Dự báo nguồn cung thắt chặt khiến giá dầu tăng bùng nổ
Giá dầu thế giới tăng gần 2% trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (13/7), sau khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nói rằng thị trường nên lường trước sự thắt chặt nguồn cung do bất đồng về sản lượng khai thác dầu trong liên minh OPEC+...
Sau cú sốc vào năm 2020 do đại dịch Covid-19 gây ra, thị trường dầu lửa đến nay đã hồi phục hoàn toàn nhờ nhu cầu khởi sắc và nỗ lực hạn chế sản lượng của OPEC+. Đây là liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số đồng minh ngoài khối gồm Nga.
Từ đầu năm đến nay, OPEC+ đã nới sản lượng để phù hợp với sự phục hồi của kinh tế toàn cầu và nhu cầu tiêu thụ năng lượng. Thị trường đã kỳ vọng OPEC+ sẽ nới thêm sản lượng trong cuộc họp diễn ra vào đầu tháng 7 này. Tuy nhiên, cuộc họp đã đổ vỡ do mâu thuẫn giữa Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), hai thành viên cốt cán của OPEC.
Trong báo cáo ra ngày 13/7, IEA cho rằng trong quý 3 năm nay, lượng tồn kho dầu toàn cầu sẽ có cú giảm mạnh nhất trong ít nhất 1 thập kỷ. Theo báo cáo, vào đầu tháng 6, sự sụt giảm mạnh của lượng dầu tồn kho đã được ghi nhận ở Mỹ, châu Âu và Nhật Bản.
“Sẽ không có đủ dầu thô trên thị trường để tránh sự thiếu hụt nguồn cung vào cuối năm nay. Đó chắc chắn sẽ là một nhân tố hỗ trợ giá dầu”, Giám đốc phụ trách mảng thị trường năng lượng giao sau của Mizuho, ông Bob Yawger, nói với hãng tin Reuters.
Lúc đóng cửa, giá dầu Brent giao sau tại thị trường London tăng 1,33 USD/thùng, tương đương tăng 1,8%, chốt ở 76,49 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại thị trường New York tăng 1,15 USD/thùng, tương đương tăng 1,6%, đạt 75,25 USD/thùng.
IEA dự báo giá dầu sẽ tiếp tục biến động cho tới khi bất đồng trong OPEC+ được giải quyết.
Cuộc đàm phán hạt nhân giữa Iran với các cường quốc cũng đang ngưng trệ và khó có thể được nối lại trước khi Tehran tiến hành cuộc chuyển giao quyền lực sang cho Tổng thống mới trong tháng 8. Tình trạng này hạn chế một nguồn cung dầu tiềm năng khác, bởi thị trường vốn kỳ vọng sẽ có một thoả thuận hạt nhân và Iran sẽ được dỡ trừng phạt, theo đó tăng mạnh xuất khẩu dầu.
Nguồn thạo tin tiết lộ với Reuters rằng dữ liệu ngành cho thấy lượng tồn kho dầu thô và xăng của Mỹ đều giảm trong tuần trước. Trong đó, tồn kho dầu thô giảm 4,1 triệu thùng, đánh dấu tuần giảm thứ 8 liên tiếp.
Tuy nhiên, với số ca nhiễm mới Covid-19 tiếp tục tăng mạnh ở nhiều quốc gia trên thế giới, nhu cầu tiêu thụ năng lượng có thể suy yếu.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo rằng biến chủng Delta, loại có khả năng lây lan nhanh hơn, đang trở thành biến chủng chủ đạo. Trong khi đó, nhiều quốc gia vẫn chưa có đủ vaccine để tiêm cho y bác sỹ và nhân viên y tế - lực lượng chủ đạo của cuộc chiến chống đại dịch.