Valentine 2022: Mọi thứ đều tăng giá trên toàn cầu
Lạm phát và sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu đang diễn ra đã làm tăng chi phí của những món quà truyền thống mà mọi người thường tặng cho nhau trong ngày Valentine, như hoa, trang sức và chocolate...
Dữ liệu được tổng hợp bởi trang tài chính cá nhân The Balance cho thấy những món quà phổ biến trong dịp Valentine đều tăng giá so với năm ngoái. Cụ thể, giá chocolate tăng 9%, trang sức tăng 10 - 15%, hoa hồng tăng 54%. Không chỉ quà tặng, chi phí cho một bữa tối lãng mạn ở nhà hàng hay tại nhà riêng cũng đang tăng. Giá rượu vang tăng 2,5 - 18% trong khi món steak có thể tăng giá 50 - 63% so với năm ngoái.
Giá hoa tăng do một số nhà sản xuất đã đóng cửa. Một người bán hoa tại thành phố New York có tên Banchet Jaigla chia sẻ rằng đã phải tăng giá sản phẩm lên khoảng 20% so với trước đây. Chia sẻ với phóng viên Laura Podesta của CBS News, Banchet Jaigla cho biết: "Hiện tại, rất nhiều trang trại mà chúng tôi sử dụng để trồng hoa đã ngừng hoạt động. Giá cả tăng cao hơn dẫn đến giá các dịch vụ cũng tăng theo".
Việc hạn chế về nguồn cung và chi phí vận chuyển cũng đang ảnh hưởng đến bộ phận sản xuất kẹo và đặc biệt là chocolate Valentine. Anthony Cirone, nhà đồng sở hữu của thương hiệu Li-Lac Chocolates có trụ sở tại thành phố New York, cho biết người tiêu dùng sẽ phải trả phí bảo hiểm cho những chiếc hộp quà Valentine hình trái tim trong năm nay. "Chúng tôi phải nhập các vỏ hộp quà Valentine với giá đắt hơn 50% so với trước đây. Khi chúng tôi hỏi các nhà cung cấp về lý do khiến giá sản phẩm tăng, 100% bọn họ đều trả lời rằng do giá tàu container và chi phí vận chuyển tăng," ông Cerrone cho biết.
Việc giá các món quà tặng và dịch vụ ăn uống trong nhà hàng tăng cao dự kiến sẽ dẫn đến mức chi tiêu kỷ lục 24 tỷ USD trong năm nay. Điều này tương đương với việc mỗi người Mỹ sẽ chi 175 USD cho ngày Valentine năm 2022, cao hơn con số 165 USD cùng kỳ năm trước, theo Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia.
Tuy nhiên, chi phí ngày càng tăng dường như không làm nản lòng người tiêu dùng hoặc các nhà cung cấp dịch vụ lãng mạn trong ngày lễ tình nhân. Người Mỹ được dự đoán sẽ bỏ ra 175,41 USD cho kẹo, thiệp, hoa và những món quà lãng mạn khác, tăng từ 164,76 USD vào năm 2021. Những người đang yêu sẽ chi tiêu nhiều hơn, trung bình 208 USD/người, theo khảo sát độc lập của LendingTree với gần 2.100 người trưởng thành.
Còn khảo sát của The Balance về thói quen hẹn hò và chi tiêu cho thấy 50% người tiêu dùng đang muốn chi 100 USD trong lễ tình nhân. 1/5 người tham gia khảo sát có kế hoạch chi trên 250 USD cho người yêu/bạn đời trong dịp này.
Trong khi đó, tại Việt Nam những ngày cận kề Lễ tình nhân, giá hoa từ vườn, chợ đến cửa hàng đều tăng vọt, đặc biệt hoa hồng đỏ tăng giá gấp 3 lần ngày thường. Tại các vùng trồng lân cận Hà Nội, hoa hồng đỏ có giá bán cao nhất từ 5.500 - 6.000 đồng/cành, trong khi trước Tết Nguyên đán chỉ 2.000 đồng/cành. Hồng Đà Lạt tại trang trại bán ra dịp Valentine cũng tăng cao nhất hai năm qua. Tại Dalat Hasfarm, hồng đỏ loại cành dài 60 cm bán lẻ 264.000 đồng/10 bông, tức 26.400 đồng/bông, các màu khác giá 17.000 đồng/ bông. Mức giá này tăng khoảng 30% so với thường lệ, cao tương đương nhiều loại hoa ngoại nhập.
Nhiều nhà hàng tại Hà Nội cũng sớm kín bàn đặt trước trong những ngày này. Thậm chí, có địa điểm đã nhận kín yêu cầu đặt bàn ngày 14/2 từ trước một tuần. Nhân viên một nhà hàng cao cấp tại phố Tràng Thi (Hà Nội) cho biết, đã hết bàn cho toàn bộ dịp cuối tuần vừa qua và ngày chính lễ 14/2 hôm nay. Tại các khách sạn 5 sao, thực đơn dịp lễ tình nhân cũng được tung ra thị trường từ rất sớm. Metropole Hanoi ra mắt thực đơn bao gồm các món ăn kiểu Pháp như gan ngỗng áp chảo, thăn bò Wagyu MB9, hàu Pháp, súp tôm hùm… giá 3,2 triệu đồng/khách. Pan Pacific Hanoi đưa ra 2 mức giá từ 1,98 – 2,88 triệu đồng/ 2 người…