01:18 14/06/2010

FDI tháng 5 vào Trung Quốc “nhảy vọt”

Dương Lâm

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Trung Quốc tháng 5/2010 tăng trưởng tháng thứ 10 liên tiếp

FDI tháng 5/2010 của Trung Quốc tăng 27,48% - Ảnh: Reuters.
FDI tháng 5/2010 của Trung Quốc tăng 27,48% - Ảnh: Reuters.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Trung Quốc tháng 5/2010 tăng trưởng tháng thứ 10 liên tiếp. Bloomberg nhận định, đây là một dấu hiệu nữa cho thấy, kinh tế Trung Quốc vẫn tăng trưởng tốt bất chấp khủng hoảng nợ châu Âu.

Tờ People’s Daily dẫn lời phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc, Diêu Kiện, cho hay FDI tháng 5/2010 tăng 27,48% lên mức 8,13 tỷ USD, nâng tổng vốn FDI của cả 5 tháng đầu năm 2010 lên 38,9 tỷ USD, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Diêu cho biết, trong 5 tháng đầu năm, FDP chủ yếu chảy vào khu vực sản xuất, chiếm tới 47,32% tổng số nguồn vốn, tuy giảm 3,85% về số lượng. Vốn FDI chảy vào khu vực dịch vụ tăng 32,05% so với cùng kỳ năm trước, trong khi vào các lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp tăng tới 85,49%.

Trong thời gian này, Trung Quốc đã cho phép thành lập hơn 9.600 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tăng 22,15% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ riêng tháng 5, đã có hơn 2.100 doanh nghiệp loại này được cấp phép, tăng 29,29% so với cùng kỳ.

Hãng tin Bloomberg nhận định, các con số trên cùng với việc xuất khẩu Trung Quốc tháng 5/2010 tăng trưởng mạnh nhất trong 6 năm, cho thấy khủng hoảng nợ châu Âu chưa cản đà phục hồi của kinh tế Trung Quốc.

Tuy nhiên, phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc cho rằng, trong những tháng tới, những tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu đối với xuất khẩu của Trung Quốc sẽ ngày càng nghiêm trọng.

Trong bối cảnh thị trường nước ngoài phục hồi chậm chạp và nhập khẩu của Trung Quốc tăng khá nhanh, quy mô xuất siêu của Trung Quốc trong năm nay sẽ tiếp tục giảm sau khi đã giảm hơn 100 tỷ USD hồi năm ngoái.

Ông Diêu cũng tái khẳng định, vấn đề tỷ giá hối đoái đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc, không phải là yếu tố căn bản để giải quyết vấn đề nhập siêu của Mỹ.

Trước đó, hôm 10/6, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Timothy Geithner cho rằng, đồng Nhân dân tệ là rào cản đối với quá trình tái cân bằng nền kinh tế thế giới. Điều này cho thấy, Mỹ đang mất dần kiên nhẫn đối với chính sách tiền tệ của Trung Quốc.