12:51 22/05/2023

Dịch chuyển mạnh hàng hóa từ cảng TP.HCM đến cảng Bà Rịa – Vũng Tàu

Xuân Nghi

Trong giai đoạn từ năm 2025 đến năm 2022, tỷ trọng thông qua hàng hóa của các cảng TP.HCM có xu hướng giảm dần, từ 61,8% xuống còn 55,1% trong khi tỷ trọng hàng hóa thông qua ở cảng biển ở Bà Rịa – Vũng Tàu tăng từ 31,7% lên 36,6%...

Cảng Cái Mép được xếp hạng cảng container thứ 11 trong số 370 cảng container tốt nhất toàn cầu, theo WB và S&P Global Market Intelligence thông qua Chỉ số hoạt động cảng container (CPPI), vào tháng 5/2022.
Cảng Cái Mép được xếp hạng cảng container thứ 11 trong số 370 cảng container tốt nhất toàn cầu, theo WB và S&P Global Market Intelligence thông qua Chỉ số hoạt động cảng container (CPPI), vào tháng 5/2022.

Báo cáo mới đây của Cục Hàng hải, Bộ Giao thông vận tải cho biết, khu vực cụm cảng Cái Mép - Thị Vải ở Bà Rịa – Vũng Tàu hiện chiếm hơn 16% tổng lượng hàng hóa xếp dỡ qua cảng biển và 35% lượng hàng container cả nước.

DỊCH CHUYỂN MẠNH HÀNG HÓA QUA CÁC SỐ LIỆU

Cụm cảng Cái Mép – Thị Vải cũng chiếm 50% lượng hàng container khu vực phía Nam, đứng sau cảng Cát Lái của TP.HCM (chiếm 50% tổng lượng container cả nước).

Thống kê hàng hóa qua Nhóm cảng biển số 4 (gồm TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu và Long An) của Cục Hàng hải cho biết, tổng lượng hàng hóa qua nhóm cảng biển tăng dần các năm từ 2015 – 2022 như sau: năm 2015 đạt 150,8 triệu tấn; năm 2016 đạt 177,6 triệu tấn; năm 2017 đạt 184,8 triệu tấn; năm 2018 đạt 203 triệu tấn; năm 2019 đạt 297 triệu tấn; năm 2020 đạt 298,8 triệu tấn; năm 2021 đạt 298,4 triệu tấn và năm 2022 đạt 295,6 triệu tấn (giảm đôi chút).

Trong Nhóm số 4, cảng biển TP.HCM và cảng biển Bà Rịa – Vũng Tàu có công suất và tỷ trọng thông qua lớn nhất. Cụ thể cảng biển TP.HCM, năm 2015 đạt 93 triệu tấn, tỷ trọng 61,8%; năm 2016 đạt 100 triệu tấn, tỷ trọng 56,6%; năm 2020 đạt 163 triệu tấn, tỷ trọng 54,6%; năm 2021 đạt 164,6 triệu tấn, tỷ trọng 55,2% và năm 2022 đạt khối lượng 163 triệu tấn, tỷ trọng 55,1%... Như vậy có thể thấy, tỷ trọng thông qua hàng hóa của cảng biển TP.HCM đang có xu hướng giảm dần, từ 61,8% xuống còn 55,1%. Riêng hàng container giai đoạn 2025 – 2022 đã giảm từ 76,3% xuống còn 46,7%.

Trong khi đó, tổng lượng hàng hóa qua cảng biển Bà Rịa – Vũng Tàu tăng dần qua các năm và tỷ trọng tướng ứng như sau (2015 – 2022): 2015 là 47,8 triệu tấn - 31,7%; 2026 là 62,9 triệu tấn - 35,4%; 2017 là 61,4 triệu tấn – 33,2%; 2018 là 68,4 triệu tấn – 33,7%; 2019 là 107,8 triệu tấn -  36,2%; 2020 là 113,2 triệu tấn – 37,9%; 2021 là 113,7 triệu tấn – 38,1%; và 2022 là 108 triệu tấn – 36,6%. Thống kê này cho thấy, tỷ trọng thông qua hàng hóa của cảng biển Bà Rịa – Vũng Tàu đã tăng dần từ 31,7% lên 36,6%. Riêng hàng container tăng từ 19,3% (2015) lên 48,2% (2022).

Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng hóa thông qua cảng biển TP.HCM là 9,95% và cảng biển Bà Rịa – Vũng Tàu khoảng 15,5%. Theo nhận định của Cục Hàng hải, trong giai đoạn 2015 – 2022 vừa qua, đã có sự dịch chuyển hàng hóa từ cảng biển TP.HCM sang cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu, chủ yếu ở khu vực Cái Mép - Thị Vải.

Nhóm cảng biển số 4 là nhóm cảng biển lớn nhất Việt Nam, cũng là nhóm cảng biển quan trọng nhất, chiếm đến 43% tổng lượng hàng thông qua hệ thống cảng biển cả nước. Vẫn theo Cục Hàng hải, sản lượng hàng qua cảng biển Việt Nam năm 2022 đạt 733 triệu tấn, tăng 4% so với năm 2021 (năm 2021 đạt 703 triệu tấn, tăng 2% so năm 2020). Riêng nhóm cảng biển số 4, sản lượng hàng hóa thông qua trong năm 2021 đạt xấp xỉ 300 triệu tấn.

ƯU TIÊN PHÁT TRIỂN NHÓM CẢNG BIỂN SỐ 4

Theo Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Nhóm cảng biển số 4 được quy hoạch bảo đảm thông qua lượng hàng đến năm 2030 từ 461 - 540 triệu tấn, riêng hàng container từ 23 - 28 triệu TEUs.

Cảng Cát Lái chiếm 25% thị phần vận tải biển nội địa, 50% thị phần container xuất nhập khẩu cả nước và 92% thị phần khu vực TP.HCM.
Cảng Cát Lái chiếm 25% thị phần vận tải biển nội địa, 50% thị phần container xuất nhập khẩu cả nước và 92% thị phần khu vực TP.HCM.

Trong đó, cảng biển Cái Mép được quy hoạch là cảng cửa ngõ trung chuyển quốc tế; khu bến Thị Vải được quy hoạch phục vụ phát triển kinh tế xã hội liên vùng, có bến tổng hợp, bến container, hàng rời,… Có thể tiếp nhận tàu có tải trọng tối đa lên đến 250.000 DWT (tải trọng toàn phần).

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đặt mục tiêu tập trung mọi nguồn lực đầu tư, phát triển hệ thống cảng biển Cái Mép - Thị Vải trở thành cảng cửa ngõ, cảng trung chuyển quốc tế cấp đặc biệt của quốc gia; phát triển ngành cảng biển và hậu cần cảng Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn chủ lực của tỉnh.

Cụ thể, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh này phấn đấu tổng sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển tỉnh đạt khoảng 375 triệu tấn, bình quân khoảng 75 triệu tấn/năm. Toàn địa bàn tỉnh hiện có 69 bến cảng được quy hoạch, đến nay đã đưa vào khai thác 48 dự án với công suất 141,5 triệu tấn/năm. Riêng khu vực Cái Mép - Thị Vải có 35 bến cảng, đã đưa vào khai thác 22 bến cảng (19 dự án chính thức, 3 dự án tạm khai thác), với công suất 117,8 triệu tấn/năm, trong đó bao gồm 7 cảng container với công suất 6,8 triệu TEUs/năm.

Cảng biển TP.HCM, các khu bến hiện tiếp nhận tàu có tải trọng nhỏ hơn, từ 30.000 – 45.000 DWT; riêng khu bến Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) có thể tiếp nhận tàu có tải trọng đến 70.000 DWT.

Quyết định số 1579/QĐ-TTg cũng quy định, đối với các cảng trên sông Sài Gòn được định hướng quy hoạch: Thực hiện di dời, chuyển đổi công năng phù hợp với quy hoạch sử dụng đất và phát triển không gian đô thị của TP.HCM.

Đề án di dời cảng trên sông Sài Gòn khu vực cảng biển TP.HCM được thực hiện theo Quyết định số 791/QĐ-TTg ngày 12/8/2005 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó thực hiện di dời các bến cảng trên sông Sài Gòn (Tân cảng Sài Gòn, khu cảng Nhà Rồng, khu cảng Khánh Hội của cảng Sài Gòn, cảng Tân Thuận Đông, cảng Rau Quả) và Nhà máy đóng tàu Ba Son. Tiến độ di dời cụ thể căn cứ vào tiến độ triển khai các quy hoạch chung của TP.HCM và tình hình sản xuất kinh doanh của từng cảng, theo nguyên tắc: không gây ách tắc, lãng phí và hạn chế ảnh hưởng xấu đối với sản xuất kinh doanh và an ninh quốc phòng, ổn định công ăn việc làm cho người lao động.