Dự kiến trong tháng 7/2025 sẽ trình Chính phủ chính sách học bổng cho ngành công nghệ chiến lược
Thứ trưởng Thường trực Phạm Ngọc Thưởng cho biết Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng Nghị định quy định chính sách học bổng cho người học các ngành khoa học cơ bản, kỹ thuật then chốt và công nghệ chiến lược; dự kiến trình Chính phủ trong tháng 7/2025...

Chiều 3/7, tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6/2025, Thứ trưởng Thường trực Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng đã có những trao đổi liên quan đến việc đào tạo, chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao cho các lĩnh vực công nghệ cao, bán dẫn, AI, các dự án hạ tầng lớn…
Thứ trưởng Thường trực Phạm Ngọc Thưởng cho biết Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số 1002/QĐ-TTg ngày 24/5/2025, phê duyệt Đề án đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao giai đoạn 2025–2035, định hướng đến năm 2045.
Đây là cơ sở quan trọng để triển khai nhiều giải pháp đột phá nhằm phát triển nhân lực STEM trong thời gian tới.
Trên thực tế, quy mô đào tạo đại học chính quy năm 2024 tăng so với năm 2023; riêng lĩnh vực STEM tăng 10,6%, tương đương hơn 60.000 sinh viên. Toàn hệ thống có 218 cơ sở đào tạo (trong đó có 158 công lập, 60 tư thục) tham gia đào tạo các ngành STEM.
Tổng số sinh viên tuyển mới năm 2024 là hơn 218.000, chiếm khoảng 36% tổng số sinh viên tuyển sinh trên toàn quốc.
Điều này cho thấy các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đang tạo hiệu ứng tích cực đối với người học.
Đặc biệt, năm 2025 là năm đầu tiên học sinh tốt nghiệp Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 – một chương trình đang khuyến khích học sinh theo đuổi các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học, tận dụng thế mạnh của học sinh Việt Nam, nhất là trong môn Toán.
Ở bậc sau đại học, năm 2024, số lượng học viên ngành STEM tiếp tục tăng mạnh: trình độ thạc sĩ tăng 34%, đạt gần 20.000 học viên; trình độ tiến sĩ tăng 33%, với gần 4.000 nghiên cứu sinh, tăng khoảng 600 so với năm 2023.
Đây là những tín hiệu rất tích cực, cho thấy sự phát triển mạnh cả về quy mô và chất lượng nguồn nhân lực STEM trong thời gian tới.
Tuy nhiên, tỷ lệ sinh viên học STEM ở Việt Nam hiện vẫn dao động trong khoảng 27% – 31%, thấp hơn nhiều nước trong khu vực và thế giới như Singapore (46%), Malaysia (50%), Hàn Quốc (35%), Phần Lan (36%), Đức (39%).
Vì vậy, rất cần tiếp tục tăng đầu tư cho các cơ sở giáo dục đại học để thúc đẩy đào tạo trong các lĩnh vực STEM.
Về đào tạo nhân lực ngành vi mạch bán dẫn, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1017/QĐ-TTg ngày 21/9/2024, phê duyệt Chương trình phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050.
Ngay trong năm học 2024–2025, có khoảng 19.000 sinh viên nhập học các ngành phù hợp với lĩnh vực bán dẫn, chiếm khoảng 10% tổng số sinh viên theo học ngành STEM.
Hiện có 166 cơ sở đào tạo các ngành liên quan đến vi mạch bán dẫn, trong đó 97 cơ sở đào tạo trực tiếp các ngành này (gồm 66 trường công lập và 31 trường tư thục).
Nhiều trường ngoài công lập như Đại học CMC, Đại học Phenikaa, FPT... cũng tích cực tham gia vào quá trình đào tạo nhân lực ngành bán dẫn.
Để bảo đảm chất lượng đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thành lập Hội đồng tư vấn và Hội đồng thẩm định Chuẩn chương trình đào tạo các trình độ đại học, thạc sĩ về vi mạch bán dẫn.
Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định số 1314/QĐ-BGDĐT ngày 13/5/2025, công bố Chuẩn chương trình đào tạo trình độ đại học và thạc sĩ ngành vi mạch bán dẫn.
Hiện đã có hơn 30 chương trình đào tạo đăng ký triển khai theo Chương trình 1017, trong đó có 08 cơ sở giáo dục đại học sẽ áp dụng ngay từ năm học 2025–2026.
Đồng thời, Bộ cũng đang khẩn trương xây dựng và sẽ sớm ban hành Chuẩn chương trình đào tạo tài năng trong lĩnh vực STEM để triển khai Đề án theo Quyết định 1002/QĐ-TTg.
Thứ trưởng Thường trực Phạm Ngọc Thưởng cho biết Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng Nghị định quy định chính sách học bổng cho người học các ngành khoa học cơ bản, kỹ thuật then chốt và công nghệ chiến lược; dự kiến trình Chính phủ trong tháng 7/2025.
Nội dung dự thảo Nghị định quy định về chính sách cấp học bổng tập trung cho các đối tượng là sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh thuộc 3 lĩnh vực được quy định tại Nghị quyết số 57, gồm: khoa học cơ bản, kỹ thuật then chốt và công nghệ chiến lược, phục vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đang được Đảng, Nhà nước quan tâm.
Bộ cũng đang phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên, học viên thạc sĩ, nghiên cứu sinh học các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán (STEM).
Hiện, dự thảo Quyết định đang trong quá trình lấy ý kiến để hoàn thiện; dự kiến sẽ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 7/2025...