Du lịch Việt Nam: Cần nâng cao hiệu quả công tác thống kê
Dẫu đón được lượng khách quốc tế vượt kế hoạch mục tiêu cả năm 2023, song ngành du lịch Việt Nam vẫn sẽ đối diện nhiều thách thức của năm 2024 trong bức tranh khó khăn chung toàn cầu…
Theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê, năm 2023 Việt Nam đón 12,6 triệu khách quốc tế và phục vụ 108,2 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt 678,3 nghìn tỷ đồng. Những điểm đến được yêu thích của du khách có thể kể tới như Hà Nội, Ninh Bình, Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang, Phú Quốc... Trong đó, đón đông khách du lịch nhất cũng là một cái tên quen thuộc, là thành phố lớn nhất vùng Đông Nam Bộ - TP.HCM.
KHI CON SỐ CHƯA PHẢN ÁNH ĐÚNG THỰC TẾ
Sau một thời gian thực hiện các chính sách kích cầu du lịch sau đại dịch, số liệu về du lịch năm 2023 của nhiều địa phương cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch của chính các địa phương cho rằng kết quả đạt được quá cao, không phản ánh đúng thực tế. Sự mâu thuẫn, không thống nhất giữa những người trong cuộc về số liệu thống kê cho thấy thiếu sự phối hợp của các đơn vị liên quan, mà cụ thể là cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp hoạt động trực tiếp trong lĩnh vực du lịch.
Tháng 6/2023, tại buổi họp báo giới thiệu về chương trình du lịch hè 2023, ban tổ chức họp báo tỉnh Quảng Nam đã thông tin những con số khá ấn tượng về sự phục hồi mạnh mẽ của du lịch địa phương. Tuy nhiên, ngay khi kết quả vừa được công bố, nhiều doanh nghiệp lữ hành của địa phương đã cho rằng số liệu trên thiếu thực tế vì doanh nghiệp lưu trú và lữ hành trên địa bàn đều đang rất ế ẩm, khó khăn.
Tương tự, tại Quảng Trị, 6 tháng đầu năm 2023, ngành du lịch địa phương cho biết tổng lượng khách du lịch đạt 1.191.630 lượt, tăng 54,1% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó lượt khách lưu trú 298.700 lượt, tăng 3,5 lần. Nhưng theo các cơ sở kinh doanh du lịch (bao gồm lưu trú và dịch vụ nhà hàng) trên địa bàn tỉnh, phần lớn các cơ sở vẫn còn khó khăn, lượng khách vẫn chưa như kỳ vọng. Một chủ khách sạn 4 sao trên địa bàn tỉnh cho biết, công suất của khách sạn 6 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt khoảng 38% - 39%.
Trước đó, sau dịp Tết nguyên đán 2023, tỉnh Quảng Ninh từng phải chỉ đạo tính toán lại con số lượt khách đến địa phương này, sau khi Sở Du lịch công bố 1,6 triệu lượt khách dịp Tết, tăng hơn 15 lần so với cùng kỳ năm trước, trong khi hàng loạt tàu du lịch, nhà hàng, cơ sở lưu trú hoạt động cầm chừng, vắng khách. Còn tại Phú Quốc, dù ghi nhận liên tục những đợt suy giảm lượng khách, kinh doanh du lịch ế ẩm, nhưng thống kê cuối năm, Phú Quốc vẫn công bố đón 5,4 triệu lượt khách, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2022... Nghịch lý này đặt ra câu hỏi về công tác thống kê số lượt khách đến mỗi địa phương.
Ông Nguyễn Công Hoan, Tổng Giám đốc Công ty Flamingo Redtour cho hay: "Chúng ta có nhiều chỉ số chưa để phân biệt được đâu là khách du lịch thuần tuý, đâu là khách đi công tác, chưa thống kê được việc khách di chuyển từ địa phương này đến địa phương khác. Đây là hạn chế khiến cho công tác đánh giá thực lực hoạt động du lịch như thế nào, hiệu quả ra sao".
