11:57 23/08/2021

Doanh nghiệp xuất, nhập khẩu được hưởng nhiều đặc quyền

Các đơn vị hải quan sẽ tạm dừng việc kiểm tra thực tế điều kiện hoạt động đại lý làm thủ tục hải quan tại doanh nghiệp, người làm thủ tục hải quan được nộp bản scan một số chứng từ thuộc hồ sơ hải quan, không xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp mà doanh nghiệp chậm làm thủ tục hải quan…

Hiện các hoạt động của cảng Cát Lái đang diễn ra thông suốt, không có tình trạng ùn  tắc.
Hiện các hoạt động của cảng Cát Lái đang diễn ra thông suốt, không có tình trạng ùn tắc.

Đó là những “đặc quyền” mà lần đầu tiên các doanh nghiệp xuất nhập khẩu đang được hưởng khi thông quan hàng hoá qua biên giới.

Tuy nhiên, những đặc quyền này chỉ được áp dụng trong thời điểm dịch Covid -19 đang bùng phát mạnh như hiện nay và kèm theo đó là những cơ chế giám sát mới được đặt ra để tránh lợi dụng tình hình để thực hiện hành vi gian lận thương mại…

LẬP TỔ XỬ LÝ VƯỚNG MẮC TRỰC 24/7

Mới đây, tại buổi Tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Hải quan đồng hành cùng doanh nghiệp trong cao điểm dịch Covid-19”, ông Đào Duy Tám - Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan cho biết, đợt dịch Covid-19 bùng phát từ đầu tháng 5/2021 đến nay đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình hoạt động xuất nhập khẩu.

Đặc biệt là khi đợt dịch này tác động trực tiếp đến các tỉnh, thành phố lớn, tập trung đông dân cư, có nhiều khu công nghiệp lớn nhất trong cả nước như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương…

Việc các địa phương này phải thực hiện giãn cách xã hội theo, nhiều hoạt động không thiết yếu bị tạm dừng, nhiều khu vực bị phong tỏa đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động gia công, sản xuất xuất khẩu của doanh nghiệp, hoạt động lưu thông vận chuyển hàng hóa gặp rất nhiều khó khăn, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, đình trệ sản xuất là rất cao.

Trước tình hình đó, Tổng cục Hải quan đã đưa ra một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho hoạt động xuất nhập khẩu để đảm bảo chuỗi cung ứng không bị gián đoạn.

 
Tổ công tác này sẽ hoạt động 24/7 để đảm bảo kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, cũng như đảm bảo công việc thông quan hàng hóa ngay trong ngày.

Cụ thể, theo ông Đào Duy Tám, Tổng cục Hải quan đã chấp nhận cho doanh nghiệp được nộp bản scan một số chứng từ thuộc hồ sơ hải quan mà theo quy định phải nộp bản chính. Với bản scan doanh nghiệp có thể thực hiện ngay thủ tục thông quan hàng hóa và nộp bổ sung các bản chính sau khi hàng hóa được thông quan.

Đáng chú ý, Tổng cục Hải quan đã cho thành lập Tổ hỗ trợ, xử lý vướng mắc về thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu tại các địa phương.

Mới đây nhất, trước tình hình cảng Cát Lái bị ùn ứ hàng hoá, Tổng cục Hải quan đã đồng ý cho phép Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn được vận chuyển hàng hóa đang chịu sự giám sát hải quan đang ùn ứ tại cảng Cát Lái đến các khu vực cảng biển, cảng cạn khác trên địa bàn TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai để giải tỏa.

Như vậy các doanh nghiệp đóng trên địa bàn các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương được thực hiện thủ tục nhận hàng hóa ngay tại các đơn vị hải quan trên địa bàn mà không phải di chuyển đến cảng Cát Lái để nhận hàng như trước kia.

THÊM “ĐẶC QUYỀN” CHO DOANH NGHIỆP

Đáng chú ý, lần đầu tiên các doanh nghiệp chậm làm thủ tục hải quan, làm thủ cục hải quan không đúng thời hạn theo quy định của pháp luật được miễn phạt hành chính.

Theo ông Đào Duy Tám, việc này xuất phát từ thực tế thời gian dịch bùng phát nhiều doanh nghiệp không thể nhận hàng hoá đúng thời hạn, đây được xem là tình huống bất khả kháng. Do đó ngành Hải quan quyết định xem xét không xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp này.

Liên quan đến mặt hàng nông sản, đặc biệt là hoa quả xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới đường bộ, ông Đào Duy Tám cho biết Tổng cục Hải quan đã có văn bản chỉ đạo hải quan các tỉnh thành phố biên giới phía Bắc đẩy nhanh tốc độ thông quan hàng hóa, giải phóng hàng cho doanh nghiệp để không xảy ra cái tình trạng ùn ứ hàng hóa tại cửa khẩu.

Ngoài ra, ngành Hải quan cũng đã quyết định tạm dừng tổ chức kiểm tra thực tế điều kiện hoạt động đại lý làm thủ tục hải quan tại doanh nghiệp, chỉ kiểm tra bộ hồ sơ do doanh nghiệp nộp để thực hiện việc gia hạn hoặc công nhận đủ điều kiện hoạt động đại lý hải quan theo quy định.

