22:46 04/10/2022

Điều gì đang xảy ra với Credit Suisse, ngân hàng khổng lồ gần 170 năm tuổi của Thuỵ Sỹ?

An Huy

Credit Suisse đang trở thành một chủ đề bàn tán xôn xao của các nhà đầu tư trên các diễn đàn mạng xã hội Twitter và Reddit, rằng ngân hàng 170 năm tuổi này đang gặp rắc rối lớn...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: WSJ.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: WSJ.

Credit Suisse Group AG đang đương đầu với áp lực gia tăng liên quan đến sức khoẻ tài chính, sau khi giá những trái phiếu có độ rủi ro cao nhất và chi phí bảo hiểm vỡ nợ của ngân hàng này tăng mạnh.

Theo tờ Wall Street Journal, các nhà đầu tư và chuyên gia phân tích đang kêu gọi nhà băng khổng lồ của Thuỵ Sỹ hành động nhanh chóng hơn trong vấn đề cắt giảm chi phí và huy động thêm vốn mới để trấn an thị trường.

Credit Suisse ra đời cách đây 166 năm, có sự hiện diện lớn ở mảng ngân hàng đầu tư và là một trong những nhà băng hàng đầu thế giới về quản lý gia sản cho người giàu. Nếu xét theo tiêu chuẩn giám sát của châu Âu, Credit Suisse là một trong những ngân hàng có mức vốn tốt nhất khu vực.

Tuy nhiên, Credit Suisse - được biết đến với một lịch sử với nhiều vụ bê bối - có thể phải huy động hàng tỷ USD bằng cách phát hành cổ phiếu mới để phục vụ cho một cuộc tái cơ cấu đang bị trì hoãn và bù đắp cho chi phí pháp lý gia tăng - giới phân tích cho hay. Ngoài ra, mảng ngân hàng đầu tư của Credit Suisse cũng đang ở trong một những giai đoạn khó khăn nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu, do sự suy giảm mạnh mẽ của các vụ mua bán-sáp nhập và huy động vốn của doanh nghiệp.

Cuối tuần vừa rồi, Credit Suisse trở thành một chủ đề bàn tán xôn xao của các nhà đầu tư trên các diễn đàn mạng xã hội Twitter và Reddit. Họ đồn đoán rằng Credit Suisse đang gặp rắc rối lớn. Credit Suisse đã tìm cách trấn an nhà đầu tư và khách hàng rằng mình vẫn ổn. Tuần trước, ngân hàng này cho biết đang triển khai việc bán tài sản như một phần trong kế hoạch kinh doanh mới.

VỐN HOÁ GIẢM QUÁ NỬA, RỦI RO VỠ NỢ GIA TĂNG

Hôm thứ Hai, giá cổ phiếu Credit Suisse có lúc giảm tới 11%, nhưng hồi phục vào cuối phiên và chốt phiên với mức giảm dưới 1%. Dù vậy, cổ phiếu này đã giảm nhiều từ đầu năm đến nay, và giá trị vốn hoá của ngân hàng hiện chỉ còn khoảng 10,6 tỷ USD, bằng chưa đầy một nửa so với hồi tháng 2.

Giá của một trong những loại trái phiếu rủi ro nhất do Credit Suisse phát hành - loại có thể bị huỷ hoặc chuyển đổi thành cổ phiếu nếu ngân hàng gặp trục trặc - tụt giá xuống mức 0,77 USD/1 USD mệnh giá, từ mức 0,86 USD/1 USD mệnh giá vào hôm thứ Sáu.

 

“Credit Suisse có một bảng cân đối kế toán với độ thanh khoản cao và vị thế vốn mạnh. Thứ duy nhất thay đổi vào cuối tuần vừa rồi là áp lực tăng vốn”.

