Dữ liệu tìm kiếm nói gì về thị trường xa xỉ năm 2025?
Năm nay, các từ khóa liên quan đến xa xỉ dễ tiếp cận và chăm sóc bản thân đã chiếm lĩnh thanh công cụ tìm kiếm, một xu hướng mà các thương hiệu nên lưu ý để xây dựng chiến lược kinh doanh cho năm 2025…
Khi muốn mua một sản phẩm, người tiêu dùng thường bắt đầu bằng việc tìm kiếm thông tin về chúng trên internet. Năm 2024, dù có sự chọn lọc hơn trong chi tiêu, những người tiêu dùng vẫn không thể ngừng mua sắm. Việc phân tích các sản phẩm và thương hiệu nhận được nhiều sự quan tâm trong năm qua có thể trở thành kim chỉ nam để các thương hiệu định hướng sự ưu tiên cho năm tới.
PHÂN KHÚC TẦM TRUNG TRỞ THÀNH ĐIỂM SÁNG
Năm nay, khi giá các mặt hàng xa xỉ tiếp tục leo thang, người tiêu dùng dần chuyển sang tìm kiếm các thương hiệu thuộc phân khúc tầm trung và “xa xỉ dễ tiếp cận” – nơi có các sản phẩm chất lượng với mức giá không quá áp lực lên ngân sách vốn đã eo hẹp của họ.
Không có gì ngạc nhiên khi túi Quilted Tabby của Coach đạt đỉnh về độ phổ biến, với lượng tìm kiếm trên Google đạt mức cao kỷ lục. Sự chuyển mình thành công của thương hiệu này đã giúp họ chiếm được cảm tình của thế hệ Gen Z, nhóm khách hàng yêu thích những mẫu túi dao động từ vài trăm USD như dòng sản phẩm Tabby hay Brooklyn của Coach. Đây là một mô hình mà các thương hiệu khác nên học hỏi.
Các món đồ cơ bản nhưng hợp xu hướng cũng là điểm nhấn trong tìm kiếm trên Google Shopping, với các thương hiệu tầm trung trở thành lựa chọn hàng đầu. Tại Mỹ, lượt tìm kiếm cụm từ “ballet flats” (giày bệt kiểu Ballet) tăng 84% trong năm nay, và “kitten heels” (giày gót thấp) cũng đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Theo dữ liệu từ Google, người tiêu dùng tìm kiếm các sản phẩm giày dép ở cả 2 xu hướng này thường ở mức giá 200 USD.
Những tìm kiếm nổi bật khác bao gồm áo thun slogan của Axel Arigato (cụm từ “T-shirt slogans” tăng 160% tại Mỹ trong năm nay), blazer dáng hộp của Nanushka (khi “business casual” phá kỷ lục tìm kiếm), và áo cardigan của Anine Bing (với mức tăng mạnh vào tháng 11 như thường lệ, theo dữ liệu của Google). Trên nền tảng Depop, các thương hiệu được tìm kiếm nhiều nhất bao gồm Lululemon, Skims, New Balance, Stüssy và Ralph Lauren.
SẢN PHẨM XA XỈ NHỎ ĐƯỢC QUAN TÂM
Trong bối cảnh giá cả xa xỉ vượt tầm với của nhiều người tiêu dùng, họ đang tìm kiếm những cách tiếp cận vừa túi tiền hơn để trải nghiệm sự sang trọng. Theo dữ liệu từ Google, lượng tìm kiếm “bag charm” (phụ kiện trang trí túi) đã đạt đỉnh tại Mỹ trong năm nay. Tương tự, “necklace charms” (mặt dây chuyền trang trí) cũng lập kỷ lục mới vào năm 2024, khi người tiêu dùng ưu tiên làm mới đồ dùng hiện có thay vì mua mới. Ngoài ra, “oversized sunglasses” (kính râm bản to) cũng chứng kiến sự tăng vọt, dù xu hướng này thường đạt cao điểm mỗi mùa hè tại Mỹ.
Các thương hiệu nhanh chóng nắm bắt xu hướng này. Theo nền tảng phân tích bán lẻ Edited, số lượng phụ kiện trang trí túi mới ra mắt từ các thương hiệu xa xỉ ở Mỹ và Anh đã tăng 47% so với cùng kỳ năm trước. Mytheresa, một nhà bán lẻ cao cấp trực tuyến, cũng ghi nhận thành công lớn với dòng sản phẩm trâm cài (brooch).
