14:09 22/01/2024

Du lịch và hàng không phục hồi, khách Trung Quốc lại “mở hầu bao” trong năm 2024?

Tường Bách

Du lịch quốc tế có thể phục hồi hoàn toàn như mức trước đại dịch vào năm 2024, thậm chí còn có thể tăng trưởng hơn 2% so với năm 2019. Sự phục hồi sẽ phụ thuộc lớn vào tốc độ phục hồi ở châu Á hoặc các nguy cơ về suy thoái kinh tế và xung đột địa chính trị…

Ảnh: UNWTO
Ảnh: UNWTO

Triển vọng tích cực được phản ánh trong cuộc khảo sát Chỉ số Niềm tin Du lịch mới nhất của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), với 67% các chuyên gia du lịch cho rằng năm 2024 có triển vọng tốt hơn hoặc tốt hơn nhiều so với năm 2023. Khoảng 28% chuyên gia dự báo hiệu suất năm 2024 sẽ tương tự với 2023, và chỉ 6% dự báo hiệu suất du lịch vào năm 2024 sẽ thấp hơn năm 2023.

Du lịch toàn cầu ước tính kết thúc năm 2023 với 1,3 tỉ lượt khách (88% so với mức trước đại dịch) và doanh thu khoảng 1,4 nghìn tỷ USD (93% so với trước đại dịch), theo thống kê của UNWTO. Trung Đông dẫn đầu về sự hồi phục của "ngành công nghiệp không khói" khi đây là khu vực duy nhất ghi nhận hoạt động du lịch vượt mức trước đại dịch. Lượng du khách đến Trung Đông đã tăng 22% so với năm 2019.

Cũng theo đà này, hoạt động du lịch tại châu Âu đạt 94% mức trước đại dịch, nhờ nhu cầu trong khu vực và lượng lớn du khách từ Mỹ. Tỷ lệ này ở châu Phi là 96%, châu Mỹ là 90%. Tại châu Á, mức độ phục hồi chưa đồng đều với khu vực châu Á -  Thái Bình Dương ghi nhận tỷ lệ phục hồi so với mức trước đại dịch là 65%, tiếp đến là Nam Á - 87% và Đông Bắc Á là 55%.

Các dự báo lạc quan dựa trên thực tế ngành du lịch tại châu Á vẫn còn rất nhiều dư địa để phục hồi trong năm 2024, đặc biệt là tại Trung Quốc – thị trường du lịch hàng đầu thế giới. Lượng du khách đến và đi từ Trung Quốc dự kiến sẽ tăng tốc vào năm 2024 nhờ việc tạo điều kiện thuận lợi về thị thực và năng lực hàng không được cải thiện. Trung Quốc gần đây cũng áp dụng miễn thị thực du lịch cho công dân của nhiều quốc gia cho đến cuối năm 2024.

67% các chuyên gia du lịch cho rằng năm 2024 có triển vọng tốt hơn hoặc tốt hơn nhiều so với năm 2023.
67% các chuyên gia du lịch cho rằng năm 2024 có triển vọng tốt hơn hoặc tốt hơn nhiều so với năm 2023.

Ngoài ra, theo báo cáo của cơ quan có trụ sở tại Madrid (Tây Ban Nha) này, các nỗ lực tạo thuận lợi cho việc đi lại và thị thực sẽ thúc đẩy du lịch tại khu vực Trung Đông và châu Phi cùng với các quốc gia thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC). Các nỗ lực này hướng tới một thị thực du lịch thống nhất trong khối, tương tự như thị thực Schengen ở châu Âu.

Du lịch châu Âu cũng sẽ tiếp tục được thúc đẩy vào năm 2024. Vào tháng 3, các nước Romania và Bulgaria sẽ gia nhập khu vực tự do đi lại ở châu Âu, hay còn gọi là khối Schengen. Nước Pháp sẽ đăng cai Thế vận hội Mùa hè (Olympic) vào tháng 7 và tháng 8, dự kiến thu hút số lượng lớn khách du lịch. Nhu cầu du lịch mạnh mẽ từ Hoa Kỳ sẽ tiếp tục mang lại lợi ích cho các điểm đến ở châu Mỹ và xa hơn nữa. Giống như vào năm 2023, các thị trường nguồn mạnh mẽ ở châu Âu, châu Mỹ và Trung Đông sẽ tiếp tục thúc đẩy dòng khách và chi tiêu du lịch trên khắp thế giới.

Tổng Thư ký Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), ông Zurab Pololikashvili, cho biết: "Dữ liệu mới nhất từ UNWTO đã nêu bật khả năng phục hồi nhanh chóng của ngành du lịch, với kỳ vọng đạt mức như trước đại dịch vào cuối năm 2024. Sự phục hồi này đã đóng góp đáng kể đối với các nền kinh tế, việc làm, sự tăng trưởng và tạo cơ hội cho cộng đồng ở mọi nơi".

Bên cạnh đó, hàng loạt báo cáo mới đây cho thấy sự ổn định trên một số chỉ số chính của ngành hàng không, khi tốc độ tăng trưởng mạnh kết thúc và một kỷ nguyên bình thường mới bắt đầu. Báo cáo tháng 12 của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) nhận định: “Năm 2024 dự kiến sẽ đánh dấu sự kết thúc của đà tăng ấn tượng hàng năm, vốn là đặc trưng của giai đoạn phục hồi hậu đại dịch từ năm 2021 tới năm 2023”.

