Dùng các công ty "ma" để mua bán hóa đơn trái phép
Khách hàng có nhu cầu mua hóa đơn GTGT sẽ gửi thông tin, hợp đồng qua email. Ánh sử dụng pháp nhân trong các công ty “ma” để soạn hợp đồng. Công trực tiếp giả mạo chữ ký giám đốc, đóng dấu công ty “ma”...
Ngày 24/7, TAND TP Hà Nội đưa ra xét xử nhóm bị cáo Mua bán trái phép hóa đơn gồm Quản Trọng Công (SN 1991, ở quận Đống Đa), Đào Thị Ánh (SN 1993, ở quận Hoàng Mai), Nguyễn Hoàng Anh (SN 1991, ở quận Hoàng Mai), Nguyễn Thị Minh Châu (SN 1971, ở huyện Thanh Trì), Nguyễn Văn Tuấn (SN 1970, ở huyện Thanh Trì), Nguyễn Thu Huyền (SN 1979, ở quận Hoàng Mai), Thào Thị Phương (SN 1961, ở quận Nam Từ Liêm), Vũ Minh Tín (SN 1994, ở quận Hoàng Mai), Nguyễn Lệ Chi (SN 1997, ở quận Đống Đa)
Bị cáo Lưu Đình Cải (SN 1989, giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Việt Panel) tội Trốn thuế.
Theo cáo trạng, khoảng cuối năm 2015, Quản Trọng Công cùng dì ruột mua hóa đơn GTGT để bán lại cho khách kiếm lời. Đến năm 2018, Công tự mình tổ chức việc mua bán trái phép hóa đơn.
Để thực hiện hành vi, Công rủ Hoàng Anh, Ánh, Tín, Chi cùng tham gia. Công trực tiếp lên mạng tìm thông tin, liên hệ mua lại các công ty kinh doanh kém hiệu quả có nhu cầu sang nhượng rồi dùng CMND mua ở các tiệm cầm đồ, thuê những người làm dịch vụ làm thủ tục chuyển đổi pháp nhân, thay đổi thông tin đại diện pháp luật, địa chỉ đăng ký kinh doanh.
Còn Ánh, Tín có nhiệm vụ tìm kiếm khách hàng, riêng Ánh còn được giao viết nội dung một số hóa đơn để bán, viết nội dung vào bản đăng ký thông tin tài khoản.
Khách hàng có nhu cầu mua hóa đơn GTGT sẽ gửi thông tin, hợp đồng qua email. Ánh sử dụng pháp nhân trong các công ty “ma” để soạn hợp đồng. Công trực tiếp giả mạo chữ ký giám đốc, đóng dấu công ty “ma” rồi thuê xe ôm đưa lại cho Tín giao cho khách hàng. Hoặc Ánh trực tiếp đến nhận để giao lại cho khách.
Mỗi hóa đơn khống bán được, Công hưởng lợi từ 0,8%-1%. Mỗi hóa đơn Ánh mua của Công để bán lại thì Ánh hưởng lợi 2-3%. Hóa đơn Tín mua của Công để bán thì được hưởng lợi 4-5%.
Để hoàn thiện hồ sơ, tránh cơ quan chức năng kiểm tra, Công tự ứng tiền mặt bằng giá trị ghi trong hợp đồng rồi dùng ủy nhiệm chi do khách hàng đưa nhưng chưa viết nội dung. Khi ra ngân hàng chuyển tiền, Công, Tín mới viết nội dung số tiền chuyển khoản.
Kết quả điều tra xác định, từ 2018-2019, Công và đồng phạm bán khoảng 400 hóa đơn GTGT khống cho các tổ chức, cá nhân, thu lời bất chính khoảng 300 triệu đồng.
Tiến hành khám xét chỗ ở, làm việc của Công, cơ quan điều tra thu giữ được 17 con dấu của 15 công ty; 33 mặt dấu hình tròn trên có khắc tên công ty, mã số doanh nghiệp của 16 công ty (có nhiều mặt dấu trùng tên công ty); 27 dấu chức danh giám đốc, kế toán; thu giữ 17 giấy đăng ký kinh doanh của 11 công ty, giấy nộp tiền…
Ngoài ra, cáo trạng thể hiện, khoảng tháng 7/2018, Hoàng Anh có nhu cầu kinh doanh nên mua lại Công ty TNHH truyền thông Linknew và đứng tên giám đốc. Trong quá trình hoạt động do có vướng mắc kế toán nên Hoàng Anh nhờ Công tư vấn. Công chỉ cho Hoàng Anh cách thức bán hóa đơn GTGT.
Để có hóa đơn đầu vào để hạch toán thuế, Hoàng Anh mua của Công hóa đơn GTGT của Công ty TNHH AD-VIET, Công ty cổ phần công nghệ xanh Đại Toàn Cầu với giá 1%/tổng giá trị số tiền ghi trên hóa đơn. Sau đó bán lại cho các khách hàng có nhu cầu với giá 3%/tổng giá trị số tiền ghi trên hóa đơn.
Cơ quan tố tụng xác định Hoàng Anh bán 42 hóa đơn GTGT khống với số tiền ghi trên hóa đơn là hơn 14 tỷ đồng, thu lời bất chính hơn 284 triệu đồng.
Xác minh các doanh nghiệp đã sử dụng hóa đơn khống cho thấy, trước thời điểm cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử phạt, các doanh nghiệp này đã loại bỏ toàn bố số hóa đơn bất hợp pháp và nộp tiền thuế vào ngân sách nhà nước. Do đó, cơ quan điều tra không xem xét xử lý.
Trong vụ án này, Thào Thị Phương – giám đốc Công ty CP công nghệ xanh Đại Toàn Cầu và Chi cũng giúp sức cho Công bán hóa đơn trái phép.
Ngoài ra, cơ quan điều tra làm rõ hành vi bán trái phép hóa đơn GTGT của bị cáo Nguyễn Văn Tuấn – giám đốc Công ty xuất nhập khẩu Bảo Tuấn, Nguyễn Thị Minh Châu (vợ Tuấn) và Nguyễn Thu Huyền. Theo đó, vợ chồng Tuấn sử dụng pháp nhân Công ty Bảo Tuấn để bán cho Huyền 103 hóa đơn GTGT khống ghi tổng số tiền hơn 42,5 tỷ đồng, thu lời bất chính khoảng 300 triệu đồng.
Còn Huyền bán lại hóa đơn GTGT khống cho Công ty Việt Panel và công ty khác với giá từ 8-8,5% để thu lời 150 triệu đồng.
Theo cáo buộc, bị cáo Lưu Đình Cải – giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Việt Panel đã có hành vi mua, sử dụng 34 hóa đơn bất hợp pháp để kê khai trốn thuế. Thông qua Nguyễn Thu Huyền, Cải mua hóa đơn của Công ty Bảo Tuấn với tổng số tiền ghi trên hóa đơn là hơn 3,1 tỷ đồng; tiền thuế GTGT là hơn 313 triệu đồng.
Cải đã sử dụng các hóa đơn này để kê khai chi phí đầu vào nhằm giảm số thuế Công ty Việt Panel phải nộp. Với hành vi trên, Cải trốn thuế số tiền hơn 260 triệu đồng. Hiện Cải đã nộp số tiền trên để khắc phục hậu quả.
Sau 1 ngày xét xử, tòa án xử phạt bị cáo Công 26 tháng tù. Các bị cáo còn lại bị phạt từ 10-20 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Bị cáo Cải bị phạt tiền 120 triệu đồng.