủ công bố...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) mới nhất đề xuất căn cứ đóng bảo hiểm xã hội theo mức lương tối thiểu vùng, cũng để phù hợp với định hướng khi thực hiện cải cách tiền lương sẽ không còn mức lương cơ sở.

Cụ thể, dự thảo Luật bổ sung tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất bằng một nửa mức lương tối thiểu tháng vùng cao nhất do Chính phủ công bố; cao nhất bằng 8 lần mức lương tối thiểu tháng vùng cao nhất do Chính phủ công bố.

Đây là cơ sở quy định căn cứ đóng bảo hiểm xã hội đối với những đối tượng không hưởng tiền lương (chủ hộ kinh doanh; người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương...); và cũng là căn cứ để xác định trách nhiệm tham gia đối với đối tượng người lao động làm việc không trọn thời gian.

Đối với khu vực ngoài Nhà nước (người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định), tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cơ bản kế thừa quy định hiện hành.

Tuy nhiên, sẽ quy định cụ thể hơn theo hướng tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội là tiền lương tháng, bao gồm mức lương, phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác, được trả thường xuyên và ổn định trong mỗi kỳ trả lương.

Trên cơ sở đó, Chính phủ quy định chi tiết nhằm xác định cụ thể các khoản phải đóng, không phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc; việc xác định tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội đối với trường hợp thỏa thuận trả lương theo giờ, ngày, tuần và theo sản phẩm, khoán.

Đề xuất thay đổi căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc như trên được đưa ra trên cơ sở tiền lương bình quân làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc năm 2022 của người lao động là 5,73 triệu đồng/tháng, mới chiếm khoảng 75% thu nhập bình quân của người lao động làm công, hưởng lương.

Nghị quyết số 28/NQ-TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội nêu rõ, sửa đổi quy định về căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của khu vực doanh nghiệp ít nhất bằng khoảng 70% tổng tiền lương và các khoản thu nhập khác có tính chất lương của người lao động.

Việc này nhằm khắc phục tình trạng trốn đóng, đóng không đủ bảo hiểm xã hội, ảnh hưởng đến khả năng cân đối Quỹ Bảo hiểm xã hội và quyền lợi của người lao động.

Trong khi đó, Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành chỉ có quy định về tiền lương/thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cao nhất, nhưng chưa có quy định về tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất.

Ngoài ra, mặc dù hiện nay quy định về căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc tương đối đầy đủ tại các văn bản quy định chi tiết Luật Bảo hiểm xã hội, tuy nhiên, do Luật quy định chung, chưa đủ rõ nên còn gặp khó khăn trong quá trình xây dựng các văn bản quy định chi tiết và quá trình triển khai trong thực tiễn.

Theo Nghị định 38/NĐ-CP, từ ngày 1/7/2022 đến nay, mức lương tối thiểu tháng đang được áp dụng theo 4 vùng gồm: Vùng 1 là 4.680.000 đồng/tháng; vùng 2 là 4.160.000 đồng/tháng; vùng 3 là 3.640.000 đồng/tháng và vùng 4 là 3.250.000 đồng/tháng. Về mức lương tối thiểu giờ, Nghị định 38 cũng quy định các mức lương tối thiểu giờ theo 4 vùng: vùng 1 là 22.500 đồng/giờ, vùng 2 là 20.000 đồng/giờ, vùng 3 là 17.500 đồng/giờ, vùng 4 là 15.600 đồng/giờ.

Cùng với thay đổi căn cứ đóng bảo hiểm xã hội theo lương tối thiểu vùng, dự thảo Luật cũng đề xuất sửa đổi các quy định gắn với tiền lương khu vực Nhà nước phù hợp với định hướng của Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương.

Theo đó, định hướng cải cách chính sách tiền lương tại Nghị quyết số 27 đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp là sẽ không còn mức lương cơ sở.

Hiện Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định nhiều khoản trợ cấp gắn với mức lương cơ sở như: Tiền lương làm căn cứ đóng của một số nhóm đối tượng; trần đóng; mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe; trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi; trợ cấp mai táng; trợ cấp tuất hằng tháng;...

Vì vậy, để vừa không gây xáo trộn “về mức” so với quy định hiện hành, đồng thời vừa phù hợp với định hướng cải cách chính sách tiền lương tại Nghị quyết số 27, dự thảo Luật sửa đổi các trợ cấp gắn với mức lương cơ sở theo hướng quy định bằng số tiền cụ thể (bằng với mức tuyệt đối của hiện hành).

Đồng thời quy định các mức này được điều chỉnh khi Chính phủ điều chỉnh lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, trước đó sau khi đưa ra lấy ý kiến, qua tổng hợp thì về cơ bản các ý kiến góp ý đều thống nhất sửa đổi các quy định gắn với mức lương cơ sở, tức là quy định các chế độ bằng mức tiền cụ thể, không gắn với mức lương cơ sở tại dự thảo Luật.

Tuy nhiên, các góp ý cũng đề nghị rà soát lại các mức hưởng cho phù hợp với mức tăng lương cơ sở từ ngày 1/7/2023 (mức lương cơ sở từ ngày 1/7/2023 là 1,8 triệu đồng), đồng thời nghiên cứu, rà soát quy định việc điều chỉnh các chế độ này trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế, khả năng ngân sách nhà nước và Quỹ bảo hiểm xã hội cho phù hợp.