19:56 10/05/2023

Đề xuất thí điểm thu phí 9 tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư tối đa 5 năm

Ánh Tuyết

Bộ Giao thông vận tải đề xuất thí điểm thu phí đường bộ 9 tuyến cao tốc được Nhà nước đầu tư, trong đó, có 8 đoạn tuyến thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020 hoàn thành và đưa vào khai thác...

Cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 dài 63,37km đi qua hai tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa và được khánh thành.
Cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 dài 63,37km đi qua hai tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa và được khánh thành.

Bộ Giao thông vận tải vừa có công văn gửi các bộ liên quan xin ý kiến về phương án thí điểm thu phí sử dụng đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư trước khi trình Chính phủ.

THÍ ĐIỂM THU PHÍ TỐI ĐA 5 NĂM

Theo đó, Bộ Giao thông vận tải đề xuất cho phép 9 tuyến đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư hoàn thành và đưa vào khai thác trước năm 2025 thực hiện thí điểm theo cơ chế phí.

Cụ thể, 9 tuyến đường bộ cao tốc được đề xuất áp dụng cơ chế thí điểm đó là: cao tốc TP.HCM - Trung Lương, 8 đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 , gồm: Cao Bồ - Mai Sơn; Mai Sơn - Quốc lộ 45; Quốc lộ 45 - Nghi Sơn; Nghi Sơn - Diễn Châu; Cam Lộ - La Sơn; Vĩnh Hảo - Phan Thiết; Phan Thiết - Dầu Giây; cầu Mỹ Thuận 2.

Với tiến độ các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020 nêu trên, đến nay đã đưa vào khai thác 4 dự án với tổng chiều dài 265 km, gồm: Cao Bồ - Mai Sơn (dài 15,2 km) và Cam Lộ - La Sơn (98,3 km). Cuối tháng 4 vừa qua, Bộ Giao thông vận tải tổ chức khánh thành đưa vào khai thác hai dự án thành phần đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 dài 53 km và đoạn Phan Thiết - Dầu Giây dài 99 km đi qua địa phận các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Bình Thuận, Đồng Nai.

Dự kiến đến ngày 19/5 tới đây sẽ khánh thành thêm đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết dài 101 km. Còn lại dự án thành phần Quốc lộ 45 - Nghi Sơn (dài 43,28 km), Nghi Sơn - Diễn Châu (dài 50 km) và dự án thành phần cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu (dài 6,01 km) dự kiến hoàn thành quý 3,4/2023.

Thời gian thực hiện thí điểm được kiến nghị áp dụng cho đến khi quy định pháp luật về thu phí sử dụng đường cao tốc được Quốc hội thông qua.

 

"Thời gian thu thí điểm theo cơ chế phí tối đa là 5 năm kể từ thời điểm đoạn, tuyến đường bộ được triển khai thu phí", Bộ Giao thông vận tải đề xuất.

Cũng theo Bộ Giao thông vận tải, mức thu phí 9 tuyến cao tốc này sẽ được xác định trên 3 nguyên tắc.

Một là, mức thu phù hợp với lợi ích và khả năng chi trả của người sử dụng đường cao tốc.

Hai là, mức thu được xây dựng trên cơ sở tổng số phí thu được sau khi bù đắp chi phí tổ chức thu phải đảm bảo còn dư để cân đối vào ngân sách nhà nước.

Ba là, mức thu được tính toán theo từng đoạn, tuyến đường bộ cao tốc cụ thể để đảm bảo phù hợp với điều kiện khai thác, kinh tế - xã hội theo từng khu vực.

Về phương pháp tổ chức thu phí, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị áp dụng toàn diện thu phí không dừng, đa làn liên thông giữa các đoạn, tuyến cao tốc và giữa các dự án do Nhà nước đầu tư cùng các dự án PPP.

Số tiền thu được sau khi trừ chi phí tổ chức thu, sẽ nộp trực tiếp vào ngân sách nhà nước.

HOÀN THIỆN THỂ CHẾ, XÂY DỰNG ĐỀ ÁN KHAI THÁC

Theo Bộ Giao thông vận tải, do việc thu phí các tuyến cao tốc Nhà nước đầu tư chưa có tiền lệ nên việc tiến hành thí điểm phải được thực hiện tuần tự theo đúng quy định.

Theo đó, Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết chấp thuận cơ chế thí điểm thu phí sử dụng đường cao tốc thông qua trạm thu phí trên các đoạn, tuyến đường bộ cao tốc.

Sau khi Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế thí điểm được thông qua, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định hướng dẫn tổ chức thu, nộp, quản lý, sử dụng số tiền thu được. Trên cơ sở đó, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính ban hành các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Khi cơ sở pháp lý về thu phí sử dụng đường bộ cao tốc qua trạm thu phí được hoàn thiện, Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo cơ quan được giao quản lý đường cao tốc xây dựng các đề án khai thác, bao gồm cả việc tổ chức thu tiền đối với tuyến đường cao tốc đã được chấp thuận thực hiện thí điểm, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để triển khai theo quy định pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và các quy định pháp luật có liên quan.

"Việc khai thác được thực hiện theo quy định tại Điều 80, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, bao gồm các phương thức: đối tượng được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng trực tiếp tổ chức khai thác tài sản kết cấu hạ tầng; chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng; cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng; chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng", Bộ Giao thông vận tải nêu rõ.

Trước đề xuất thu phí các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư, nhiều ý kiến lo ngại xảy ra tình trạng phí chồng phí, do đó, việc này cần xem xét thận trọng do nhiều khoản phí bảo trì đường bộ, thuế bảo vệ môi trường qua xăng dầu, lệ phí trước bạ... đều được tính và thu theo đầu phương tiện.

Đồng thời, phải tính toán việc thu phí đảm bảo công bằng trên mọi tuyến vì Nhà nước bỏ tiền ra đầu tư nhưng tuyến này thu phí, tuyến khác lại không. Công tác tổ chức thu cũng cần đảm bảo minh bạch, mức thu hợp lý, tránh phản ứng từ người dân...