Du lịch thể thao: Dồi dào tiềm năng “xanh”
Hai lĩnh vực du lịch - thể thao là động lực mạnh mẽ để phát triển, kích thích đầu tư vào các công trình hạ tầng như sân bay, giao thông, sân vân động, khu liên hợp thể thao cũng như nhà hàng, khách sạn, quán ăn...
Theo Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), du lịch thể thao là loại hình liên quan một cách chủ động hoặc thụ động đến trải nghiệm du lịch khi du khách tham gia hoặc quan sát một sự kiện thể thao mang tính cạnh tranh, được tổ chức tại một địa điểm cụ thể nào đó. Đây là một trong những loại hình phát triển nhanh nhất trong ngành du lịch, ước tính trị giá khoảng 800 tỷ USD trên toàn cầu. Sản phẩm du lịch thể thao bao gồm vé xem hoặc vé trực tiếp tham dự giải thể thao, đi kèm các dịch vụ vận chuyển, khách sạn, ẩm thực, tham quan…
THÚC ĐẨY DU LỊCH VÀ CÁC LĨNH VỰC KINH TẾ
Giáo sư HLisa Delpy Neirotti, Giám đốc Chương trình quản lý thể thao của Đại học George Washington (Mỹ), nhận xét: “Khách du lịch thể thao tiêu rất nhiều tiền cho phòng khách sạn, ăn uống tại nhà hàng, mua sắm và tham quan các điểm du lịch. Ngoài ra, ngày càng có nhiều đội tuyển chuyên nghiệp thi đấu ở các địa điểm quốc tế và người hâm mộ muốn theo chân họ. Điều này có thể giúp các điểm đến thu hút sự chú ý của du khách thông qua mạng xã hội và truyền miệng”.
Hãng nghiên cứu Prophecy Market Insights dự báo, quy mô thị trường du lịch thể thao toàn cầu sẽ tăng từ 588 tỷ USD trong năm 2022 lên 3.468 tỷ USD vào năm 2032. Đối với một số quốc gia, những sự kiện này là cơ hội để nâng cao vị thế quốc tế và quảng bá hình ảnh đất nước họ. Saudi Arabia, Trung Quốc, Qatar và nhiều nước khác đang sử dụng thể thao để giới thiệu đất nước, không chỉ với những khán giả trực tiếp tham dự, mà cả với tất cả những người xem chương trình phát sóng truyền hình hoặc phát trực tuyến.
Đại hội thể thao châu Á lần thứ 19 được tổ chức tại Trung Quốc vào tháng 9/2023 đã bán được hơn 3 triệu vé, tạo ra doanh thu hơn 610 triệu Nhân dân tệ (85 triệu USD). Doanh thu bán hàng từ hàng hóa được cấp phép mang lại thêm 107 triệu USD trong khi thu nhập tài trợ từ 176 công ty mang lại thêm 623 triệu USD. Trong khi đó, Chủ tịch FIFA Gianni Infantino thông tin vào tháng 8/2023, sự kiện World Cup nữ do Australia và New Zealand đồng đăng cai, đã mang lại doanh thu hơn 570 triệu USD.
Theo Delpy Neirotti, mục tiêu chính của du lịch thể thao là cải thiện lượng du khách, đặc biệt trong “mùa du lịch chuyển tiếp” (thời gian giữa mùa cao điểm và thấp điểm). Tại Đông Nam Á, tháng 9 là tháng mùa du lịch chuyển tiếp ở Singapore. Tuy nhiên, trong tháng này, đảo quốc Sư tử chứng kiến giá phòng khách sạn tăng lên tới 590 USD Singapore (440 USD) trong dịp cuối tuần khi giải đua xe Formula One thường niên diễn ra. Hầu hết các khách sạn ở Singapore có tỷ lệ lấp đầy vượt quá 90% trong dịp này, theo hãng dữ liệu du lịch Adara.
Tại Indonesia, Thứ trưởng Bộ Du lịch và Kinh tế sáng tạo Vinsensius Jemadu khẳng định: “Theo dự báo từ mấy năm trước, quy mô lĩnh vực du lịch thể thao sẽ đạt gần 18.790 tỷ Rupiah (1,2 tỷ USD) vào năm 2024 cho Indonesia”. Không chỉ moto sport, nước này còn có tiềm năng lớn về du lịch sinh thái với các hoạt động như chạy địa hình, đạp xe, bơi lội… Các sự kiện thể thao này đều có tiềm năng thu hút nhiều người, qua đó giúp thúc đẩy các lĩnh vực kinh tế khác nhau như khách sạn, ẩm thực, doanh nghiệp nhỏ và vừa ở lĩnh vực có liên quan.
Trang web đặt chỗ trải nghiệm du lịch GetYourGuide cho biết, số lượt đặt chỗ theo chủ đề thể thao tăng 130% kể từ năm 2019, với hầu hết lượt đặt chỗ đến từ du khách ở Anh (37%), Mỹ (20%) và Đức (17%). Theo CNBC, GR8, một hãng lữ hàng cao cấp của Mỹ, đang tiếp nhận các yêu cầu của du khách cho sự kiện Thế vận hội Mùa hè 2024 ở Pháp, bao gồm vé vào xem lễ khai mạc, quyền tiếp cận Làng Olympic cũng như các buổi gặp gỡ và chào hỏi với các vận động viên. Dự kiến Pháp có thể đón 15 triệu lượt khách trong dịp diễn ra Olympic Paris 2024, trở thành điểm đến hấp dẫn hàng đầu thế giới.
Theo các chuyên gia về du lịch, thị trường Việt Nam bắt đầu khởi phát kinh doanh sản phẩm du lịch thể thao từ khoảng 5 - 7 năm trở lại đây, đồng thời, chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ số lượng các câu lạc bộ và các giải thể thao phong trào của nhiều môn thể thao như golf, chạy bộ, xe đạp, leo núi, sup – kayak, bơi, yoga… Trong số đó, môn chạy bộ thu hút đông đảo số người tham gia, nhờ quy mô phát triển và khả năng liên kết khai thác rất lớn...
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 05-2024 phát hành ngày 29-01-2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam