Điều chỉnh chiến lược xuất khẩu các ngành hàng nông sản để thích ứng với thuế đối ứng của Mỹ
Bộ Nông nghiệp và Môi trường đặt mục xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2025 là 65 tỷ USD, Tuy nhiên, với việc Mỹ (thị trường chiếm đứng đầu, chiếm 21,6% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản của Việt Nam) vừa công bỗ áp thuế đối ứng 46% lên hàng hoá Việt Nam, các ngành hàng cần điều chỉnh chiến lược sản xuất, xuất khẩu để đáp ứng tình hình mới…

Bên lề hội nghị "Phát triển chăn nuôi lợn trong tình hình mới", ngày 3/4/2025, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến cho biết rất sửng sốt khi biết tin Mỹ sẽ áp thuế đối ứng lên hàng hoá Việt Nam với mức thuế tới 46%.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, năm 2024, xuất khẩu nông lâm thuỷ sản của Việt Nam sang thị trường Mỹ đem về 13,8 tỷ USD, chiếm 21,6% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành. Mỹ là thị trường đứng đầu trong số các thị trường xuất khẩu nông lâm thuỷ sản của Việt Nam, đứng thứ hai là Trung Quốc với 13,6 tỷ USD trong năm 2024.
CẦN CHIẾN LƯỢC XUẤT KHẨU LINH HOẠT
Ông Phùng Đức Tiến cho hay kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam đạt 62,5 tỷ USD trong năm 2024. Vì vậy, toàn ngành đặt mục tiêu xuất khẩu năm 2025 là 65 tỷ USD, và ngay trong quý 1 đã đạt 15,72 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước.
“Chúng tôi đang hào hứng tự tin cả năm sẽ vượt mục tiêu xuất khẩu, thậm chí có thể hướng đến mốc tiệm cận 70 tỷ USD. Tuy nhiên, với mức thuế mới quá cao tại Mỹ, xuất khẩu nông sản sang thị trường này thời gian tới chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, trong những ngày tới, chúng tôi sẽ cần phải đánh giá lại và triển khai các giải pháp phù hợp để duy trì đà tăng trưởng. Các ngành hàng cần điều chỉnh chiến lược sản xuất, xuất khẩu để đáp ứng tình hình mới”, Thứ trưởng Tiến nói.
"Với những thay đổi về thuế nhập khẩu của Mỹ, các ngành hàng nông lâm thuỷ sản Việt Nam cần có chiến lược linh hoạt và chủ động để giảm thiểu tác động tiêu cực, đồng thời tìm kiếm cơ hội từ các thị trường khác nhằm đảm bảo mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong năm 2025”.
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường.
Đề cập đến hướng giải pháp, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết trước hết, Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ phối hợp với các Bộ khác tiếp tục làm việc với các cơ quan quản lý của Mỹ, để thuyết phục họ điều chỉnh lại mức thuế sao cho có lợi cho nông sản nước ta. Bên cạnh đó, một trong những hướng đi quan trọng là đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và đáp ứng các tiêu chuẩn của Mỹ.
“Dù khó khăn như thế nào, chúng ta vẫn cần giữ vững chiến lược "dĩ bất biến, ứng vạn biến", tập trung cho sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng và giảm giá thành để tăng sức cạnh tranh”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Hướng giải pháp thứ hai, phải mở rộng thị trường, không phụ thuộc vào một thị trường. Trong đó, thị trường Trung Quốc hiện đứng thứ hai cho xuất khẩu nông lâm thuỷ sản của Việt Nam. Nếu quan hệ Việt Nam và Trung Quốc ổn định, thì còn rất nhiều mặt hàng chúng ta có thể xuất khẩu sang Trung Quốc. Điều này càng đặc biệt khi chúng ta đã ký một số nghị định về sầu riêng đông lạnh; động vật tiêm vắc-xin giảm bị đông máu ví dụ cá sấu, khỉ, và rất nhiều đối tượng khác, cả những người trồng trọt, thuỷ sản.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, chúng ta có thể xuất khẩu mạnh vào thị trường lớn khác, nhưng cũng phải tập trung vào sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ theo tinh thần Nghị quyết 57, để nâng cao giá trị, năng suất, chất lượng, hạ giá thành, đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn của thị trường Mỹ và mở rộng các thị trường khác cũng rất nhiều tiềm năng với nông sản Việt Nam.
NGÀNH ĐỒ GỖ VÀ THUỶ SẢN “CHOÁNG VÁNG”
Đối với ngành hàng gỗ và sản phẩm gỗ, Mỹ là thị trường trọng điểm, với kim ngạch đạt 9,1 tỷ USD, chiếm thị phần 56,1% trong tổng kim ngạch xuất khẩu 16,2 tỷ USD của toàn ngành hàng gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam trong năm 2024.
Trong số 3,5 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng ghế ngồi của Việt Nam trong năm 2024, riêng thị trường Mỹ đạt trên 2,78 tỷ USD, tăng 23,3% so với năm 2023. Xuất khẩu đồ gỗ nội thất phòng ngủ sang thị trường Mỹ trong năm 2024 đem về cho Việt Nam 1,2 tỷ USD trong số kim ngạch 1,5 tỷ USD của mặt hàng này.
