Doanh thu của tập đoàn xa xỉ Kering tăng 35,2% bất chấp Covid-19
Tập đoàn xa xỉ phẩm của Pháp Kering, chủ sở hữu của các thương hiệu như Gucci, Yves Saint Laurent và Bottega Veneta, cho biết lợi nhuận ròng của họ đã vượt mức trước đại dịch nhờ doanh số bán hàng khả quan...
Giá cổ phiếu của tập đoàn Kering đã tăng 7% trong phiên sáng thứ Năm tuần trước, sau khi họ báo cáo doanh thu năm 2021 là 17,6 tỷ euro (20 tỷ USD) - cao hơn 35% so với năm 2020 và 13% so với mức trước khủng hoảng năm 2019.
Góp phần lớn nhất trong kết quả này là Gucci, thương hiệu có doanh thu quý 4 tăng 32%. Sự ra mắt của bộ sưu tập Gucci's Aria vào tháng 9, sau đó bộ phim House of Gucci khuấy đảo giới điện ảnh vào tháng 11 đã giúp thúc đẩy hoạt động kinh doanh trong quý 4/2021, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2020. Được hỗ trợ bởi các đại sứ thương hiệu hạng A như Harry Styles, Jared Leto và Lee Jung Jae, Gucci cũng đã có một năm “thân thiện” với giới truyền thông.
Tuy nhiên, dù việc xuất hiện dày đặc trên các phương tiện truyền thông và sự quan tâm của người tiêu dùng chắc chắn đã giúp ích, nhưng phần lớn động lực đằng sau việc tăng doanh thu tại Kering và các thương hiệu xa xỉ khác có thể do một thứ kém thi vị hơn nhiều, đó là: sức mạnh định giá. Trong báo cáo tình hình tăng trưởng của thương hiệu trong năm 2021 vừa mới công bố, Kering cho biết 6 tháng đầu tiên của năm đại dịch đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh số bán hàng toàn cầu của tập đoàn, đẩy hoạt động kinh doanh xuống gần 18% vào năm 2020. Nhưng đến năm ngoái, các thương hiệu của họ bắt đầu bùng nổ khi người tiêu dùng lại háo hức mua hàng xa xỉ.
Giãn cách xã hội vẫn xảy ra rải rác ở khắp mọi nơi trong năm 2021 khiến chi phí của mọi thứ, từ năng lượng đến hàng dệt thô tăng, giá túi xách, giày dép và áo khoác cao cấp đều tăng lên. Trong khi nhu cầu đối với hàng hóa sản xuất hàng loạt có thể giảm xuống do tầng lớp trung lưu ngày càng không đảm bảo về tài chính… thì nhu cầu về hàng xa xỉ vẫn tương đối ổn định. Nói đơn giản, với người đủ khả năng mua một chiếc túi hàng hiệu giá 10.000 USD, thì lạm phát thêm 1.000 USD có đáng là bao?
“Nhờ khả năng kết hợp tính xác thực với sự sáng tạo táo bạo, tất cả các thương hiệu thuộc quyền sở hữu của chúng tôi đã đạt được sự phục hồi doanh số mạnh mẽ, vượt xa mức năm 2019, đồng thời củng cố tính độc quyền của hệ thống phân phối và nâng cao hơn nữa giá trị thương hiệu. Chúng tôi đã mở rộng đội ngũ những người tài năng trên khắp thế giới và tôi chân thành biết ơn những thành tích đáng kể từ tất cả các đồng nghiệp,” François-Henri Pinault, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành Kering cho biết trong bản báo cáo.
Doanh thu của Yves Saint Laurent - một thương hiệu khác thuộc sở hữu của Kering - đạt 2,5 tỷ euro (2,8 tỷ USD) trong năm 2021, tăng 45% so với năm 2020. Giống như Gucci, quý 4 của hãng là quý tăng trưởng mạnh nhất, tăng hơn 60%. Thương hiệu thời trang Bottega Veneta đã tăng trưởng trong thời kỳ đỉnh dịch vào năm 2020 và tiếp tục đà đi lên của mình, với mức tăng 24% vào năm 2021. Những thương hiệu khác của tập đoàn xa xỉ Pháp như Balenciaga, Alexander McQueen và Boucheron cũng tăng trưởng mạnh.
Khi các thương hiệu của đối thủ LVMH như Louis Vuitton thông báo tăng giá trên toàn cầu để bù đắp chi phí, Chủ tịch Kering cho biết việc tăng giá của hãng sẽ được đánh giá theo từng trường hợp trước mỗi lần ra mắt bộ sưu tập. Ông nói thêm, giá trung bình các sản phẩm thuộc thương hiệu của Kering có thể sẽ tăng do chi phí, thuế nhập khẩu và chênh lệch ngoại tệ.
Các chuyên gia nhận định, sức mạnh định giá có thể tiếp tục trở thành động lực chính thúc đẩy tăng trưởng doanh thu vào năm 2022 đối với nhóm hàng cao cấp của ngành hàng da và thời trang, sau một chuỗi tăng giá vào năm 2021 và 2020. Người tiêu dùng đang háo hức tiêu tiền vào thời trang và phụ kiện xa xỉ sau nhiều tháng mắc kẹt ở nhà. Các thương hiệu thì tận dụng cơ hội đó để làm cho sản phẩm của họ thậm chí còn đắt hơn và độc quyền hơn.
Các blogger trên nền tảng truyền thông xã hội Xiaohongshu của Trung Quốc dự báo giá bán của Gucci có thể cao hơn khi hãng này tận dụng động cơ lợi nhuận. Túi đeo vai Marmont nhỏ của Gucci, hiện có giá 2.600 USD, sẽ tăng khoảng 3% trong khi các phụ kiện khác của Gucci có thể tăng 10 - 15%. Các thành viên của mạng xã hội này, được biết đến như với cái tên Little Red Book, thường lấy thông tin từ các cộng tác viên bán hàng của các thương hiệu và giữ kỷ lục dự đoán tăng giá đúng. Tuy nhiên, họ thường không bao giờ tiết lộ nguồn thông tin.
Nhãn hàng Balenciaga của Kering cũng đã tăng giá hồi đầu tháng 1 ở Trung Quốc, theo Xiaohongshu. Giá của những chiếc túi xách Hourglass kích thước nhỏ và siêu nhỏ đã tăng 3,5 - 4% lên lần lượt là 2.764 - 2771 USD.
Sarah Davis, người sáng lập trang web bán lại đồ xa xỉ Fashionphile, chỉ ra rằng xu hướng tăng giá này không có gì mới. "Hermès, Louis Vuitton, Gucci và Chanel đã tăng giá theo cùng một phong cách kể từ những năm 1980. Trước đây, giá túi xách và phụ kiện sang trọng đã tăng lần lượt 2% đến 4% và 7% đến 10% mỗi năm," Davis nói.
Và quả thật, các hãng thời trang xa xỉ đã đều đặn tăng giá những chiếc túi đặc trưng của họ trong suốt thời gian đại dịch, mà rất ít bị phản đối. Sự chênh lệch giữa các thương hiệu dành cho số đông và xa xỉ cho thấy những cá nhân có thu nhập cao có thể không bị thiệt hại do lạm phát tràn lan như phần còn lại của thế giới. Chắc chắn những đợt tăng giá đã không ngăn giới thượng lưu giảm chi cho những chiếc túi hàng hiệu hiếm có, khó tìm.