18:03 17/02/2022

Do chi phí vận chuyển, Louis Vuitton tăng giá bán trên toàn cầu

Minh Nguyệt

Năm 2021, Chanel đã tạo ra một "cơn bão" tăng giá trên thị trường. Bước sang năm 2022, Louis Vuitton trở thành một trong những thương hiệu lớn đầu tiên tăng giá hàng loạt với lý do để bảo vệ lợi nhuận khi chi phí tăng cao…

Theo Reuters, người phát ngôn của Louis Vuitton cho biết việc tăng giá sẽ áp dụng cho tất cả các cửa hàng Louis Vuitton trên toàn thế giới bắt đầu từ ngày 16/2 và bao gồm các mặt hàng túi xách, đồ da, phụ kiện thời trang và nước hoa. Hãng không thông báo chi tiết về quy mô của đợt tăng giá, mà cho biết sẽ tùy thuộc vào từng sản phẩm.

"Việc điều chỉnh giá có tính đến những thay đổi về chi phí sản xuất, nguyên liệu, vận chuyển cũng như lạm phát," Louis Vuitton cho biết trong thông cáo báo chí. Đặc biệt, các thông tin ngoài lề cho biết do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá cước vận tải biển đã leo thang sang năm thứ 3, đứt gãy chuỗi cung ứng, khan hiếm container rỗng, đẩy nhiều doanh nghiệp vào cảnh rất khó thuê tàu.

Hiện có khoảng 11% tổng lượng hàng hóa được vận chuyển bằng đường biển trên toàn thế giới đang bị mắc kẹt tại các cảng biển. Với 90% hàng hóa được vận chuyển bằng đường biển và chuỗi cung ứng vẫn còn căng thẳng, dự báo chi phí vận chuyển hàng hóa sẽ tiếp tục tăng cao hơn, gây ra tác động xấu đến giá cả tiêu dùng trên toàn thế giới.

Đại dịch khiến nhiều người không thể đi du lịch hoặc ra ngoài ăn uống, thay vào đó họ dồn tiền để mua hàng xa xỉ.
Đại dịch khiến nhiều người không thể đi du lịch hoặc ra ngoài ăn uống, thay vào đó họ dồn tiền để mua hàng xa xỉ.

Theo một số blogger trên mạng xã hội Trung Quốc, một số mẫu túi xách của Louis Vuitton như Capucines và Neverfull, hiện có giá lần lượt là 7.323 USD và 1.890 USD, sẽ tăng khoảng từ 20% trở lên ở Trung Quốc. Trong khi đó, PurseBop, một website theo dõi thị trường xa xỉ, trích dẫn dự đoán cho rằng mức tăng sẽ từ khoảng 4% ở phân khúc thấp và trung bình từ 15 - 18% ở phân khúc cao cấp.

Phát biểu về doanh thu và lợi nhuận kỷ lục năm 2021 đối với ngành hàng thời trang và đồ da do Louis Vuitton và Dior dẫn đầu, tỷ phú Bernard Arnault của tập đoàn LVMH, hồi tháng 1 cho biết, tập đoàn chuẩn bị dư địa để tăng giá trong bối cảnh lạm phát nhưng sẽ phải "hợp lý".

Thực tế là, các nhà mốt di sản và hiện đại đều đang trong một cuộc chạy đua "phục hồi hậu Covid-19" bằng cách áp dụng vô số chiến lược nhằm giữ chân khách hàng hiện tại và thu hút người mua trong tương lai, đồng thời duy trì giá trị và uy tín sản phẩm. Một trong những xu hướng có thể dễ thấy nhất là việc tăng giá sản phẩm, đặc biệt là những mặt hàng có giá trị cao như túi xách và các phụ kiện khác làm bằng da.

Trong năm 2021, Chanel đã tăng giá dòng hàng da cỡ nhỏ vào mùa xuân năm nay và dự kiến ​​sẽ tăng giá một lần nữa vào cuối năm, trong khi Louis Vuitton đã tăng giá hai lần trong 12 tháng đối với hàng da và túi xách cỡ nhỏ: Onthego GM Monogram Canvas của thương hiệu đã tăng từ 2.690 USD lên 2.790 USD - tăng 3%; trong khi một trong những sản phẩm bán chạy khác của Louis Vuitton, Pochette Accessoires Monogram Canvas, tăng 25% từ 630 USD lên 790 USD.

Báo cáo của Bain & Company cho biết năm ngoái, doanh số bán hàng xa xỉ cá nhân ở Trung Quốc đại lục tăng 36% so với năm 2020, lên 73,59 tỷ USD.
Báo cáo của Bain & Company cho biết năm ngoái, doanh số bán hàng xa xỉ cá nhân ở Trung Quốc đại lục tăng 36% so với năm 2020, lên 73,59 tỷ USD.

Tuy nhiên một số nhà phân tích trong ngành tin rằng chiến lược tăng giá của các thương hiệu xa xỉ không chỉ để tăng độ “hiếm có, khó mua” cho hàng xa xỉ mà còn nhằm bù lỗ cho năm 2020. Lượng khách du lịch nước ngoài giảm đã khiến doanh số bán hàng năm 2020 và nửa đầu năm 2021 thấp hơn đáng kể so với năm 2019. Trong khi thông thường, các thương hiệu cao cấp thu về 20 - 30% doanh thu từ khách du lịch nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc. Nhưng do đại dịch, hầu hết những vị khách này không thể đi du lịch đến những nơi có những thương hiệu mang tính biểu tượng như Chanel, Hermès và Louis Vuitton.

Đến cuối năm 2021, chi tiêu hàng xa xỉ đã trở lại mức của năm 2019 tại Mỹ, Trung Quốc và Hàn Quốc, doanh số bán hàng ở châu Âu và Nhật Bản vẫn giảm do sự thiếu hụt nguồn khách du lịch và hoạt động tiêm phủ vaccine vẫn còn chậm chạp. Nhưng Công ty tư vấn quản lý Bain & Company ước tính doanh số bán hàng xa xỉ sẽ tăng từ 283 tỷ euro vào năm 2021 lên khoảng 300 - 310 tỷ euro vào năm 2022.

Đặc biệt, phát biểu với phóng viên CNA, Thomas Chauvet, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng xa xỉ tại Công ty tài chính Citi, nhận định do chi phí nguyên vật liệu và nhân công tăng, việc tăng giá hàng hiệu là tất yếu vào năm 2022. “Một số thương hiệu thậm chí còn tăng giá hai con số,” Thomas nói.