Các chuyên gia dự đoán giá vé máy bay quốc tế sẽ giảm vào năm 2024 - đặc biệt là các chuyến bay giữa Bắc Mỹ và châu Á.
Các chuyên gia dự đoán giá vé máy bay quốc tế sẽ giảm vào năm 2024 - đặc biệt là các chuyến bay giữa Bắc Mỹ và châu Á.

Theo Business Times, IATA ước tính công suất bay toàn cầu dự kiến sẽ phục hồi, với khoảng 40 triệu chuyến bay (tăng từ 38,9 triệu vào năm 2019), dự kiến sẽ chở kỷ lục 4,7 tỷ lượt khách (tăng từ 4,5 tỷ lượt khách vào năm 2019). Công ty tư vấn AMEX GBT Consulting nhận định, khi nhu cầu du lịch giải trí giảm bớt và xu hướng du lịch "trả thù" kết thúc, cung và cầu trong ngành hàng không thương mại đang đạt trạng thái cân bằng. Tình trạng ấy sẽ giúp giá vé máy bay ổn định trong năm 2024.

Tương tự, báo cáo Air Monitor 2024 của AMEX, công ty dịch vụ tài chính đa quốc gia của Mỹ, dự đoán giá vé máy bay quốc tế sẽ giảm vào năm 2024 - đặc biệt là các chuyến bay giữa Bắc Mỹ và châu Á. Khách du lịch ở Mỹ có thể tiết kiệm khá nhiều tiền từ việc giá vé máy bay giảm. Đó là nhận định của công ty du lịch Hopper khi họ dự kiến giá vé máy nay ở Mỹ sẽ giảm - ít nhất là trong 6 tháng đầu tiên của năm nay.

IATA dự báo, năm 2024, các hãng hàng không sẽ đạt lợi nhuận tổng cộng 25,7 tỉ đô la Mỹ nhờ doanh thu cao kỷ lục, dự kiến khoảng 964 tỉ đô la. IATA kỳ vọng tất cả các khu vực sẽ đạt mức hành khách như trước đại dịch vào cuối năm 2023 , ngoại trừ châu Á-Thái Bình Dương, nơi dự kiến phục hồi hoàn toàn vào đầu năm 2024.

Nhưng các dự báo của IATA phụ thuộc rất nhiều vào sự phục hồi mạnh mẽ liên tục ở thị trường Trung Quốc. Nếu nhu cầu ở Trung Quốc phục hồi yếu hơn kỳ vọng, điều này sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu tổng thể của khu vực. Trước đại dịch, Trung Quốc chiếm 1/5 lưu lượng chuyến bay ở châu Á-Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, nếu nhu cầu ở Trung Quốc phục hồi yếu hơn kỳ vọng, điều này sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu tổng thể của khu vực.
Tuy nhiên, nếu nhu cầu ở Trung Quốc phục hồi yếu hơn kỳ vọng, điều này sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu tổng thể của khu vực.

Các giám đốc điều hành tại LVMH và Richemont, hai trong số những tập đoàn thời trang lớn nhất thế giới, cho rằng khách du lịch Trung Quốc sẽ thực hiện các chuyến đi ngắn ngày tới Hồng Kông trước khi xuất hiện vào khoảng giữa năm 2024 tại các thánh địa thời trang châu Âu như Place Vendôme, Bond Street và Via Monte Napoleone… Tại điểm mua sắm sang trọng La Roca Village ở Barcelona, Julia Simpson, Chủ tịch Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới chia sẻ với Jing Daily rằng: “Dữ liệu của chúng tôi cho thấy bất chấp một số áp lực lạm phát, nhu cầu bị dồn nén hiện vẫn đang rất mạnh. Mọi người đều đang ưu tiên cho việc du lịch”.

Kể từ khi biên giới được mở cửa trở lại, du khách Trung Quốc nói chung đang có xu hướng lựa du lịch chủ yếu trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Theo công ty du lịch Trung Quốc Ctrip, Bali, Bangkok, Chiang Mai, Kuala Lumpur, Manila và Singapore là một số điểm đến du lịch phổ biến nhất trong dịp Tết nguyên đán sắp tới.

Theo một báo cáo gần đây của Euromonitor International, doanh số bán hàng miễn thuế ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương dự kiến sẽ đạt 81 tỷ USD vào năm 2027. Một phần đáng kể trong con số này dự kiến sẽ đến từ việc du khách Trung Quốc sẽ chịu khó “mở hầu bao” hơn so với năm 2023. Để thu hút người mua hàng Trung Quốc, các nhà bán lẻ năm nay sẽ chủ động hướng tới việc cung cấp trải nghiệm đa kênh. Mở rộng các phương thức thanh toán để kết hợp các hệ thống thanh toán của Trung Quốc như Alipay và WeChat Pay, triển khai các chương trình quyền lợi theo văn hoá châu Á và tăng số lượng nhân viên nói tiếng Trung Quốc.