Với hàng hóa đưa về bảo quản, tạm thời chưa thực hiện hoạt động kiểm tra việc bảo quản hàng hoá mà quá thời hạn 30 ngày doanh nghiệp chưa nộp các chứng từ kiểm tra nhà nước và chất lượng, kiểm tra chuyên ngành… theo quy định.

Tổng cục Hải quan cũng đã có văn bản kiến nghị trao đổi với các bộ, ngành để sớm ban hành các kết quả kiểm tra cho doanh nghiệp thông quan hàng hoá.

 
Trung tá Nguyễn Phương Nam, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn
Trung tá Nguyễn Phương Nam, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn
Tình trạng ùn ứ hàng tại cảng biển đã xảy ra ở một số cảng biển trên thế giới như tại Mỹ đầu năm 2021, tại Trung Quốc và Bangladesh vào tháng 7 vừa qua… và nguyên nhân là do đứt gãy các chuỗi cung ứng. Dự liệu trước tình hình này, chúng tôi đã có phương án từ trước nên tôi khẳng định lại là cảng Cát Lái chưa xảy ra ùn tắc, đó chỉ là dự liệu của chúng tôi nếu tình hình này kéo dài, hiện các hoạt động của cảng Cát Lái đang diễn ra thông suốt.
Nếu tình hình tiếp dục diễn biến phức tạp, trong thời gian tới chúng tôi đã đề một số giải pháp như: Tiến hành xét nghiệm, tiêm vaccine cho những người trự tiếp tham gia dây truyền sản xuất tại cảng. Triển khai nhiều ứng dụng công nghệ để giảm sự tiếp xúc. Tăng tốc độ giải phóng container hàng nhập ra khỏi cảng bằng việc làm việc với hơn 1.000 doanh nghiệp và hỗ trợ họ lấy hàng về kho của doanh nghiệp ngay trong ngày. Đưa hàng tồn trên 90 ngày về cảng khác để lưu giữ và làm thủ tục hải quan. Đề nghị các địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho nhân lực đi lại làm thủ tục thông quan hàng hoá để đẩy nhanh tốc độ lưu thông hàng hoá.
Chúng tôi cũng đã tối ưu diện tích xếp hàng hoá trong cảng, đưa container rỗng ra bên ngoài để dành diện tích cho việc chuyển container từ trên tàu xuống cảng. Hiện nay lượng hàng xuất khẩu cũng giảm nên chúng tôi tận dụng chỗ chứa container hàng xuất khẩu để chứa container hàng nhập.
Chúng tôi cũng đã liên hệ với khách hàng, các hãng tàu…, đề nghị những doanh nghiệp nào đã ngưng hoặc tạm ngưng sản xuất phối hợp với người bán ở đầu nước ngoài tạm thời chưa giao hàng hoặc chậm đưa hàng về. Đề nghị các hãng tàu cùng điều tiết các chuyến tàu về Việt Nam sao cho hợp lí nhằm giảm bớt lưu lượng hàng nhập đưa về cảng cùng một thời điểm, nhất là trong thời gian giãn cách do dịch…
Với những phương án này chúng tôi tin tưởng việc ùn tắc tại cảng Cát Lái là khó xảy ra dù tình hình dịch bệnh có thể kéo dài hơn.

 

 
 
Ông Phan Bình Tuy, Phó trưởng phòng Giám sát quản lý - Cục Hải quan TP.HCM.
Ông Phan Bình Tuy, Phó trưởng phòng Giám sát quản lý - Cục Hải quan TP.HCM.
TP.HCM đang bị ảnh hưởng không nhỏ của đại dịch, nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động, đóng cửa sản xuất. Nhiều doanh nghiệp có hàng về nhưng không đến cảng để nhận hàng được gây ù ứ tại cảng rất lớn, đặc biệt là cảng Cát Lái. Các doanh nghiệp logictics cũng gặp khó khăn trong việc lưu thông hàng hoá như thiếu lái xe, thiếu nhân lực làm khai báo giao nhận… Các doanh nghiệp cảng biển thì thiếu nhân lực lớn, đặc biệt là nhân công hỗ trợ trong việc bốc dỡ hàng hoá. Có thời điểm nhiều tàu nhập cảnh vào phải năm chờ được xếp dỡ hàng hoá…
Do đó hàng hoá ù ứ tại cảng ngày càng tăng, như tại Cát Lái công suất của cảng đã lấp đầy trên 90%. Nếu tình trạng này kéo dài cảng Cát Lái sẽ phải dừng tiếp nhận tàu biển nhập cảnh mới. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến hàng hoá nhập khẩu mà còn ảnh hưởng đến việc xuất khẩu hàng vì không có tàu vào để chuyển hàng đi. Trước tình hình đó chúng tôi đã yêu cầu doanh nghiệp có hàng hóa nhập khẩu nhưng không đủ điều kiện nhập khẩu khẩn trương làm thủ tục tái xuất ra khỏi lãnh thổ Việt Nam để trả lại mặt bằng cho cảng. Hàng hóa trên đường về cảng Cát Lái, cho phép được thay đổi cảng dỡ hàng, thực hiện thủ tục nhập khẩu tại một số cảng…