16:00 14/02/2025

Đừng để các nghệ sĩ phải tự lo bán vé!

Trịnh Nguyễn

Ngày nay, văn hoá nghệ thuật đã và đang sống trong cơ chế thị trường. Và các nghệ sĩ muốn có thu nhập xứng đáng với công sức đã bỏ ra thì đương nhiên, suất diễn của họ phải bán được vé...

Vở xiếc "Vùng đất kỳ bí" - sản phẩm mới nhất của Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam - đã "cháy" vé tất cả các suất diễn trong dịp Tết Ất Tỵ vừa qua.
Vở xiếc "Vùng đất kỳ bí" - sản phẩm mới nhất của Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam - đã "cháy" vé tất cả các suất diễn trong dịp Tết Ất Tỵ vừa qua.

Đây là việc không dễ thực hiện khi mà các sân khấu nghệ thuật phải cạnh tranh khốc liệt với truyền hình, điện ảnh… và vô số các hoạt động giải trí khác có thể thu hút được nhiều người tham gia.

CUỘC CHIẾN CẠNH TRANH CỦA SÂN KHẤU NGHỆ THUẬT

Ngày nay, các đài truyền hình trong cả nước đều phát sóng với thời lượng 24/24 giờ mỗi ngày. Nhờ đó, toàn dân đều được xem miễn phí rất nhiều chương trình. Vào khung giờ vàng vào buổi tối, các nhà đài đều phát các bộ phim truyện truyền hình nhiều tập và vì thế, các sân khấu nghệ thuật sẽ không dễ kéo được khán giả đến với mình. Nhất là với nhiều người, khi đã bị các bộ phim này lôi cuốn thì không dễ gì dứt ra để hôm sau bỏ tiền ra rạp.

Không chỉ có truyền hình, hệ thống chiếu bóng cũng là đối thủ cạnh tranh với các sân khấu nghệ thuật. Các hệ thống rạp chiếu phim ở các đô thị lớn như Hà Nội và TPHCM luôn có được một số lượng khán giả đông đảo. Khác với các sân khấu nghệ thuật phải đầu tư không nhỏ cho diễn viên, đạo diễn, kỹ thuật… hệ thống chiếu bóng chỉ cần mua bản quyền các bộ phim rồi tổ chức bán vé trực tiếp và trực tuyến là có thể thu bộn tiền với khán giả đến rạp.

Một cảnh trong vở hài kịch "Mặc cha sự đời" tại Nhà hát kịch Việt Nam.
Một cảnh trong vở hài kịch "Mặc cha sự đời" tại Nhà hát kịch Việt Nam.

Về cơ bản, giá vé để xem biểu diễn nghệ thuật thường đắt hơn so với xem phim ở rạp. Và các đoàn nghệ thuật, các nhà hát cũng còn phải chi trả cho rất nhiều khâu về biểu diễn và kỹ thuật đi kèm. Vì thế, nếu không thực hiện marketing một cách bài bản và có công nghệ bán vé trực tuyến thì cũng không dễ kéo được khán giả đến rạp để xem.

Thêm nữa là việc kéo được khán giả đến rạp thì về bản chất đó cũng là vấn đề kinh tế. Và nếu như không có bàn tay của các chuyên gia kinh tế am hiểu nghệ thuật thì việc bán vé cho khán giả sẽ không dễ thành công được. Và về cơ bản, cần phải làm sao để các nghệ sĩ yên tâm tập trung vào biểu diễn chứ không thể để họ phải tự lo bán vé.

Tất nhiên, với nhiều đoàn nghệ thuật và nhà hát, họ cũng đã có những sự chủ động để tiếp thị với các cơ quan, doanh nghiệp… để có thể bán được vé với số lượng lớn thay vì bán lẻ tại rạp. Song cần phải nhìn thẳng vào thực tế là chắc chắn không có nhiều nghệ sĩ có đủ trình độ và tư duy kinh tế để lo được việc bán vé cho đoàn nghệ thuật và nhà hát của chính mình.