Điều này cho thấy rằng những món đồ xa xỉ nhỏ nhưng tạo điểm nhấn vẫn có sức hấp dẫn mạnh mẽ, giúp người tiêu dùng tiếp cận sự sang trọng mà không cần chi tiêu quá mức. Các món đồ này là lựa chọn lý tưởng cho người mới bắt đầu sử dụng đồ xa xỉ, mang đến cách tiếp cận thương hiệu một cách dễ dàng mà không cần đầu tư quá lớn.
Về xu hướng Thu - Đông 2025 và 2026, công ty WGSN dự báo phong cách “tuỳ chỉnh hỗn loạn” – nơi người tiêu dùng cá nhân hóa tối đa các món đồ của mình – sẽ trở thành động lực thúc đẩy các thương hiệu tập trung vào thiết kế phụ kiện và chi tiết sản phẩm.
Nước hoa cũng đang đi theo quỹ đạo tương tự. Trên Google, lượt tìm kiếm “unisex fragrances” (nước hoa phi giới tính) tăng 130%. Trong khi đó, trên Pinterest, nước hoa chiếm ưu thế trong các tìm kiếm về làm đẹp của năm. Các cụm từ như “Perfume scents” (mùi hương nước hoa) tăng 134%, “Sol De Janeiro Perfume” tăng 173%, và “Carolina Herrera Perfume” tăng 120%.
Đây là tín hiệu tích cực cho các thương hiệu, khi ngày càng nhiều hãng tung ra dòng sản phẩm nước hoa như một chiến lược để duy trì chi tiêu từ khách hàng – dù với họ có mức ngân sách thấp hơn – trong bối cảnh bán lẻ gặp nhiều thách thức.
CHĂM SÓC SỨC KHOẺ LÊN NGÔI
Năm nay, các tìm kiếm liên quan đến sức khỏe đã vượt xa các từ khóa về làm đẹp truyền thống, phản ánh mong muốn của người tiêu dùng trong việc đầu tư vào bản thân. Ngoại trừ sản phẩm trang điểm Halo Glow Liquid Filter của Elf Cosmetics (tăng đến 5.000% lượt tìm kiếm), phần lớn các tìm kiếm về làm đẹp đều tập trung vào chăm sóc da, giấc ngủ và tuổi thọ.
Theo báo cáo “Top Global Consumer Trends 2025” của Euromonitor International, tuổi thọ được dự đoán sẽ thống trị lĩnh vực chăm sóc sức khỏe trong năm tới. Đây là cơ hội lớn cho các thương hiệu, từ công nghệ y tế số, theo dõi thể chất và giấc ngủ, đến các loại thực phẩm bổ sung như NAD+.
Trên Google, lượt tìm kiếm “skincare kit” (bộ sản phẩm chăm sóc da) tăng 100% so với cùng kỳ năm trước. Tương tự, trên Pinterest, cụm từ “bath and body care” (chăm sóc cơ thể) tăng 245% – mức tăng cao nhất trong các tìm kiếm về làm đẹp, chỉ đứng sau “Summer Fridays lip balm (son dưỡng môi của hãng Summer Fridays)” (tăng 247%).
Trong khi đó, các sản phẩm cụ thể vẫn chiếm ưu thế tại các lượt tìm kiếm trên Google. Estée Lauder dẫn đầu xu hướng, với lượng tìm kiếm cho serum Advanced Night Repair tăng 5.000% tại Mỹ. Ngoài chăm sóc cơ thể, thương hiệu Oura cũng nổi bật với danh hiệu chiếc nhẫn thông minh được tìm kiếm nhiều nhất trên Google tại Mỹ trong năm nay.
Như vậy, có thể thấy khá rõ, xu hướng nóng nhất của năm 2025 chính là đầu tư cho sức khỏe và tuổi thọ. Do đó, các ngành hàng chăm sóc cá nhân, làm đẹp và thiết bị công nghệ chăm sóc sức khỏe sẽ có nhiều dư địa tăng trưởng trong thời gian tới.