14:04 27/09/2022

Đến “ông lớn” LVMH cũng phải cân nhắc: Ấn tượng hay tiết kiệm năng lượng?

Băng Hảo

Là tập đoàn khổng lồ với hơn 70 thương hiệu xa xỉ hàng đầu thế giới, LVMH vừa minh chứng cho thói quen tiêu dùng của châu Âu trong những năm qua, vừa đi đầu trong việc triển khai những chính sách mới trong hệ thống bán lẻ...

Ảnh: Reuters
Ảnh: Reuters

Chính quyền thủ đô Paris của Pháp - nơi được mệnh danh là "kinh đô ánh sáng" – mới đây đã quyết định giảm thời gian "lên đèn" nhằm tiết kiệm năng lượng. Theo đó, đèn trên tháp Eiffel sẽ được tắt đi kể từ sau 23h45 hàng ngày, trong khi các công trình lớn khác ở thủ đô như Tòa thị chính Paris, tháp Saint-Jacques và các bảo tàng sẽ không còn sáng đèn sau 22h.

Công ty vận hành tháp Eiffel cho biết, mức tiêu thụ năng lượng vào ban đêm hàng năm của ngọn tháp này lên tới 6,7 gigawatt giờ, tương đương với mức tiêu thụ năng lượng của một thị trấn có 3 nghìn dân. Do vậy, việc tắt đèn sớm hơn đối với tháp Eiffel được kỳ vọng sẽ giúp tiết kiệm năng lượng ở mức 4%. Trong khi đó, việc tắt hệ thống đèn trang trí ở các tượng đài của thủ đô sau 22h hàng đêm dự kiến sẽ tiết kiệm gần 10 triệu euro cho nước Pháp.

Để chung tay đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng đang bùng phát ở châu Âu, tập đoàn LVMH ngày 25/9 cũng đã công bố kế hoạch cắt giảm năng lượng. Theo bài đăng chính thức từ LVMH, các cửa hàng thuộc sở hữu của tập đoàn sẽ triển khai thực hiện tiết kiệm năng lượng với mục tiêu cắt giảm tiêu thụ năng lượng 10% so với hiện tại. Các thương hiệu thuộc tập đoàn LVMH sẽ tắt đèn cửa hàng sớm hơn vào ban đêm bắt đầu tháng 10 này, mở đầu ở Pháp trước khi lan rộng ra phạm vi toàn thế giới.

Như vậy, 552 cửa hàng và 110 khu vực sản xuất của các thương hiệu như như Louis Vuitton, Dior, Celine, Givenchy và Kenzo cũng như các cửa hàng Sephora sẽ tắt đèn từ 10 giờ tối đến 7 giờ sáng hôm sau. Về phía văn phòng hành chính sẽ tắt đèn lúc 9 giờ tối.

Đến “ông lớn” LVMH cũng phải cân nhắc: Ấn tượng hay tiết kiệm năng lượng? - Ảnh 1
Những "kỳ quan ánh sáng" như thế này của LVMH sẽ không còn hiện diện sau 10h tối, bắt đầu từ tháng 10 này.
Những "kỳ quan ánh sáng" như thế này của LVMH sẽ không còn hiện diện sau 10h tối, bắt đầu từ tháng 10 này.

Đế chế thời trang muốn thực hiện chiến dịch nhằm nâng cao nhận thức của nhân viên về việc tiết kiệm năng lượng như tắt đèn biển hiệu, tắt đèn và màn hình, rút phích cắm của các thiết bị điện tử khi không có nhu cầu sử dụng. Dự kiến kế hoạch này sẽ áp dụng trước cho 34.000 nhân viên làm việc ở trụ sở Pháp. 

Điều này dẫn đến một thực tế là người ta sẽ không còn được thấy những cửa hàng của Louis Vuitton và Dior sáng trưng rực rỡ trong đêm tối nữa. Vốn luôn đặt tại các vị trí đắc địa và thuộc về những tòa nhà có thiết kế kiến trúc độc đáo, những cửa hàng luôn sáng đèn lấp lánh này gây ấn tượng chẳng kém gì các sản phẩm xa xỉ bày bán bên trong.

