Diamond Properties đăng ký bán tiếp 13,6 triệu cổ phiếu NVL
Diamond Properties vừa đăng ký bán 13,6 triệu cổ phiếu NVL nhằm cân đối danh mục đầu tư và hỗ trợ cơ cấu các khoản nợ, nghĩa vụ khác.
CTCP Diamond Properties thông báo giao dịch cổ phiếu của tổ chức có liên quan đến người nội bộ Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (mã NVL-HOSE).
Theo đó, Diamond Properties vừa đăng ký bán 13,6 triệu cổ phiếu NVL nhằm cân đối danh mục đầu tư và hỗ trợ cơ cấu các khoản nợ, nghĩa vụ khác.
Giao dịch được thực hiện từ ngày 22/6 – 21/7 theo phương thức khớp lệnh và/hoặc thỏa thuận. Nếu thành công, tỷ lệ sở hữu của Diamond Properties tại NVL sẽ hạ xuống còn 9,25%, tương đương với 180,5 triệu cổ phần.
Mới đây, ngày từ ngày 8/6 - 13/6, Diamond Properties bị bán giải chấp 2,91 triệu cổ phiếu NVL.
Cùng chiều, cổ đông lớn nhất của Novaland là CTCP Novagroup đăng ký bán ra 136,37 triệu cổ phiếu NVL. Giao dịch được thực hiện bằng phương thức khớp lệnh và/hoặc thỏa thuận trong khoảng thời gian từ ngày 16/6 - 14/7. Sau giao dịch, sở hữu của Novagroup tại Novaland giảm từ 27,6% vốn điều lệ về còn 20,6%, tương đương 403,3 triệu cổ phiếu.
Trước đó, từ 9/5 - 1/6, Diamond Properties và Novagroup đã bán ra lần lượt 4,55 triệu và 14,4 triệu cổ phiếu NVL.
Trên thị trường, sau phiên tăng trần cùng thanh khoản bùng nổ ngày 13/6, thì đóng cửa phiên 17/6, cổ phiếu NVL của CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va - Novaland giảm 2,6% về mức 14.900 đồng/cp.
Trước đó, vào ngày 05/03, Chính phủ ban hành Nghị định 8, cho phép tổ chức phát hành trái phiếu thỏa thuận với trái chủ để (1) gia hạn thời hạn trái phiếu thêm tối đa 2 năm hoặc (2) hoán đổi khoản thanh toán trái phiếu thành tài sản thay thế.
Nếu người sở hữu trái phiếu không chấp nhận phương án đàm phán này thì tổ chức phát hành phải thực hiện nghĩa vụ với người sở hữu trái phiếu nêu trong phương án phát hành trái phiếu (kể cả trường hợp việc thay đổi các điều khoản và điều kiện của trái phiếu đã được sự chấp thuận của những người sở hữu trái phiếu đại diện cho ít nhất 65% trái phiếu đang lưu hành).
Nghị định 8 đã trở thành khung pháp lý cho các nhà phát triển BĐS phát hành trái phiếu cao trong giai đoạn 2019-2021 nay gặp khó khăn về tài chính để thanh toán cho trái chủ.
Về phía NVL, công ty đưa ra 2 phương án cơ cấu lại kỳ hạn trái phiếu, bao gồm (i) kéo dài thời hạn trái phiếu thêm tối đa 2 năm với mức lãi suất coupon cao hơn (cao hơn 1 điểm % so với lãi suất gốc) và (ii) hoán đổi khoản thanh toán trái phiếu thành tài sản hoặc một phần tài sản trong dự án du lịch/nghỉ dưỡng do NVL phát triển.
Dựa trên các thương vụ tái cơ cấu trái phiếu gần đây của NVL, Công ty Cổ phần Chứng khoán VietCap (VCSC) cho rằng phương án (i) khả thi hơn. Trong khi đó, trái chủ có thể do dự trước phương án (ii) do lo ngại về (a) tình trạng pháp lý của loại hình BĐS nghỉ dưỡng hoặc tình trạng pháp lý về sở hữu chung đối với BĐS và (b) cam kết về khả năng bàn giao.
Tuy nhiên, liên quan đến vấn đề (a), VCSC cho rằng Nghị định 10 được Chính phủ ban hành vào ngày 03/04 đã có hướng dẫn rõ ràng hơn để giải quyết một số điểm nghẽn pháp lý, bao gồm việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với BĐS du lịch/nghỉ dưỡng có thể giúp hỗ trợ niềm tin của NĐT cá nhân nắm giữ trái phiếu về tính pháp lý của các BĐS du lịch/ nghỉ dưỡng được trao đổi.
Ngoài Nghị định 8, NHNN đã ban hành các thông tư mới cho phép các ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với các khách hàng vay đang gặp khó khăn, qua đó có thể hỗ trợ các chủ đầu tư cơ cấu lại nghĩa vụ nợ.