Với mặt hàng đồ gỗ nội thất phòng khách đạt 2,12 tỷ USD năm 2024, thì riêng thị trường Mỹ đem về cho Việt Nam 1,53 tỷ USD. Ở mặt hàng đồ gỗ nội thất phòng bếp, xuất khẩu sang Mỹ đạt 1 tỷ USD, trong khi tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm này của Việt Nam chỉ là 1,13 tỷ USD trong năm 2024. Với nhóm đồ gỗ nội thất khác kim ngạch xuất khẩu đạt 1,37 tỷ USD, thì riêng thị trường tại Hoa Kỳ đã đạt 1,18 tỷ USD.
Ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA), không giấu nổi sự lo lắng và cho biết: "Chúng tôi thực sự choáng váng. Hàng đồ gỗ xuất khẩu đi, lãi chỉ được 5 – 7%. Nếu thuế nhập khẩu lên đến 46%, thì các nhà nhập khẩu sẽ buộc phải tăng giá bán sản phẩm gỗ Việt tại thị trường Mỹ lên gấp rưỡi, khi đó số hàng lượng tiêu thụ sẽ giảm nhiều”.
Theo ông Nguyễn Liêm, 60 - 70% các mặt hàng gỗ và sản phẩm từ gỗ của Việt Nam hướng đến thị trường Mỹ, tỷ lệ này ở các doanh nghiệp của Bình Dương lên đến 80%, nên việc Mỹ áp thuế 46% có thể khiến đối tác hủy đơn hàng, giảm số lượng hàng đặt mua.
"Chính sách thuế của Mỹ khá phức tạp, hiện doanh nghiệp chúng tôi cũng đang nghe ngóng phản ứng tiếp theo từ phía các đối tác và rất kỳ vọng Chính phủ, ngành chức năng sớm có ngay giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp".
Ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương.
Tiến sĩ Tô Xuân Phúc, chuyên gia của Tổ chức Forest Trends nhận định xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vào thị trường Mỹ phát triển nhanh và mạnh trong 20 năm qua, đưa Việt Nam trở thành một trong những đối tác cung cấp gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất tại thụ trường này. Điều này là cơ hội lớn nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro cho ngành gỗ Việt khi phụ thuộc quá lớn vào một thị trường duy nhất, đặc biệt là trong bối cảnh nhiều chính sách biến động khó đoán của Chính phủ Mỹ.
Tổng thống Mỹ đã yêu cầu các quốc gia sản xuất, cung cấp gỗ và sản phẩm từ gỗ vào Mỹ phải chấp nhận chính sách “Nước Mỹ trên hết” trong bảo hộ sản xuất nội địa và thương mại quốc tế". Vì vậy, ông Phúc khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm gỗ cần vận dụng sự hỗ trợ của Thương vụ Việt Nam tại Mỹ và các kênh thông tin truyền thông khác để nắm bắt những thay đổi chính sách, quy định của Mỹ.
Với ngành hàng thuỷ sản, ông Nguyễn Hoài Nam, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), cho hay thông tin Mỹ sẽ áp thuế đối ứng với hàng hoá Việt Nam lên đến 46%, khiến hiệp hội VASEP cũng như các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản rất bối rối.
Theo ông Nam, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang Mỹ trong 5 năm qua dao động từ 1,5 tỷ USD đến 2,1 tỷ USD mỗi năm; trong đó, tôm và cá tra là chủ lực. Vì vậy, việc Mỹ áp mức thuế 46% sẽ tác động rất lớn đến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. “Trước tình hình rất mới này, tới đây VASEP sẽ có báo cáo, đề xuất với Chính phủ và các Bộ ngành liên quan, từ đó có những giải pháp để ứng phó, đảm bảo xuất khẩu được thông suốt”, ông Nam nói.
Theo ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, xuất khẩu cá tra sang Mỹ đang trong chiều hướng tăng, giá nguyên liệu ổn định. Các doanh nghiệp ngành cá tra đang kỳ vọng năm 2025 ngành hàng cá tra sẽ có nhiều khởi sắc thì hôm nay lại nhận được thông tin này nên ai cũng lo lắng.
Trước đây, cá tra Việt Nam đã nhiều lần đối mặt với những lần áp thuế chống bán phá giá khi xuất khẩu sang Mỹ nhưng chưa lần nào cao như lần này. Hiện tại giá cá tra xuất khẩu sang Mỹ khoảng 3,4 USD/kg. Nếu áp thuế 46% thì giá có thể tăng lên 150%, sẽ không thể cạnh tranh nổi, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra sẽ vô cùng khó khăn, ảnh hưởng tới công ăn việc làm của rất nhiều người.
“Hiện các doanh nghiệp ngành hàng cá tra đang nghe ngóng thêm tình hình. Bởi con số mức thuế 46% chỉ là đọc báo thấy nói chung chung như thế, nhưng cũng chưa rõ từng mặt hàng xuất khẩu sang Mỹ sẽ áp như thế nào. Chúng tôi kiến nghị Chính phủ, ngành chức năng sớm có thông tin cụ thể, giải pháp cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp", ông Quốc nói.