Đồng tình, ông Trần Thế Dũng, Tổng giám đốc Công ty Vietluxtour, cho rằng cần xem xét lại số liệu thống kê của ngành du lịch. "Cơ quan thống kê cứ gom tất cả lượng khách từ nước ngoài đến Việt Nam cho rằng đó là khách du lịch. Dù vậy, cần phải làm rõ trong số gần 12 triệu lượt khách đó có bao nhiêu người đến với mục đích du lịch, bao nhiêu người về thăm thân nhân, bao nhiêu khách ngoại giao, khách công vụ… Việc tất cả không được phân loại, chỉ rõ khiến số liệu không phản ánh đúng thực tế".
Theo các doanh nghiệp lữ hành, trong công bố báo cáo thống kê của các địa phương, chưa phân tách cụ thể đối tượng thăm quan trong ngày, khách lưu trú qua đêm, hay thời gian lưu trú bao lâu. Trong khi theo tính toán chi phí lưu trú chiếm tới 70% chi tiêu của 1 khách quốc tế đến Việt Nam, nghĩa là quyết định lớn đến chiến lược phát triển của doanh nghiệp. "Quan trọng nhất là thống kê được khách lưu lại ở điểm đến, khách sử dụng hạ tầng thiết yếu như lưu trú, ăn uống, hay hạ tầng về điểm thăm quan… Cần có số liệu công bố chi tiết hơn", ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Liên chi hội Lữ hành Việt Nam đề xuất.
CẢI THIỆN HIỆU SUẤT CỦA CÁC CHỈ TIÊU THỐNG KÊ DU LỊCH
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa có Công điện 06 gửi các Bộ: Văn hóa - Thể thao - Du lịch, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, yêu cầu nâng cao hiệu quả công tác thống kê du lịch để đánh giá, hoạch định chính sách, thúc đẩy phát triển du lịch Việt Nam hiệu quả, bền vững trong thời gian tới.
Trong công điện, Thủ tướng đánh giá thời gian qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương giải quyết hoặc trình cấp có thẩm quyền giải quyết nhiều điểm nghẽn, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh phục hồi du lịch theo Nghị quyết số 82. Tuy đã đạt được một số kết quả tích cực, từng bước phục hồi sau ảnh hưởng của dịch Covid-19, du lịch Việt Nam còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, nhất là trong công tác hoạch định chính sách và chiến lược dài hạn.
Một trong những nguyên nhân được Thủ tướng chỉ ra là do công tác điều tra, thống kê du lịch còn bất cập, chưa có nguồn dữ liệu đầy đủ, chính xác, đồng bộ để xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách phù hợp, hỗ trợ, thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh du lịch của doanh nghiệp, người dân kịp thời, hiệu quả.
Để khắc phục những khó khăn này và cải thiện hiệu suất của các chỉ tiêu thống kê du lịch, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai nhanh chóng nền tảng số "Quản trị và kinh doanh du lịch" theo Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 của Chính phủ, với mục tiêu hoàn thành trong quý 2/2024.
Dựa trên nền tảng này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ hướng dẫn các cơ quan quản lý du lịch ở địa phương thực hiện chặt chẽ chế độ báo cáo thống kê du lịch, đồng thời tăng cường kết nối và cập nhật thông tin đầy đủ, kịp thời từ các doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ hợp tác mạnh mẽ với Bộ Công an để triển khai kết nối và tích hợp cơ sở dữ liệu về du lịch với dữ liệu quốc gia về dân cư. Đồng thời, sẽ thúc đẩy việc sử dụng ứng dụng trên VNeID để quản lý du khách một cách thuận lợi, đồng bộ và chính xác. Họ cũng sẽ hợp tác với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để triển khai ứng dụng Tài khoản vệ tinh du lịch theo khuyến nghị của Tổ chức Du lịch Thế giới, với kế hoạch hoàn thành vào tháng 9/2024.
Ngoài ra, việc hợp tác quốc tế, đặc biệt với Tổ chức Du lịch Thế giới và cơ quan thống kê của Liên hợp quốc, sẽ được gia tăng để nâng cao kỹ năng và phương pháp thống kê du lịch của đội ngũ cán bộ quản lý và thực hiện nhiệm vụ thống kê du lịch ở cấp trung ương và địa phương. Bộ Tài chính sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các địa phương để tăng cường công tác quản lý và sử dụng hóa đơn điện tử trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, đặc biệt là các dịch vụ ăn uống. Điều này sẽ đảm bảo thống kê và tính toán chính xác thu nhập từ hoạt động du lịch.