19:18 28/01/2009

“Diễn biến kinh tế hiện khá giống cách đây 10 năm”

Thanh Hải

Góc nhìn của nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Xuân Giá về kinh tế Việt Nam năm nay

Ông Trần Xuân Giá - Ảnh: VTC.
Ông Trần Xuân Giá - Ảnh: VTC.
Là một trong những viên chức cao cấp Nhà nước đầu tiên chuyển sang làm doanh nhân sau khi rời nhiệm sở, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Xuân Giá, nay là Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Á Châu (ACB) không quan niệm “về hưu nghĩa là thôi làm việc”.

Dưới góc nhìn của một doanh nhân, ông cho rằng Việt Nam sẽ nhận nhiều sức ép đáng lo ngại hơn từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu trong năm 2009.

Làm bộ trưởng rủi ro hơn

Chuyển đổi từ môi trường làm chính sách của Nhà nước sang lãnh đạo doanh nghiệp, ông có gặp nhiều khó khăn không?

Trước khi nhận lời làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị ACB, tôi đã là thành viên hội đồng quản trị độc lập của một quỹ niêm yết trên thị trường chứng khoán London (Anh).

Trước đó tôi cũng nhận được khá nhiều lời mời khác nhưng cuối cùng tôi vẫn quyết định nhận lời làm việc cho ACB vì nhiều lẽ: tôi cần việc làm sau nghỉ hưu và họ cũng cần người.

Tôi biết tâm huyết của một số lãnh đạo trong ACB từ trước, tôi biết họ mong muốn phát triển ACB mạnh hơn nữa và họ muốn có người chia sẻ với họ những gánh nặng đó để tập trung cho mục tiêu mới lớn hơn.

Tôi luôn luôn quan niệm làm bộ trưởng trong lĩnh vực kinh tế phải biết kiếm tiền cho Nhà nước và kiếm lợi cho dân hay làm cho doanh nghiệp cũng vậy, phải biết tìm kiếm những lợi ích cho doanh nghiệp cũng như những lợi ích chung cho xã hội. Do vậy, tôi đã không cảm thấy nhiều khó khăn khi đảm nhận chức vụ Chủ tịch Hội đồng Quản trị ACB.

Về thực chất khái niệm tìm kiếm lợi ích cho Nhà nước và cho doanh nghiệp không khác nhau nhiều. Nhưng rủi ro khi làm bộ trưởng thì cao hơn nhiều so với rủi ro khi làm việc cho ngân hàng. Các quyết định sai khi làm bộ trưởng có thể phải đợi nhiều năm mới thấy thiệt hại lớn nhưng các quyết định liên quan đến ngân hàng có thể nhìn thấy được ngay.

Nhiều công chức Nhà nước khi nghỉ hưu chuyển sang làm doanh nhân, hoặc cũng có một số người chuyển ngang sang làm doanh nghiệp khi còn đang đương chức. Ông đánh giá thế nào về chuyện này?

Tôi thấy nên coi chuyện này là bình thường. Tôi không quan niệm về hưu có nghĩa là phải nghỉ làm việc.

Lâu nay ở Việt Nam coi đi làm cho doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp ngoài Nhà nước là một cái gì đó không hay và không ổn định. Bây giờ khái niệm trong Nhà nước hay ngoài Nhà nước cần phải bỏ đi, không phải những người có tuổi mà ngay cả với lớp trẻ.

Còn đối với những người đã về hưu, tôi cho rằng đã sống thì phải lao động, mỗi người nên tìm lấy một việc thích hợp để tạo niềm vui cho mình. Ai thấy thích hợp ở đâu thì làm ở đó.

Làm lãnh đạo doanh nghiệp trong thời buổi kinh tế gặp khó khăn, với ông, điều gì làm ông cảm thấy vất vả không?

Nói cho đến cùng, đã là một đơn vị kinh doanh ai cũng muốn tăng trưởng, hiệu quả và lợi nhuận lớn. Nhưng nói về thách thức của bất kỳ ngân hàng nào trong đó có ACB vẫn là rủi ro trong kinh doanh, mà rủi ro trong kinh doanh tiền tệ là cái luôn luôn phải đặt lên hàng đầu.

Trong điều kiện bình thường, ACB luôn đề ra mục tiêu “tăng trưởng nhanh, quản lý tốt và lợi nhuận cao”, còn trong điều kiện hiện nay ACB đang đặt ra mục tiêu hàng đầu là “quản lý tốt, lợi nhuận cao và tăng trưởng hợp lý, đồng thời quản lý rủi ro một cách hiệu quả”.

