06:20 30/04/2021

Điện gió ngoài khơi của Việt Nam “hấp dẫn” nhà đầu tư nước ngoài

Thanh Xuân

Theo đánh giá của các tổ chức trên thể giới, tiềm năng điện gió ngoài khơi của Việt Nam được ước tính nằm trong khoảng từ 160 GW  đến gần 500 GW…

Điện gió ngoài khơi sẽ tạo ra năng lượng tái tạo lớn và ổn định
Điện gió ngoài khơi sẽ tạo ra năng lượng tái tạo lớn và ổn định

Chia sẻ tại buổi gặp gỡ báo chí mới đây, ông Matthias Bausenwein, Chủ tịch Ørsted (Công ty năng lượng của Đan Mạch) Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, đánh  giá cao tiềm năng của Việt Nam trong  việc  phát triển điện gió ngoài khơi. "Chúng tôi đánh giá đây là một thị trường quan trọng tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và rất hào hứng khi bước chân vào thị trường Việt Nam. Chúng tôi tin rằng năng lượng gió ngoài khơi có khả năng cung cấp nguồn điện cạnh tranh và đáng tin cậy cho người dân cũng như thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của nền kinh tế", ông  nói.

Theo  đánh  giá  của  các  nhà  đầu tư, Việt Nam là quốc gia có những điều kiện tự nhiên tốt nhất Châu Á để phát triển các dự án điện gió ngoài khơi với đường biển dài hơn 3.000km, mực nước biển thấp và tốc độ gió thổi thường xuyên ở mức cao. Đây là những điều kiện tiên quyết quan trọng để phát triển các dự án điện gió ngoài khơi với chi phí thấp và độ tin cậy cao.

Tiềm năng điện gió ngoài khơi của Việt Nam được ước tính nằm trong khoảng từ 160 GW (Cơ quan Năng lượng Đan Mạch) đến gần 500 GW (Ngân hàng Thế giới). Với cơ sở pháp lý phù hợp, Việt Nam có thể tạo ra một ngành công nghiệp sôi động, không chỉ mang lại cơ hội việc làm và tăng trưởng kinh tế mà còn tạo ra sản lượng năng lượng tái tạo lớn và ổn định.

Đối với các tập đoàn đa quốc gia bị ràng buộc bởi các yêu cầu từ nước nhà và đã cam kết hoạt động 100% bằng năng lượng tái tạo thì việc tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo sẽ giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư lớn.

Hơn nữa, điện gió ngoài khơi có thể kích thích hàng trăm ngàn tỷ đồng vốn đầu tư nước ngoài và khởi động một ngành công nghiệp mới năng động tạo ra hàng chục ngàn công việc chất lượng cao trong khi vẫn giúp giảm phát thải.

Để phát huy tiềm năng của năng lượng tái tạo tại Việt Nam, Chính phủ đã đặt ra các mục tiêu rất lớn trong Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch Điện VIII), trong đó, đặt mục tiêu tăng tỷ trọng điện tái tạo lên mức khoảng 30% vào năm 2030.