Duy trì chính sách có lợi cho doanh nghiệp, người dân khi sáp nhập Hải Phòng, Hải Dương
Cả hai địa phương cần chủ động phối hợp với các cơ quan Trung ương đẩy mạnh triển khai các dự án hạ tầng chiến lược cũng như nghiên cứu các quy hoạch xây dựng, quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của Hải Phòng và Hải Dương để đề xuất các dự án hạ tầng chiến lược về giao thông, công nghiệp, đô thị, biến lợi thế của cả 2 địa phương thành động lực phát triển mới...

Tại Hội nghị Thành ủy lần thứ 19 diễn ra vào chiều ngày 09/04, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu cho biết thành phố Hải Phòng sẽ hợp tác với Hải Dương để xây dựng và hoàn thiện văn kiện Đại hội Đảng bộ thành phố, nghiên cứu các phương án nhằm duy trì chính sách ưu việt, mang lại lợi ích cho người dân và doanh nghiệp tại hai địa phương.
Theo đó, Hải Phòng và Hải Dương sẽ tổng hợp, thống kê các cơ chế đặc thù đang được HĐND của mỗi địa phương phê duyệt cho từng ngành, lĩnh vực. Mục tiêu cuối cùng hướng đến việc chủ động đề xuất phương án xử lý sau sáp nhập, đảm bảo phù hợp với chỉ đạo của Trung ương. Quan điểm là chính sách nào ưu việt hơn, có lợi hơn cho cả người dân và doanh nghiệp thì sẽ tiếp tục được duy trì để người dân ở hai tỉnh, thành phố này đều được hưởng những kết quả tích cực từ việc sáp nhập.
Bên cạnh đó, Bí thư Thành uỷ Hải Phòng đề nghị cả hai địa phương cần chủ động phối hợp với các cơ quan Trung ương đẩy mạnh triển khai các dự án hạ tầng chiến lược cũng như nghiên cứu các quy hoạch xây dựng, quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của Hải Phòng và Hải Dương để đề xuất các dự án hạ tầng chiến lược về giao thông, công nghiệp, đô thị, biến lợi thế của cả 2 địa phương thành dư địa, động lực phát triển mới của thành phố trong tương lai.
Đồng thời, giao Đảng ủy UBND thành phố chủ động nghiên cứu, đề xuất phương án bảo đảm cơ sở vật chất, điều kiện làm việc (trụ sở, nhà ở, chế độ chính sách…) cho các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức sau khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã.
Với số lượng đầu mối cấp xã trực thuộc thành phố rất lớn, ông Lê Tiến Châu đề nghị Đảng ủy UBND thành phố khẩn trương nghiên cứu, có giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, thông tin, báo cáo và phối hợp giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị thành phố bảo đảm thông suốt, hiệu quả, kịp thời.
Bí thư Thành ủy nêu rõ, Hải Phòng đang bước vào quý II/2025 với nhiều sự kiện có ý nghĩa lịch sử, mang tính quyết định, tác động trực tiếp đến định hướng và chiến lược phát triển thành phố và đất nước trong nhiều giai đoạn tiếp theo. Với vai trò là trung tâm công nghiệp, cảng biển, logistics trọng điểm của miền Bắc và cả nước, thành phố phải đi trước một bước, hành động nhanh hơn một nhịp. Đây là cơ hội để Hải Phòng định hình lại chiến lược phát triển, không chạy theo tăng trưởng bằng mọi giá, mà ưu tiên chất lượng, chiều sâu và tính bền vững.
Do đó, thời gian tới, thành phố cần trung phát triển Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng theo đúng định hướng xanh, sinh thái, trở thành điểm đến lý tưởng của doanh nghiệp công nghệ cao; Hoàn thiện Đề án thành lập Khu thương mại tự do thế hệ mới để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trong tháng 8/2025; Tích cực làm việc các nhà đầu tư tiềm năng đề xuất các dự án chiến lược; thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số toàn diện.
Phấn đấu trong năm 2025 giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính; giảm ít nhất 30% chi phí kinh doanh; 100% thủ tục hành chính được thực hiện không phụ thuộc vào địa giới hành chính trong phạm vi cấp tỉnh theo chỉ đạo của Tổng Bí thư.
Cùng với đó, khẩn trương hoàn thiện Đề án chuyển đổi xanh thành phố Hải Phòng giai đoạn 2025 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tập trung các giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp của Hải Phòng nói riêng và Việt Nam nói chung phát triển đoàn kết, đông đảo và lớn mạnh, tăng cường khả năng kết nối với doanh nghiệp FDI, đủ sức tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, cạnh tranh sòng phẳng với doanh nghiệp quốc tế. Tăng cường các hoạt độngxúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các thị trường đa dạng, có nhiều tiềm năng như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN, Nga.
Bí thư Thành uỷ Hải Phòng khẳng định, thành phố sẽ dồn toàn bộ nguồn lực, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ kép, vừa sắp xếp tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp, vừa bảo đảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế 12,5% của năm 2025, hướng đến mục tiêu tăng trưởng 15,65% của giai đoạn 2026 - 2030.