12:18 26/09/2023

Dragon Capital: “Giảm 5-12% trong một chu kỳ tăng giá không hiếm gặp, nhà đầu tư không nên rời thị trường giai đoạn này”

Kiều Trang

"Nhà đầu tư nên giữ vững sự bình tĩnh và quan sát trong giai đoạn này. Rời khỏi thị trường tại thời điểm này có thể không phải là quyết định tốt, bởi sự biến động trong khoảng từ 5% đến 12% trong một chu kỳ tăng giá không phải là điều hiếm gặp", Dragon Capital khuyến nghị.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Áp lực bán tháo trên diện rộng trong phiên đầu tuần đã khiến hàng trăm mã nằm sàn,VN-Index bốc hơi gần 40 điểm (3,34%) rơi về vùng giá 1.153,2 điểm. Mức giảm 3,34% đưa chứng khoán Việt Nam trở thành thị trường giảm mạnh hàng đầu Châu Á, vốn hóa sàn HoSE cũng mất gần 7 tỷ USD, giá trị chỉ còn xấp xỉ 4,6 triệu tỷ đồng. Chỉ trong vòng 2 phiên giao dịch gần nhất, Vn-Index đã bay mất gần 80 điểm.

NHÀ ĐẦU TƯ KHÔNG NÊN RỜI BỎ THỊ TRƯỜNG GIAI ĐOẠN NÀY

Trước diễn biến giảm mạnh gần đây của VN-Index, Công ty Quản lý Quỹ Dragon Capital Việt Nam đã cập nhật về những tác động có thể đang ảnh hưởng đến thị trường. 

Thứ nhất, áp lực toàn cầu: Thị trường đang chịu áp lực từ các yếu tố vĩ mô toàn cầu. Cụ thể, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã báo hiệu khả năng tăng lãi suất vào tháng 11, và kinh tế của Trung Quốc đang đối mặt với nhiều thách thức đáng kể. Điều này đã tạo ra tình hình khá căng thẳng cho tâm lý của các nhà đầu tư.

Thêm vào đó, thông tin về sự tăng giá của tỷ giá hối đoái cùng với các biện pháp gần đây của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) liên quan đến việc phát hành tín phiếu điều tiết cung tiền trên thị trường đã khiến tâm lý thị trường trở nên không ổn định. Cuối cùng, một số công ty chứng khoán thực hiện các biện pháp siết chặt đòn bẩy tài chính, tạo ra một đợt bán tháo mạnh mẽ trong các phiên giao dịch gần đây.

Thứ hai, chu kỳ lãi suất FED: Các mô hình lịch sử cho thấy thị trường thường biến động mạnh vào các giai đoạn gần cuối của chu kỳ tăng lãi suất của FED. Lần này cũng không ngoại lệ, và dự đoán sẽ có sự biến động ngắn hạn trong thời kỳ tiếp theo cho đến tháng 11.

Thứ ba, tỷ lệ đòn bẩy tài chính: Tỷ lệ đòn bẩy tài chính tại một số công ty chứng khoán lớn đã giảm khoảng 11% so với đỉnh điểm. Thông thường, trong các giai đoạn điều chỉnh giảm của thị trường trong một xu hướng tăng dài hạn, tỷ lệ đòn bẩy thường phải điều chỉnh sâu hơn, có lúc lên đến 20%.

Cuối cùng, biến động về mặt kinh tế toàn cầu và diễn biến thị trường gần đây chưa tạo ra sự đảo chiều trong xu hướng hiện tại.

"Chúng tôi tin rằng quý nhà đầu tư nên giữ vững sự bình tĩnh và quan sát trong giai đoạn này. Rời khỏi thị trường tại thời điểm này có thể không phải là quyết định tốt, bởi sự biến động trong khoảng từ 5% đến 12% trong một chu kỳ tăng giá không phải là điều hiếm gặp", Dragon Capital khuyến nghị.