Cho dù trên thực tế cũng có những nghệ sĩ có thu nhập rất cao bởi họ là những người nổi tiếng, có thể tận dụng danh tiếng để làm thêm các công việc kinh doanh bên ngoài. Song về bản chất, họ hoàn toàn không thể có đủ trình độ về kinh tế, thương mại để lo được cho việc bán vé thành công với đông đảo khán giả nói chung.

CẦN CÓ NGƯỜI BÁN HÀNG CHUYÊN NGHIỆP

Về cơ bản, các đoàn nghệ thuật và nhà hát ở Việt Nam ngày nay đều không thể không đầu tư làm website để quảng bá về hoạt động của mình thông qua không gian số. Tuy nhiên, việc rất cần là phải làm sao có cả việc bán vé trực tuyến thì gần như chưa có vì giá thành đầu tư chắc chắn là rất đắt và không phải đơn vị nào cũng có đủ tiềm lực tài chính để thuê, mua giải pháp.

Một phân cảnh trong vở kịch "Nghêu Sò Ốc Hến" được thể hiện bằng hình thức múa rối người mới lạ.
Một phân cảnh trong vở kịch "Nghêu Sò Ốc Hến" được thể hiện bằng hình thức múa rối người mới lạ.

Vì thế, nên chăng các nhà cung cấp giải pháp về bán vé trực tuyến đã thực hiện thành công với các hệ thống chiếu bóng nên có sự chủ động hợp tác với các đoàn nghệ thuật và nhà hát trên tinh thần bình đẳng, cùng có lợi giữa hai bên.

Không chỉ có vậy, một lần nữa, phải nhắc lại quan điểm “Đừng để các nghệ sĩ phải tự lo bán vé”. Ngày nay, chúng ta đang nói nhiều về Công nghiệp Văn hoá và một khi đã là công nghiệp thì mọi việc đều phải được tổ chức một cách bài bản và chuyên nghiệp. Tức là phải có chuyên gia kinh tế am hiểu về nghệ thuật trong cơ cấu nhân sự của các đoàn nghệ thuật và nhà hát để lo việc này. Thậm chí hoàn toàn có thể đặt niềm tin để các chuyên gia này đứng hẳn ở vị trí giám đốc với các đoàn nghệ thuật và nhà hát giống như thực tế ở không ít nhà xuất bản.

Riêng với các loại hình nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo, cải lương… nếu kết hợp được với du lịch thì sẽ hết sức lý tưởng. Nên chăng, đại diện cho các đoàn nghệ thuật và nhà hát thì Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cần sớm xúc tiến hợp tác với Hiệp hội Du lịch Việt Nam để làm sao trong chương trình của các tour du lịch phải có việc cho khách du lịch tiếp cận với sân khấu nghệ thuật truyền thống.

Khán giả hào hứng với vở kịch "Người lạ hoàn hảo" tại Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam.
Khán giả hào hứng với vở kịch "Người lạ hoàn hảo" tại Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam.
Đừng để các nghệ sĩ phải tự lo bán vé! - Ảnh 1

Đến đây, có một câu hỏi cần phải đặt ra là ai sẽ có thể là người bán hàng chuyên nghiệp cho các đoàn nghệ thuật và nhà hát? Cùng với đó, ai sẽ phải có trách nhiệm đào tạo ra đội ngũ này? Chắc chắn, đó là điều không thể trông chờ với các trường đại học và cao đẳng về văn hoá, nghệ thuật, mà phải có sự vào cuộc của các trường đại học và cao đẳng về kinh tế, thương mại.

Hoàn toàn có thể tin tưởng rằng đội ngũ sinh viên nổi lên trong các phong trào văn nghệ ở môi trường này chắc chắn sẽ quan tâm và thậm chí đầy nhiệt huyết nếu được hướng đạo đến thị trường biểu diễn nghệ thuật hết sức có tiềm năng này.

Tuy nhiên, mọi việc có lẽ vẫn còn ở phía trước và bên cạnh những sự chủ động của các trường đại học và cao đẳng về kinh tế, thương mại cho sự nghiệp này thì Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm ngồi lại với nhau để sớm cho những chỉ đạo chính thức với các trường cho việc đào tạo nguồn nhân lực về kinh tế, thương mại với thị trường biểu diễn nghệ thuật nước nhà.