11:01 17/05/2023

Du lịch công tác và nghỉ dưỡng đang “nóng” dần

Mộc Minh

Du lịch nghỉ dưỡng và du lịch công tác đang phát triển với tốc độ tương đồng. Nhờ việc dỡ bỏ các hạn chế đi lại ở châu Á, hoạt động du lịch nghỉ dưỡng trên toàn cầu phát triển mạnh mẽ với lượng đặt vé máy bay vào tháng 3/2023 tăng 31% so với cùng kỳ năm 2019…

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Trong bối cảnh nền kinh tế đang thay đổi, việc ưu tiên trải nghiệm hơn các yếu tố khác từ sau đại dịch Covid-19 và nhu cầu du lịch nghỉ dưỡng ổn định sẽ định hình triển vọng năm 2023. Tuy ban đầu yếu thế hơn so với du lịch nghỉ dưỡng, du lịch công tác đã tăng trở lại vào nửa cuối năm 2022, đặc biệt là ở các nền văn hóa ưu tiên việc trở lại văn phòng.

KẾT QUẢ CỦA NHU CẦU DỒN NÉN

Theo ước tính của Viện Kinh tế Mastercard, trong hoàn cảnh thị trường du lịch đang chịu nhiều tác động từ nền kinh tế bất ổn, việc Trung Quốc đại lục mở cửa trở lại dự kiến sẽ thúc đẩy tăng trưởng trên toàn cầu, với tác động tập trung ở châu Á - Thái Bình Dương.

Du lịch nghỉ dưỡng và du lịch công tác đang phát triển với tốc độ tương đồng. Nhờ việc dỡ bỏ các hạn chế đi lại ở châu Á, hoạt động du lịch nghỉ dưỡng trên toàn cầu vẫn phát triển mạnh mẽ, với lượng đặt vé máy bay vào tháng 3/2023 tăng 31% so với cùng kỳ năm 2019. Trong nửa cuối năm 2022 đến đầu năm 2023, lượng đặt vé máy bay của doanh nghiệp đã tăng lên ngang bằng mức đặt vé máy bay nghỉ dưỡng, nhờ xu hướng trở lại làm việc tại văn phòng mạnh mẽ ở một số khu vực.

Kết quả của Mastercard cho thấy nhu cầu gặp mặt trực tiếp, với mức tăng trưởng đáng kể nhất về chi phí đi lại phục vụ thương mại tăng 64% và giải trí dẫn đầu bởi châu Á - Thái Bình Dương và châu Âu là 42% trong khoảng thời gian từ tháng 01/2023 đến tháng 3/2023.

Việc Trung Quốc mở cửa trở lại sau các quy định nghiêm ngặt về Covid-19 diễn ra vào thời điểm mà động thái này có thể sẽ có tác động tích cực đến nền kinh tế trải nghiệm, vì nhu cầu đi lại bị dồn nén dự kiến sẽ tạo đà tăng mạnh. Đáng chú ý, tính đến tháng 3/2023, chi tiêu cho trải nghiệm đã đạt mức 93% so với năm 2019, mặc dù hoạt động du lịch trong năm ngoái chỉ ở mức tối thiểu.

Các nền kinh tế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương có khả năng hưởng lợi nhiều nhất từ sự mở cửa của Trung Quốc, do mối quan hệ chặt chẽ về thương mại quốc tế, du lịch và khoảng cách địa lý. Dựa trên ước tính của Viện Kinh tế Mastercard, các quốc gia khác dự kiến sẽ được hưởng lợi bao gồm Bắc Âu, Đức, Pháp và Brazil, đây là những quốc gia có thể chứng kiến sự gia tăng xuất khẩu sang Trung Quốc khi nền kinh tế phục hồi.

DU KHÁCH THIẾT LẬP HÀNH LANG DU LỊCH MỚI

Khi người tiêu dùng đang có thu nhập cao hơn và quay trở lại trạng thái thoải mái như thời kì trước đại dịch, họ cũng bắt đầu du lịch xa hơn đến các địa điểm mới.

Đối với du khách đến từ khu vực châu Á - Thái Bình Dương, các quốc gia như Hoa Kỳ và Úc vẫn là những điểm đến yêu thích cho hành trình du xuân và nghỉ hè. Những trải nghiệm du lịch sang trọng, như lưu trú cao cấp và du lịch xa hoa ở những nơi như Pháp và Ý, có thể sẽ thu hút khách du lịch Trung Quốc quay trở lại nền kinh tế trải nghiệm từ chính sách “không Covid”.

Tại Châu Á, du khách đến Đặc khu Hành chính Hồng Kông đã bắt đầu tăng lên từ cuối năm 2022, đưa nơi đây lọt vào top 10 điểm đến và bứt lên vị trí thứ 3 vào tháng 2/2023. Khách du lịch tiếp tục ưu tiên trải nghiệm hơn và đòi hỏi nhiều hơn về sự độc đáo. Du khách đã đến những nơi ít được biết tới hơn để trải nghiệm văn hóa, có thể do ảnh hưởng từ phương tiện truyền thông xã hội và giải trí.

Cụ thể, ở Việt Nam vào tháng 3/2023, chi tiêu trải nghiệm tăng 32,2% so với tháng 3/2019, trong khi chi tiêu cho các yếu tố khác tăng 22,2%. Chi tiêu hướng đến trải nghiệm đang tăng mạnh ở một số hành lang du lịch nhất định khi lệnh phong tỏa do đại dịch được dỡ bỏ. Ngoài ra, du khách Trung Quốc vốn có truyền thống ưu tiên hàng bán lẻ xa xỉ, điều này có thể thúc đẩy chi tiêu hàng hóa trên khắp các thị trường.