Những điểm trùng lặp với thời kỳ 1997-1998

Với góc nhìn của một doanh nhân, ông nhìn nhận kinh tế Việt Nam trong năm 2009 ra sao?

Tôi cho rằng năm 2009, khó khăn và thách thức sẽ nhiều hơn so với năm 2008. Tôi nhận thấy những diễn biến trong năm 2008 đang có những điểm trùng lặp so với thời kỳ 1997-1998.

Năm 1997, khủng hoảng tài chính trong khu vực, thì năm 2007 bắt đầu khủng hoảng toàn cầu.

Năm 1997, Quốc hội Việt Nam đề ra kế hoạch năm 1998 là tăng trưởng kinh tế khoảng 9% thì năm 2007 Quốc hội cũng thông qua tăng trưởng kinh tế năm 2008 là 8,5-9%.

Tháng 6/1998, Quốc hội đã thông qua điều chỉnh kế hoạch tăng trưởng và cũng tương tự như vậy, tháng 6/2008, Quốc hội Việt Nam cũng thông qua kế hoạch điều chỉnh tăng trưởng.

Cuối năm 1998 cũng đánh giá năm 1999 sẽ khó khăn hơn và do đó đề ra kế hoạch năm 1999 cũng rất khiêm tốn, chỉ tăng trưởng khoảng 5-6% và trên thực tế tăng trưởng trong năm 1999 chỉ đạt gần 4,8%.

Năm 1998, Chính phủ cũng đề ra các giải pháp kích cầu và năm 2008 cũng đang đề ra các giải pháp kích cầu...

Qua đó, tôi nhận thấy tình hình năm 2008 có điều gì đó tương tự như năm 1998, thậm chí có những mặt trong năm 2008 có phần gay gắt hơn.

Có thể thấy, xu hướng tăng trưởng tiếp tục chậm dần trong năm 2009, điều này bắt nguồn từ một số nguyên nhân.

Thứ nhất, xu hướng tăng trưởng kinh tế đang tiếp tục giảm, quý 1/2008 còn trên 7,2%, quý 2/2008 là 5,8%, còn quý 4/2008 tăng trưởng còn 6,1%, và thực chất tăng trưởng qua từng quý trong năm 2008 chưa có sự đảo chiều như trước. Những năm trước tăng trưởng của quý sau luôn cao hơn quý trước, còn tăng trưởng trong năm 2008 quý sau luôn thấp hơn quý trước.

Thứ hai, xuất khẩu trong năm 2009 cũng sẽ theo chiều hướng giảm mạnh do độ mở cửa của Việt Nam đang rất cao. Tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong năm qua đã tăng trên 160% so với GDP, do đó không thể bỏ qua yếu tố kinh tế đối ngoại, nhất là xuất khẩu. Tuy nhiên, do tác động của khủng hoảng tài chính, các nước trên thế giới đang có nhiều dấu hiệu hạn chế tiêu dùng, vì vậy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến xuất khẩu của Việt Nam năm 2009.

Thứ ba, đầu tư toàn xã hội sẽ giảm. Thực tế đầu tư toàn xã hội trong năm 2008 tăng so với 2007 khoảng 11% nhưng nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì đầu tư giảm 10% và điều này sẽ tiếp tục lặp lại trong năm 2009.

Các yếu tố khó khăn trong năm 2008 sẽ tiếp tục tác động mạnh trong năm 2009, nếu không thực hiện tăng đầu tư toàn xã hội năm 2009 sẽ không thể có tăng trưởng. Hiện tại, vốn đầu tư toàn xã hội đang chiếm khoảng 60% GDP.

Cuối cùng là khu vực công nghiệp và xây dựng năm 2008 tăng thấp nhất từ năm 1995 trở lại đây, đặc biệt chưa bao giờ ngành xây dựng có mức tăng trưởng 0,02% như trong năm 2008. Ngành này sẽ tiếp tục gặp khó trong năm 2009 và cũng trực tiếp tác động đến tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Đến chậm, nhưng ở lại lâu

Ngoài ra còn những thách thức nào mới với Việt Nam trong năm 2009, thưa ông?

Tôi cho rằng, một trong những thách thức mới đó là những ảnh hưởng từ bên ngoài. Sở dĩ có thách thức này là do lâu nay những tác động xấu từ bên ngoài vẫn thâm nhập vào Việt Nam và đi theo từng bước phát triển của Việt Nam.

