Doanh nghiệp dệt may lại kiến nghị giảm phí công đoàn xuống 1%
Hiệp hội Dệt may cho rằng, tỷ lệ trích nộp phí công đoàn 2% quỹ lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội là quá lớn, do đó đề xuất giảm xuống còn 1%...
Trong công văn gửi Văn phòng Chính phủ, Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính, Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương, Hiệp hội Dệt may Việt Nam kiến nghị giảm mức đóng kinh phí công đoàn từ 2% về tối đa 1% và được quản lý, phân bổ từ một hội đồng do Chính phủ thành lập.
Lý giải cho đề xuất này, Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, Luật Công đoàn 2012 đã không còn phù hợp với điều kiện thực tiễn và nhiều quy định của Bộ luật Lao động năm 2019 có hiệu lực từ đầu năm 2021.
Quốc hội đã có chương trình sửa đổi, bổ sung luật này trong năm 2020 nhưng đã tạm hoãn. Do đó đề nghị Quốc hội sớm đưa vào chương trình nghị sự, đặc biệt xem xét rà soát lại tỷ lệ trích nộp kinh phí công đoàn.
Hiệp hội này cũng cho rằng, tỷ lệ trích nộp phí công đoàn 2% quỹ lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của tất cả các doanh nghiệp, bất kể doanh nghiệp có tổ chức công đoàn hay không là quá lớn.
Do quy mô nền kinh tế, lực lượng lao động đã phát triển rất nhanh trong thời gian gần đây và tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cũng tăng thường xuyên theo mức tăng của mức lương tối thiểu vùng.
Trong khi đó, cơ cấu tổ chức, hoạt động của tổ chức công đoàn, nhất là công đoàn từ cấp trên cơ sở trở lên không thay đổi nhiều.
“Chúng tôi đề nghị giảm mức đóng kinh phí công đoàn từ 2% về tối đa 1% và được quản lý, phân bổ từ một hội đồng do Chính phủ thành lập, tương tự như Hội đồng quản lý Quỹ bảo hiểm xã hội, có sự tham gia của Công đoàn Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Bộ Tài chính sẽ phù hợp hơn trong tình hình mới”, hiệp hội này nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng đề xuất mức trích nộp kinh phí công đoàn lên công đoàn cấp trên từ 10 – 15%, còn để lại cho công đoàn cơ sở hoặc tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp từ 85 – 90% để chăm lo cho người lao động.
Ngoài đề xuất giảm phí công đoàn, hiệp hội này cũng cho rằng hiện đang có những bất cập về chế độ bảo hiểm thất nghiệp.
Cụ thể là Khoản 2 Điều 50 Luật Việc làm quy định: Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm xã hội, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp. Sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, quy định trên đã tạo ra tình trạng biến động lao động tại nhiều doanh nghiệp, do người lao động, nhất là lao động trẻ, lợi dụng chính sách này chỉ đi làm đủ 12 tháng để hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp, thậm chí có trường hợp sau đó lại đi xin việc làm tiếp 12 tháng rồi lại nghỉ.
Do đó, hiệp hội này đề nghị sửa đổi quy định theo hướng làm từ đủ 12 tháng đến 24 tháng được hưởng 2 tháng trợ cấp thất nghiệp. Sau đó cứ đóng thêm đủ 12 tháng thì được thêm 1 tháng để tránh tình trạng người lao động lợi dụng nhảy việc gây khó khăn cho doanh nghiệp.