21:02 01/11/2016

Điều chỉnh lương mỗi năm 7-8%: Cần tính toán lại

Nguyên Vũ

''Điều chỉnh 7-8%/năm chỉ là giải pháp tình thế, chưa phải bản chất của cải cách chính sách tiền lương''

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi đề nghị tính toán lại mức tăng lương 
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi đề nghị tính toán lại mức tăng lương 
Nghị quyết kế hoạch tài chính quốc gia 2016 - 2020 nói điều chỉnh tiền lương bình quân khoảng 7% đến 8%/năm,  chúng ta phải tính toán lại, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi phát biểu tại nghị trường, chiều 1/11.

Cải cách tiền lương cũng là vấn đề được Quốc hội quan tâm khi mổ xẻ nguồn ngân sách đang rất hạn hẹp.

Đầu kỳ họp này, khi thảo luận tại tổ, một số vị đại biểu nhất trí việc tăng lương 7%, nhưng không nên cào bằng mà nên đưa thành 2 đối tượng. Đối với người nghỉ hưu, có công với cách mạng, đối tượng chính sách… phải tăng cao hơn, còn cán bộ công chức tăng thấp hơn. Có ý kiến đề nghị dành nguồn thỏa đáng để thực hiện tinh giản bộ máy hành chính nhà nước để trả cho các cán bộ được tinh giản.

Một số ý kiến cho rằng việc tăng lương là cần thiết nhưng nhưng giao bộ, ngành, địa phương tự lo phần tăng cho biên chế địa phương là không khả thi. Có ý kiến đề nghị nâng mức tăng lương lên 10-12%.

Dự thảo nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2017 nêu rõ, thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,21 triệu đồng/tháng lên 1,3 triệu đồng/tháng (tăng khoảng 7%), điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công tăng bằng mức tăng lương cơ sở, thời điểm thực hiện từ ngày 1 / 7/2017.
 
Các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương được yêu cầu trên cơ sở dự toán ngân sách nhà nước được giao tự cân đối để bố trí nguồn tăng mức lương cơ sở.

Ngân sách trung ương đảm bảo kinh phí điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (đối tượng do ngân sách nhà nước đảm bảo) và trợ cấp ưu đãi người có công, hỗ trợ một phần tiền lương tăng thêm cho một số địa phương ngân sách khó khăn không cân đối được nguồn theo quy định của Chính phủ.

Số tiền cụ thể dự chi thực hiện cải cách tiền lương năm sau là 6.600 tỷ đồng.

Cho rằng phải tính toán lại mức tăng từ 7 - 8%/năm, ông Lợi lập luận, khu vực sản xuất kinh doanh thì  xác định tiền lương tối thiểu theo 4 vùng và 1/1 hàng năm điều chỉnh để đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu. 

Còn tiền lương cơ sở của khu vực công chức, viên chức không phải bản chất như vậy. Chúng ta không thể điều chỉnh tăng tiền lương như cách này được, ông Lợi thể hiện quan điểm.

Theo ông Lợi, nguyên tắc điều chỉnh lương hưu là khi chỉ số giá tiêu dùng tăng lên và điều kiện kinh tế - xã hội tăng lên thì điều chỉnh, không nằm trong cải cách tiền lương.

 Điều chỉnh 7-8%/năm theo ông Lợi chỉ là giải pháp tình thế, chưa phải bản chất của cải cách chính sách tiền lương. 

"Tôi đề nghị Chính phủ phải nghiên cứu cải cách chính sách tiền lương một cách toàn diện theo nguyên tắc phân phối theo lao động. Nhằm đảm bảo tiền lương thực sự là đòn bẩy tăng năng suất lao động, hiệu quả công tác và coi đầu tư cho tiền lương như là đầu tư cho sự phát triển" ông Lợi nói.

Tuy nhiên, vị Phó chủ nhiệm cho rằng để cải cách chính sách tiền lương thì Chính phủ phải quyết tâm cao, giải quyết sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế, đặc biệt là tái cơ cấu các đơn vị sự nghiệp cung cấp dịch vụ công theo hướng tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và áp lực của thị trường. Nhà nước phải thực hiện khoán chi dịch vụ công theo kết quả đầu ra. 

Ông Lợi nhấn mạnh rằng, 2,8 triệu cán bộ, công chức, viên chức chỉ có 500 ngàn công chức, viên chức thuộc đối tượng cải cách chính sách tiền lương, còn 2,2 triệu thì phải tính khoán chi theo kết quả đầu ra. Như vậy mới cải cách được chính sách tiền lương, không để tiền lương như hiện nay. 

Chế độ tiền lương chung công chức với nhau mà 18 loại phụ cấp, người có thâm niên, người không có, công chức ngành này có phụ cấp cao hơn công chức ngành khác được ông Lợi nhìn nhận là một sự bất hợp lý.