Ông Filippo Alloatti, trưởng bộ phận tài chính tín dụng của công ty quản lý đầu tư Federated Hermes

Chi phí bảo hiểm khả năng vỡ nợ của Credit Suisse trong hợp đồng hoán đổi rủi ro vỡ nợ tín dụng (CDS) kỳ hạn 5 năm tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm. Nhà đầu tư phải bỏ ra 335 Euro cho mỗi 10.000 Euro tài sản Credit Suisse mà họ nắm giữ, từ mức 250 Euro vào hôm thứ Sáu - theo dữ liệu từ S&P Global Market Intelligence. Giá CDS kỳ hạn 1 năm tăng lên mức 483 Euro, đồng nghĩa nhà đầu tư phải trả nhiều hơn cho khả năng sớm xảy ra một vụ vỡ nợ của Credit Suisse.

“Credit Suisse có một bảng cân đối kế toán với độ thanh khoản cao và vị thế vốn mạnh. Thứ duy nhất thay đổi vào cuối tuần vừa rồi là áp lực tăng vốn”, ông Filippo Alloatti, trưởng bộ phận tài chính tín dụng của công ty quản lý đầu tư Federated Hermes, nhận định. Ông Alloati nói rằng các nhà đầu tư trên Twitter và các mạng xã hội khác có vẻ như đang cố gắng gây ra một vụ rút tiền ồ ạt (bank run) khỏi Credit Suisse, và rằng ngân hàng này cần phải đạt một thoả thuận sớm nhất có thể, trong một vài ngày tới hoặc trong tuần này.

Một phát ngôn viên của Credit Suisse từ chối trả lời câu hỏi của Wall Street Journal. Trong một bản ghi nhớ gửi nhân viên hôm thứ Sáu, CEO Ulrich Korner của Credit Suisse so sánh nhà băng này với một chú chim đại bàng đang cất cánh bay lên, bền vững trong dài hạn.

Credit Suisse gặp khó khăn vào đúng thời điểm tài chính toàn cầu đang có nhiều biến động. Lợi suất trái phiếu chính phủ Anh tăng vọt đã khiến Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) phải giải cứu các quỹ lương hưu lớn nhất của nước này và làm dấy lên mối lo về những rủi ro còn ẩn giấu trong hệ thống tài chính.

Hồi tháng 7, Credit Suisse cho biết sẽ tái cơ cấu bộ phận ngân hàng đầu tư và rút khỏi một số mảng kinh doanh khác để trở nên gọn gàng và ít rủi ro hơn, sau những “thảm hoạ” tài chính mà ngân hàng này đã vướng vào, bao gồm khoản thua lỗ 5,1 tỷ USD vào năm ngoái từ vụ vỡ quỹ phòng hộ Archegos Capital Management - một khách hàng của Credit Suisse. Ngoài mảng kinh doanh lớn ở Thuỵ Sỹ phục vụ mọi đối tượng khác hàng, Credit Suisse còn cạnh tranh trên toàn cầu ở các mảng quản lý gia sản, ngân hàng đầu tư và quản lý tài sản.

Trong vòng 1 năm trở lại đây, Credit Suisse đã cải tổ bộ máy lãnh đạo, bao gồm bổ nhiệm một Giám đốc tài chính mới là ông Dixit Joshi - người vừa bắt đầu công việc vào ngày thứ Hai trong bối cảnh ngân hàng này quay cuồng trong biến động. Trước đó, ông Joshi đã có một thời gian dài làm việc tại Deutsche Bank AG, đối thủ Đức của Credit Suisse.

CEO Ulrich Korner của Credit Suisse - Ảnh: Bloomberg.
CEO Ulrich Korner của Credit Suisse - Ảnh: Bloomberg.

CEO mới của Credit Suisse, ông Korner, cũng mới chỉ bắt đầu công việc vào tháng 7. Ông dự định đưa ra chiến lược mới của ngân hàng khi công bố kết quả kinh doanh quý 3 vào ngày 27/10, nhưng đang có nhiều lời kêu gọi Credit Suisse cần hành động nhanh chóng hơn.

“ĐÂY KHÔNG PHẢI LÀ NĂM 2008”

“Họ cần xử lý rủi ro về vốn. Và họ cần một kế hoạch kinh doanh tốt, một kế hoạch tái cơ cấu chắc chắn để xoa dịu thị trường”, nhà phân tích Thomas Hallet của Stifel Financial Corp. nhận định, cho rằng những nỗi lo sợ hiện nay về Credit Suisse đang bị thổi phồng. “Các ngân hàng dựa vào niềm tin, và ngay khi niềm tin không còn, một vòng xoáy hút xuống sẽ xuất hiện”.