Qua kinh nghiệm từ cuộc khủng hoảng 1997 - 1998 và quan sát mấy tháng vừa qua, nhất là từ tháng 9/2008 trở lại đây, tôi thấy: nếu đâu đó khó khăn bắt đầu giảm dần, đến giữa năm 2009 hoặc cuối năm 2009 họ sẽ vượt qua nhưng khi đó Việt Nam mới bắt đầu hứng chịu những tác động xấu từ cuộc khủng hoảng này.

Những tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu tác động đến Việt Nam ở mức chậm nhưng ở lại rất lâu và ảnh hưởng kinh tế rất nặng nề.

Ngoài ra, thách thức mới trong năm 2009 sẽ còn là thách thức trong cân đối vĩ mô và sẽ khó khăn hơn nhiều so với năm 2008. Xuất khẩu, cân đối cán cân thanh toán, thu ngân sách... sẽ khó khăn hơn nhiều. Việt Nam đang đề ra những giải pháp để vượt qua và giảm thiểu các tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng này.

“Đào giếng giữa mùa mưa”

Từng là người đứng đầu ngành dự báo kinh tế, ông nhìn nhận thế nào về sự cần thiết phải cải thiện công tác này trong năm 2009?

Năm 2008 trong điều hành kinh tế vĩ mô còn xuất hiện nhiều yếu kém bất cập. Thực tình mà nói trong điều hành dự báo và nắm bắt tình hình kinh tế vĩ mô đã không thật sát.

Trong tháng 2/2008, mọi người vẫn nêu lên con số tổng phương tiện thanh toán và dư nợ trong năm 2007 vào khoảng 30%, nhưng trên thực tế con số này lần lượt là 44% và 54%, và đây là mức tăng cao nhất từ năm 1993 trở lại đây. Đây cũng chính là hai con số liên quan rất nhiều đến lạm phát của Việt Nam trong năm 2008.

Từ tháng 2/2008 đã có những cảnh báo về tình hình khó khăn và phải điều chỉnh kế hoạch nhưng nhiều người vẫn cho rằng tình hình chưa có gì đáng ngại và không cần phải lo lắng. Đến tháng 6/2008 khi tình hình kinh tế đã trở nên xấu hơn vẫn còn có ý kiến không muốn điều chỉnh chỉ tiêu kế hoạch, chỉ tiêu tăng trưởng và cho rằng tình hình vẫn chưa có gì đáng lo ngại.

Điều này đã dẫn đến việc đề ra các giải pháp và tổ chức thực hiện chậm. Từ tháng 8-9/2008 đã có những đề nghị kích cầu, ít nhất trong quý 4/2008 và năm 2009 để Việt Nam thực hiện việc kích cầu này, nhưng để có hiệu quả phải chờ ít nhất là 6 tháng nữa.

Để những giải pháp đó có hiệu quả, trong điều hành vĩ mô cần phải dự báo đúng và trúng tình hình, qua đó tìm ra những chính sách phù hợp và tổ chức triển khai các chính sách cho kịp thời. Các chính sách năm 2008 về cơ bản là đúng, nhưng lại đưa ra trong tình trạng “đào giếng giữa mùa mưa”.

Cẩn trọng với đầu tư kém hiệu quả

Vậy theo ông trong năm 2009, Việt Nam nên có những giải pháp gì để tiếp tục kìm chế lạm phát nhưng đồng thời ngăn chặn được đà suy giảm kinh tế?

Khoảng cách giữa lạm phát và giảm phát rất gần nhau. Các yếu tố cơ bản gây ra lạm phát trong năm 2008 vẫn đang tồn tại.

Đối với cá nhân tôi yếu tố cơ bản và quan trọng nhất gây ra lạm phát trong năm 2008 chính là đầu tư kém hiệu quả, nếu tiếu tục để hệ số sử dụng vốn (ICOR) cao đó sẽ là mầm mống quan trọng tiếp tục gây ra lạm phát.

Tiền tệ cũng là một yếu tố quan trọng nhưng không phải là yếu tố quyết định gây ra lạm phát, nếu đầu tư đúng và sản xuất có hiệu quả sẽ không có chuyện tung tiền nhiều như những năm trước.

Trong những lúc khó khăn nhất cũng luôn luôn phải để ý đến yếu tố gây bất lợi cho nền kinh tế để ngăn chặn, nếu quá mải mê chạy theo chống giảm phát mà không có những giải pháp hiệu tốt và hiệu quả sẽ gây ra tình trạng lạm phát ngược trở lại.

Các giải pháp Chính phủ đã đưa ra rất đúng, tuy nhiên nếu không tính tới yếu tố hiệu quả của các giải pháp sẽ rất nguy hiểm. Kích cầu để chống giảm phát, nhưng không khéo chính nó lại gây ra lạm phát.