Đồng USD bị ghìm ở đáy 3 năm, yên Nhật tiếp tục tăng giá
Đồng USD đương đầu với áp lực giảm giá dai dẳng trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (14/4), trong khi đồng yên Nhật Bản và euro tiếp tục tăng cao hơn...

Theo hãng tin Reuters, niềm tin của giới đầu tư vào đồng USD với tư cách đồng tiền dự trữ của thế giới đang ít nhiều lung lay trong bối cảnh cuộc chiến thương mại mà Tổng thống Donald Trump khởi xướng.
Nhà đầu tư đang dự báo về một tuần nhiều biến động nữa của thị trường tài chính, trong đó có tỷ giá của các đồng tiền chủ chốt, khi ông Trump liên tục có những động thái khó lường về thuế quan.
Trong phiên giao dịch tại thị trường châu Âu, chỉ số Dollar Index đo sức mạnh của bạc xanh so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác có lúc giảm còn 99,4 điểm, gần mức đáy kể từ năm 2022 thiết lập vào hôm thứ Sáu tuần trước tại thị trường Mỹ.
Hơn 8h tối ngày 14/4 theo giờ Việt Nam, trước khi thị trường Mỹ bước vào phiên giao dịch chính thức, Dollar Index chuyển sang trạng thái tăng nhẹ, đạt 100,15 điểm, so với mức đóng cửa của ngày thứ Sáu là 100,1 điểm.
“Thị trường đang giao dịch dựa trên sự bất định và sự bất định càng tăng thêm khi chính quyền Mỹ vào cuối tuần vừa rồi lại đưa ra những thông tin thay đổi về thuế quan”, ông Nick Rees, trưởng nghiên cứu vĩ mô của công ty Monex Europe, nhận định. “Điều này đang gây áp lực giảm giá lên đồng USD, vì thị trường cố gắng tránh sự bất định bằng cách ẩn náu vào những tài sản không phải là tài sản Mỹ”.
Trong phiên châu Âu, đồng euro có lúc tăng 0,3% so với USD, đạt 1 euro đổi 1,1395 USD, gần mức cao nhất 3 năm thiết lập ngày 11/4. Trong bối cảnh niềm tin của nhà đầu tư vào USD suy yếu, euro đang là một trong những đồng tiền được nhà đầu tư mua mạnh. Mối lo xung quanh việc nắm giữ tài sản Mỹ đang khiến một số nhà đầu tư bán bớt những tài sản đó và chuyển vốn sang các thị trường khác như châu Âu, nhờ đó thúc đẩy euro tăng giá, Reuters cho hay.
So với đồng franc Thụy Sỹ - một “hầm trú ẩn” trong những giai đoạn thị trường biến động như hiện nay - tỷ giá USD giằng co giữa giảm và tăng. Có thời điểm, USD tăng gần 0,4% so với franc, đạt 1 USD đổi 0,8192 franc.
Đồng bảng Anh có lúc tăng 0,5% so với USD, đạt 1 bảng đổi 1,3196 USD. Đồng đôla New Zealand tăng lên mức cao nhất 4 tháng so với USD, đạt 1 đôla New Zealand đổi 0,5892 USD.
Nhận định về việc Mỹ tuyên bố (ngày 11/4) miễn thuế quan cho hàng điện tử như smartphone và máy tính, ông Paul Mackel, trưởng nghiên cứu ngoại hối toàn cầu của ngân hàng HSBC, nhận định “đây là dấu hiệu đầu tiên của một sự xuống thang, nhưng vẫn còn đó những hoài nghi về việc sự xuống thang này có thể kéo dài trong bao lâu”.
Ngày 13/4, ông Trump đã nói sẽ công bố thuế quan áp lên chất bán dẫn nhập khẩu trong tuần tới nhưng sẽ có sự linh hoạt đối với một số công ty trong lĩnh vực này, việc miễn thuế quan cho hàng điện tử chỉ là tạm thời.

So với đồng yên, USD có lúc giảm giá 0,2%, còn 1 USD đổi 143,19 yên, gần mức thấp nhất 6 tháng ghi nhận ngày 11/4.
Nhật Bản hiện đang tích cực chuẩn bị cho việc đàm phán thương mại với Mỹ dự kiến khởi động trong tuần này. Theo dự báo, tỷ giá sẽ là một vấn đề gai góc trong các cuộc đàm phán thương mại giữa Tokyo và Washington.
Bộ trưởng Bộ Kinh tế Nhật Bản Ryosei Akazawa ngày 14/4 nói rằng vấn đề tỷ giá hối đoái sẽ được giải quyết giữa Bộ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản Katsunobu Kato và ngừoi đồng cấp Mỹ Scott Bessent.
“Thị trường đã đẩy tỷ giá yên lên cao hơn sau khi có sự xác nhận rằng ông Bessent và ông Kato sẽ thảo luận vấn đề tỷ giá”, chiến lược gia Christopher Wong, ngân hàng OCBC, phát biểu.
Đồng đôla Australia có lúc tăng 0,5% so với USD, đạt 1 đôla Australia đổi 0,6325 USD, sau khi tăng 4% trong tuần trước.
Theo giới phân tích, đợt bán tháo trên thị trường trái phiếu kho bạc Mỹ vào tuần trước - một phần do các quỹ đầu cơ rút mạnh khỏi các “giao dịch cơ bản”, tức giao dịch dựa trên sự chênh lệch giá giữa trái phiếu kho bạc Mỹ và hợp đồng tương lai liên quan - cũng là một nguyên nhân gây áp lực giảm giá lên USD.
Hiện tại, hầu như chưa có dấu hiệu nào cho thấy thị trường trái phiếu kho bạc Mỹ hồi phục, với lợi suất của kỳ hạn 10 năm đang ở mức gần 4,44%, không thay đổi nhiều so với mức chốt tuần trước. Tuần vừa rồi, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm nhảy từ vùng 4% lên 4,5%, đánh dấu tuần tăng mạnh nhất trong nhiều thập kỷ.
Tỷ giá đồng nhân dân tệ tại thị trường Trung Quốc đại lục giảm so với USD, còn 7,3101 nhân dân tệ đổi 1 USD. Nhân dân tệ tại thị trường ngoài đại lục giảm còn 7,3123 nhân dân tệ đổi 1 USD.
Tuần trước, nhân dân tệ tại thị trường ngoài đại lục giảm xuống mức thấp kỷ lục so với USD, còn tỷ giá đồng tiền này tại đại lục xuống mức thấp nhất từ năm 2007 trong bối cảnh thương chiến Mỹ - Trung leo thang.
Số liệu công bố ngày 14/4/2025 cho thấy kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 3/2025 tăng vọt 12,4% so với cùng kỳ năm 2024, vượt xa mức dự báo tăng 4,4% mà các nhà phân tích đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters. Nguyên nhân phía sau sự tăng trưởng này được cho là việc các nhà máy gấp rút đẩy mạnh việc giao hàng trước khi thuế quan của Mỹ có hiệu lực.