Vào thời điểm cuối tháng 6, Credit Suisse có tỷ lệ vốn cổ đông là 13,5%, được cho là một mức cao trong số những ngân hàng cùng quy mô.

Tuy nhiên, đà trượt dốc của giá cổ phiếu Credit Suisse đồng nghĩa việc phát hành cổ phiếu mới sẽ cuốn phăng phần lớn giá trị của cổ phiếu hiện đang lưu hành. Một đợt tăng vốn lớn được xem là mở ra một chương mới cho Credit Suisse, nhưng cũng thường bị các nhà điều hành ngân hàng này xem là giải pháp cuối cùng, xét tới thiệt hại mà cách làm này gây ra cho nhà đầu tư, bao gồm các nhân viên nhận thù lao bằng cổ phiếu.

Nếu không lấy lại được niềm tin của thị trường, Credit Suisse sẽ phải đối mặt với nguy cơ các đối tác và khách hàng ồ ạt rút tiền gửi và các dạng vốn khác. Hồi tháng 8, xếp hạng tín nhiệm của ngân hàng này đã bị tổ chức đánh giá tín nhiệm Moody’s Investors Service cắt giảm 1 bậc xuống Baa2, mức thấp nhất thứ hai trên thang khuyến nghị đầu tư, kèm theo là triển vọng tiêu cực.

Lần gần đây nhất một ngân hàng toàn cầu rơi vào một giai đoạn sóng gió như hiện nay là Deutsche Bank hồi cuối năm 2016. Vào thời điểm đó, trái phiếu có độ rủi ro cao của Deutsche Bank cũng bị bán tháo và nhiều người đặt câu hỏi liệu nhà băng Đức này có thể tồn tại được nữa hay không. Đầu 2017, Deutsche Bank huy động được 8,5 tỷ USD tiền vốn và trải qua một loạt biện pháp tái cơ cấu “đau thương” trước khi ổn định trở lại.

Diến biến giá một trái phiếu của Credit Suisse. Đơn vị: USD/1 USD mệnh giá - Nguồn: WSJ.
Diến biến giá một trái phiếu của Credit Suisse. Đơn vị: USD/1 USD mệnh giá - Nguồn: WSJ.

Hôm thứ Hai, các nhà phân tích của Citigroup nói rằng giá trái phiếu Credit Suisse sụt giảm cho thấy chi phí vay vốn của ngân hàng này có thể tăng thêm khoảng 300 triệu USD mỗi năm. Tuy nhiên, Citigroup nhận định rằng một đợt tăng vốn không phải là một quyết định đi trước và rằng Credit Suisse có thể trang trải cho việc tái cơ cấu bằng cách bán bớt và rút khỏi một số mảng kinh doanh.

“Đây không phải là năm 2008”, báo cáo viết, nhắc đến những dòng tweet và bình luận trên mạng xã hội nói rằng những vấn đề của Credit Suisse có thể là dấu hiệu của một cuộc khủng hoảng tài chính nữa sắp xảy ra.

Những vấn đề mà Credit Suisse gặp phải xảy ra trong bối cảnh triển vọng ngày càng xấu đối với các ngân hàng trên khắp châu Âu. Một chỉ số đo chi phí bảo hiểm rủi ro vỡi nợ đối với một loạt ngân hàng trong khu vực cũng tăng mạnh trong ngày thứ Hai, dù mức tăng ít hơn so với của Credit Suisse.

Các cơ quan điều tiết ngân hàng ở khu vực này đã cảnh báo rằng hệ thống tài chính có thể bị thử thách bởi việc các hộ gia đình và doanh nghiệp gặp khó trong việc trả nợ trong bối cảnh nền kinh tế suy yếu. Tuy nhiên, Credit Suisse phần nào trách được thử thách này, vì người Thuỵ Sỹ giàu hơn và nước này có một nền kinh tế vững vàng hơn so với các quốc gia khác trong Eurozone. Ngoài ra, ngân hàng này còn có nhiều khách hàng giàu sụ ở châu Á hoặc Trung Đông.