Vào mùa đông, đế chế xa xỉ này cho biết cũng sẽ cho giảm nhiệt độ của các khu công nghiệp xuống 1 độ C vào mùa đông năm nay và giữ nhiệt độ trên 1 độ C vào hè tới. Hành động này nhằm thể hiện trách nhiệm của tập đoàn, đóng góp vào mục tiêu mới của chính phủ. Bài đăng mới nhất của tập đoàn thời trang cho biết: "Theo lời kêu gọi của Tổng thống Cộng hòa Pháp và Chính phủ Pháp, LVMH công bố kế hoạch tiết kiệm năng lượng nhằm đóng góp vào nỗ lực quốc gia.”

“Mặc dù chúng tôi sử dụng rất ít năng lượng, nhưng chúng tôi nhận thức được tầm nhìn và tác động đến từ các quyết định của chúng tôi trong việc dẫn đường cho những người khác.” Antoine Arnault - con trai cả của tỷ phú Bernard Arnault và là người hiện điều hành Loro Piana và Berluti, đồng thời đứng đầu mảng truyền thông tại LVMH - cho biết. “Ngày nay chúng tôi đang hành động theo một cách rất cụ thể để ứng phó với cuộc khủng hoảng năng lượng chưa từng có mà chúng ta đang phải đối mặt”.

Theo trang WWD, các thương hiệu riêng lẻ khác trong tập đoàn có thể đặt ra các mục tiêu bổ sung, chẳng hạn như Moët Hennessy, mục tiêu giảm tiêu thụ 15% trên toàn cầu vào năm 2023. Trên toàn cầu, năng lượng tái tạo chiếm 39% và kế hoạch bền vững Life 360 ​​do “thái tử” thừa kế tập đoàn Antoine Arnault thúc đẩy nhằm đạt được 100% năng lượng tái tạo hoặc năng lượng carbon thấp vào năm 2026. «Kế hoạch tiết kiệm năng lượng này phù hợp với tầm nhìn lâu dài của chúng tôi: bảo vệ môi trường không chỉ là nghĩa vụ, mà còn là mệnh lệnh”, Arnault nói thêm.

Đến “ông lớn” LVMH cũng phải cân nhắc: Ấn tượng hay tiết kiệm năng lượng? - Ảnh 2
LVMH công bố kế hoạch tiết kiệm năng lượng nhằm đóng góp vào nỗ lực quốc gia theo lời kêu gọi của Tổng thống Pháp.
LVMH công bố kế hoạch tiết kiệm năng lượng nhằm đóng góp vào nỗ lực quốc gia theo lời kêu gọi của Tổng thống Pháp.

Chương trình tiết kiệm năng lượng này nhiều khả năng sẽ nhận được sự hưởng ứng từ ngành bán lẻ các nước châu Âu. Tháng trước, người đứng đầu Leclerc, nhà bán lẻ thực phẩm lớn nhất của Pháp, cho biết họ có thể giảm giờ mở cửa tại các cửa hàng để đối phó với tình trạng thiếu điện. Chỉ hơn một tuần trước đó, nhà điều hành siêu thị đối thủ Carrefour cũng đã ký 'Điều lệ EcoWatt' với nhà điều hành lưới điện quốc gia RTE, nhằm giảm tiêu thụ điện tại các cửa hàng trong những giờ cao điểm.

Tại Áo, người phát ngôn của chi nhánh của chuỗi bán lẻ đa quốc gia SPAR Group cho biết họ đang giảm thời gian phát quảng cáo tại hơn 1.500 cửa hàng trên toàn quốc. Động thái này sẽ giảm mức tiêu thụ năng lượng của nhà bán lẻ này xuống 1 triệu kilowatt giờ/năm. Một số nhà bán lẻ khác của Bỉ - bao gồm Colruyt và Ahold – cũng đề xuất thực hiện các chương trình năng lượng bền vững nhằm tiết kiệm điện, nhằm thoát khỏi tình trạng nguồn cung gián đoạn tiềm ẩn và chi phí tăng cao.

Theo Reuters, Chính phủ Đức cũng chính thức thông qua các biện pháp tiết kiệm năng lượng trong mùa đông. Các công trình lịch sử, đài tưởng niệm sẽ tắt đèn chiếu sáng, các doanh nghiệp, cửa hàng không được phép bật đèn chiếu sáng mặt tiền và biển quảng cáo vào ban đêm. Điều này khiến nhiều địa điểm tham quan nổi tiếng của Đức như Cổng Brandenburg và Cột Chiến thắng chìm trong bóng tối.