08:24 01/02/2024

Địa phương, doanh nghiệp giới thiệu tour du lịch tâm linh đầu xuân

Tường Bách

Du lịch tâm linh những năm gần đây đã và đang có sức hút đối với nhiều du khách. Cùng với tham quan, vãn cảnh, thì những ngày đầu Xuân năm mới chính là dịp để người dân tìm đến các điểm di tích, chùa, đền... để dâng hương, cầu bình an…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Khác với giai đoạn nghỉ Tết, các sản phẩm du lịch được du khách lựa chọn vô cùng đa dạng, với cả thị trường du lịch trong nước và ngoài nước. Giai đoạn sau Tết, các tour tuyến, điểm đến được du khách lựa chọn với mục đích rõ rệt. cụ thể hơn. Vào mỗi dịp xuân mới, các tour lễ hội xuân luôn là lựa chọn hàng đầu của du khách Việt Nam.

TRÊN ĐƯỜNG ĐI LỄ XUÂN ĐẦU NĂM

Bắt đầu từ Tết Nguyên đán kéo dài đến hết tháng 2 âm lịch, nhiều lễ hội tưng bừng được tổ chức trên khắp mọi miền đất nước, là nét văn hóa tiêu biểu của người Việt. Đây cũng là dịp du lịch tâm linh sôi động. Các điểm du lịch tâm linh nổi tiếng thường được du khách lựa chọn những năm qua bao gồm chùa Hương (Hà Nội), Đền Hùng (Phú Thọ), Yên Tử (Quảng Ninh), chùa Bái Đính (Ninh Bình), Phủ Dầy (Nam Định), chùa Tam Chúc (Hà Nam), chùa Từ Đàm (Huế), miếu Bà chúa xứ (An Giang)…

Bộ sản phẩm Lễ hội xuân của Vietravel Hà Nội được xây dựng theo tiêu chí là các điểm đến được du khách yêu thích, lựa chọn trong các năm trước đây và có các hoạt động lễ hội đặc sắc để du khách trải nghiệm, tìm hiểu thêm về văn hóa, phong tục tập quán từng địa phương. Chương trình có lịch khởi hành đa dạng, từ 1 ngày đến 3 ngày. Du khách có thể lựa chọn tour trọn gói có mức giá chỉ từ 990.000đ/người, bao gồm đầy đủ các dịch vụ ăn ở, đi lại, hướng dẫn viên, hoặc gói dịch vụ lẻ (xe + hướng dẫn viên).

Đại diện Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist cho biết thông thường, ngay sau Tết âm lịch, chùm tour hành hương mùa lễ hội đầu năm của công ty luôn được đông đảo khách hàng quan tâm, chiếm 10% tỉ lệ tour định kỳ của công ty. Những tour hút khách phải kể đến miền Tây với lộ trình đường bộ thuận tiện, bên cạnh đó là các tour miền Trung đến Huế, Đà Nẵng, Quảng Bình và miền Bắc điểm đến Ninh Bình, Tràng An.

Theo quy định mới, phí tham quan chùa Hương (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) thời gian tới sẽ tăng lên 120.000 đồng/lượt/khách.
Theo quy định mới, phí tham quan chùa Hương (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) thời gian tới sẽ tăng lên 120.000 đồng/lượt/khách.

Đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng thống kê năm 2023, trong tổng hơn 6.5 triệu lượt khách tham quan nghỉ dưỡng, có khoảng 50% khách du lịch đến trải nghiệm tại các khu, điểm du lịch có hoạt động du lịch thể thao mạo hiểm và du lịch văn hoá tâm linh, góp phần tăng trưởng các loại hình du lịch này so với mọi năm. “Các điểm du lịch văn hoá tâm linh tại Lâm Đồng luôn có sức hút riêng đối với du khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu như Thiền viện Trúc Lâm, chùa Linh Phước, Samten Hill Đà Lạt”, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng nói.

Ở điểm đến Yên Tử (Quảng Ninh), là vùng đất mang nhiều ý nghĩa của Phật giáo Việt Nam, nơi Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông từng tu tập, không gian văn hóa và du lịch được khai thác nhiều sản phẩm từ tour tham quan, tour leo núi, tour tâm linh kèm nhiều hoạt động khác. Sự đa dạng này thu hút nhiều loại khách du lịch khác nhau. Với đối tượng gia đình, cặp đôi, đơn vị có các sản phẩm như khu nghỉ dưỡng Làng Nương và khu Legacy Mgallery Yentu. Với đối tượng khách thích leo núi, khám phá, ở Yên Tử có những gói trải nghiệm thiên nhiên kết hợp với cáp trao lên núi. Các bạn trẻ đến đây cũng có thể thử qua cưỡi ngựa, bắn cung, làm tò he, làm nón lá…