CHỨNG KHOÁN VẪN LÀ KÊNH HẤP DẪN DÒNG TIỀN NHẤT

Nhận định về thị trường giai đoạn vừa qua, ông Huỳnh Minh Tuấn - Giám đốc Hội sở Công ty Chứng khoán  Mirea Asset, CEO FIDT cho rằng, nhóm cổ phiếu bất động sản, chứng khoán điều chỉnh là khá dễ hiểu khi thị trường đã đi lên một chặng dài và tạo ra hiệu ứng tụ cung lượng hàng giá cao và chờ chốt. Khi đó chỉ cần tin mang tính tác động dòng tiền như SBV phát hành tín phiếu hút tiền, Thông tư 06 quy định về mục đích sử dụng vốn vay của công ty chứng khoán thì thị trường có cơ để chốt lời và bán mạnh tạo ra tâm lý lo ngại.

Cụ thể về việc SBV phát hành tín phiếu, theo ông Tuấn, rõ ràng đây là hành động hãm đầu cơ tỷ giá và chưa có ý đồ gì tác động tới nền lãi suất điều hành vì thanh khoản dư thừa của toàn bộ hệ thống. Cụ thể hơn là lãi suất trúng rất thấp và kì hạn 4 tuần trong 2 phiên đấu thầu gần đây đều dưới 1% năm và kì hạn 28 ngày. Có thể trong tuần này sẽ còn vài đợt phát hành tín phiếu như vậy nữa và thị trường sẽ quen dần với việc này.

Về Thông tư 06, thông lệ thường thấy của công ty chứng khoán mục đích vay ngân hàng là đầu tư vào trái phiếu Chính phủ an toàn sau đó có thể repo hoặc bán ngược để lấy tiền đầu tư vào margin và thường sẽ làm như vậy, hiện tại ra soát lại vấn đề này để cảnh báo hơn là tác động thay đổi nhưng cũng đáng để ý và xem xét khi cần,

Đây là 2 thông tin tác động chính tới "dòng tiền" của thị trường và tạo ra áp lực như chúng ta thấy.

Một thông tin thứ 3 được đưa ra chiều hôm qua là rà soát lại (định danh - KYC) các tài khoản chứng khoán, bank, bất động sản ... đây là chuỗi hoạt động lành mạnh hoá thị trường tài chính như thường thấy và sẽ hướng tới quản lý định danh một cá nhân để quản lý toàn bộ kê khai tài sản, tài chính dòng tiền và thuế như các nước khác.

Đây là là bước đi hợp lý và tốt cho thị trường và nền kinh tế nhưng cũng ảnh hưởng ít nhiều tới các vấn đề về tạo lập thị trường, về đầu cơ... sau các sự kiện của Trịnh Văn Quyết hay Nhân Louis,...

Nhìn tổng quan bối cảnh như vậy có thể thấy thị trường trong giai đoạn tới tương đối nhiều áp lực và khó kì vọng một trend tăng tiếp tục duy trì như trong vài tháng qua mà sẽ trải qua một giai đoạn điều chỉnh tích luỹ vài tuần trở lên. Thị trường phiên thứ 6 vừa rồi cũng có sự phân hoá mang tính tốt đó là nhóm Bank trở thành nhóm đỡ trụ cho thị trường cũng như một số nhóm xuất khẩu dệt may và thuỷ hải sản. Động thái này tốt và cần thiết để trải đệm cho thị trường và hút dòng tiền phân hoá.

"Rõ ràng với mức lãi suất tiết kiệm đã về dưới 6% cho kì hạn ngắn và dưới 7% cho kì hạn trên 12 tháng thì ưu tiên số 1 của dòng tiền vẫn sẽ là kênh chứng khoán và ké tới là kênh bất động sản chứ khó có một lớp tài sản nào khác có độ hấp dẫn có thể so sánh trong bối cảnh này. Một ví dụ đơn giản đó là PE của thị trường đang ở mức 15 lần, E/P là 7% trong khi đó lãi tiết kiệm dưới 6 thì mức hấp dẫn của chứng khoán vượt trội hơn là vậy. Các vấn đề vĩ mô gồm tỷ giá, lạm phát nhăm nhe cho đợt 2 cũng nhẹ nhàng hơn và sẽ nhanh chóng qua đi", ông Huỳnh Minh Tuấn nhấn mạnh.