19:09 30/08/2023

Dùng công nghệ trong giải quyết hưởng bảo hiểm thất nghiệp để tránh trục lợi

Nhật Dương

Nhằm giúp người lao động làm thủ tục hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp nhanh chóng, thuận lợi hơn, các chuyên gia cho rằng việc ứng dụng công nghệ thông tin là vô cùng cần thiết; đồng thời sẽ giúp hạn chế gian lận, trục lợi bảo hiểm thất nghiệp…

Người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Hà Nội. Ảnh - N.Dương.
Người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Hà Nội. Ảnh - N.Dương.

Trong quá trình làm thủ tục thụ hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp, nhiều người lao động vẫn gặp khó khăn trong hoàn thiện hồ sơ, có trường hợp chưa hiểu rõ quy định nên chậm được giải quyết chế độ.

GIẢM BỚT KHÓ KHĂN, TIẾT KIỆM THỜI GIAN

Chia sẻ với những khó khăn của người lao động khi đến làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp, hiện các Trung tâm Dịch vụ việc làm đã thực hiện tiếp nhận hồ sơ của người lao động qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia, giúp giảm bớt khó khăn, thủ tục nhanh gọn hơn, giảm thiểu việc phải đi lại.

Tại Hà Nội, bà Vũ Thị Thanh Liễu, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, trong 7 tháng năm 2023, đơn vị này đã tiếp nhận 16.000 hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động được nộp qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia.

Còn theo số liệu của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến tháng 8, cơ quan này cũng đã tiếp nhận từ Cổng Dịch vụ công Quốc gia để xác nhận và trả quá trình đóng bảo hiểm xã hội cho hơn 216.300 trường hợp phục vụ giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động.

Theo bà Vũ Thị Thanh Liễu, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp là vô cùng cần thiết, đồng thời sẽ giúp hạn chế trục lợi, gian lận bảo hiểm thất nghiệp.

Cụ thể, phần mềm bảo hiểm thất nghiệp giúp quản lý các nghiệp vụ trong quá trình giải quyết bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động; giúp cho công tác quản lý, thống kê, báo cáo luôn được chính xác và kịp thời. Còn người lao động tiết kiệm được thời gian, giảm chi phí, góp phần giảm giấy tờ thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ người lao động, thực hiện cải cách cách đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Tuy nhiên, bà Liễu cũng cho rằng phần mềm bảo hiểm thất nghiệp mà Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, cũng như một số Trung tâm Dịch vụ việc làm trong cả nước tác nghiệp, thì vẫn còn nhiều hạn chế về thiếu chức năng thao tác, hay xảy ra sự cố.

Nhất là từ thời điểm ngày 21/6/2022 cho đến ngày 7/4/2023 (gần 1 năm), phần mềm tác nghiệp bảo hiểm thất nghiệp bị sập, không thể thực hiện được, toàn bộ dữ liệu đã thực hiện lưu trên hệ thống bị mất, không thể tra cứu, phải thao tác thủ công trên file Excel nên Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cũng như các Trung tâm Dịch vụ việc làm khác đã gặp rất nhiều khó khăn trong công tác tiếp nhận hồ sơ người lao động như: Không kiểm trùng được hồ sơ người lao động nếu đã có các lần hưởng trước, không lọc trùng được người lao động đã nộp hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp trước đó hay chưa…

HOÀN THIỆN CÔNG CỤ HỖ TRỢ GIẢI QUYẾT CHÍNH SÁCH BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP

Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đánh giá việc xử lý thao tác các nghiệp vụ hoàn toàn thủ công, dẫn đến tốn rất nhiều nhân lực, thời gian của cán bộ nghiệp vụ, hơn nữa tính chính xác sẽ không cao.

“Chính vì những khó khăn này, mà tính ứng dụng công nghệ thông tin vào thực tế thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp chưa cao, chưa đạt hiệu quả tối ưu”, bà Liễu nói.

Theo bà Liễu, đối với các đơn vị trực tiếp tiếp nhận hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động và tiến hành thẩm định, tham mưu các quyết định liên quan đến giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp, thì hiện các Trung tâm Dịch vụ việc làm đang rất cần được hỗ trợ sử dụng ứng dụng phần mềm bảo hiểm thất nghiệp để tính đúng, đủ hiệu quả và chính xác hơn.

Cũng nhấn mạnh đến việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp, bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học, Lao động và Xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) nêu thực tế hiện lao động thất nghiệp đã sử dụng công nghệ thông tin khi nhận trợ cấp thất nghiệp, nhưng còn các hoạt động khác như kết nối việc làm, đào tạo nghề thì cổng thông tin trực tuyến chưa bao quát hết được. “Việc đào tạo rất quan trọng khi lao động mất việc nhưng hoạt động này lại bị coi nhẹ”, bà Hương nhìn nhận.

Chuyên gia cũng cho rằng, trong bối cảnh đang đang sửa đổi pháp luật về bảo hiểm xã hội, mối quan hệ giữa doanh nghiệp với người lao động cần được gắn kết hơn nữa. Vì thế, cần thiết phải có công nghệ để theo dõi quá trình thực hiện của doanh nghiệp, không để xảy ra tình trạng vi phạm chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm, trong đó có bảo hiểm thất nghiệp mới xử phạt.