Nhằm nâng cao chất lượng các tour du lịch tâm linh, gần đây, nhiều đơn vị đã xây dựng sản phẩm mới, tăng thêm trải nghiệm cho du khách. Cụ thể, Công ty Du lịch SGo Travel phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang khởi động lại tour du lịch “Theo dấu chân Phật hoàng”, giúp du khách không chỉ hành hương, đi lễ, mà còn có nhiều hoạt động khám phá các địa chỉ văn hóa, di tích của tỉnh Bắc Giang. Mới đây, Ban Quản lý Khu di tích đền Sóc (huyện Sóc Sơn) đã phối hợp với Công ty Du lịch Sunvina Travel và WonderTour xây dựng sản phẩm du lịch tâm linh kết hợp chăm sóc sức khỏe để mang tới trải nghiệm mới cho du khách, nhất là khách quốc tế.

Các điểm du lịch văn hoá tâm linh tại Lâm Đồng như Thiền viện Trúc Lâm luôn có sức hút riêng đối với du khách trong và ngoài nước. 
Các điểm du lịch văn hoá tâm linh tại Lâm Đồng như Thiền viện Trúc Lâm luôn có sức hút riêng đối với du khách trong và ngoài nước. 

TIỀM NĂNG VÀ GIÁ TRỊ KÉP

Du lịch tâm linh, du lịch lễ hội đầu năm không phải là sản phẩm du lịch đơn thuần mà mang “giá trị kép”, vừa thúc đẩy ngành du lịch phát triển, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, vừa góp phần giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống văn hóa Việt Nam, giá trị di sản, di tích, kết nối cộng đồng. Theo thống kê, Việt Nam có gần 8.000 lễ hội và nhiều di sản được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Đây là nguồn tài nguyên và lợi thế để tạo thành các sản phẩm du lịch để thu hút khách du lịch.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Nguyễn Anh Tuấn cho biết, Việt Nam có nhiều tiềm năng và thế mạnh để phát triển du lịch tâm linh, thể hiện ở bề dày văn hóa gắn với truyền thống, tôn giáo, tín ngưỡng. Ngoài ra, sự đa dạng, phong phú với số lượng lớn các tín ngưỡng, lễ hội dân gian được tổ chức quanh năm trên phạm vi cả nước, cùng nhu cầu du lịch, đi lễ của du khách đã trở thành động lực thúc đẩy du lịch tâm linh phát triển.

Còn theo Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội Phùng Quang Thắng, số lượng khách tham gia du lịch tâm linh ngày càng tăng, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu khách du lịch, cho thấy du lịch tâm linh ngày càng giữ vị trí quan trọng trong đời sống xã hội.

Theo các chuyên gia, có hai yếu tố giúp lễ hội thu hút khách. Đầu tiên là lễ hội phục vụ nhu cầu của khách, thỏa mãn đúng mong muốn trải nghiệm của họ. Thứ hai là khả năng quảng bá lễ hội để thu hút khách. Khi lễ hội công bố sớm thời gian, địa điểm, quy mô, các dịch vụ… thì mới thuyết phục được du khách đặt vé máy bay, đặt phòng lưu trú đến tham gia. Việc công bố quá chậm các thông tin của lễ hội khiến du khách khó sắp xếp thời gian, hoặc đã có lựa chọn khác. Các doanh nghiệp lữ hành cũng bị động, khó kết nối xây dựng tour tuyến.

Chùa Huyền Không - ngôi chùa Phật Giáo Nam Tông độc đáo trên đất Cố đô.
Chùa Huyền Không - ngôi chùa Phật Giáo Nam Tông độc đáo trên đất Cố đô.

Ở góc độ doanh nghiệp, Saigontourist cho rằng các tour tâm linh và du lịch kết hợp tâm linh tại Việt Nam có tiềm năng lớn, ổn định. Việc phát triển sản phẩm tour hành hương sẽ gắn với việc khai thác điểm đến mới tại địa phương và nâng cao chất lượng dịch vụ, bảo tồn di tích hiện có. Tuy nhiên, sản phẩm du lịch tâm linh đòi hỏi hướng dẫn viên phải có kiến thức sâu về lịch sử, văn hoá, nhất là kiến thức về tôn giáo, phong tục liên quan. Thời gian tham quan ở các điểm đến này cũng cần kéo dài để du khách có thể chiêm nghiệm, trải nghiệm.

Nhận định sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh là “mỏ vàng” có thể tạo nguồn thu cho du lịch, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội Phùng Quang Thắng cho rằng, để hấp dẫn du khách hơn nữa, nhất là khách quốc tế, ngoài việc tập trung đầu tư về nguồn lực, các địa phương, đơn vị kinh doanh du lịch cần tăng trải nghiệm cho du khách dựa vào các giá trị văn hóa sẵn có, hướng du khách tới giá trị “chân - thiện - mỹ” trong các hoạt động thực hành tín ngưỡng dân gian.