09:54 17/09/2008

FED bất ngờ tiếp quản AIG

Kiều Oanh

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đột ngột công bố quyết định sẽ tiếp quản tập đoàn bảo hiểm lớn nhất nước Mỹ

Logo của AIG trên nóc tòa tháp AIG tại Hồng Kông. Tập đoàn bảo hiểm này có 1.100 tỷ USD tài sản và 74 triệu khách hàng trên toàn thế giới - Ảnh: Reuters.
Logo của AIG trên nóc tòa tháp AIG tại Hồng Kông. Tập đoàn bảo hiểm này có 1.100 tỷ USD tài sản và 74 triệu khách hàng trên toàn thế giới - Ảnh: Reuters.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đột ngột công bố quyết định sẽ tiếp quản tập đoàn bảo hiểm lớn nhất nước Mỹ là American International Group (AIG), để cứu “người khổng lồ” này khỏi rơi vào bi kịch như Lehman Brothers.

Theo quyết định được đưa cách đây khoảng hơn 1 giờ đồng hồ này, FED sẽ nắm giữ 80% cổ phần của AIG và đổi lại, cung cấp cho tập đoàn này một khoản vay lên tới 85 tỷ USD trong vòng 2 năm để giúp AIG giải quyết vấn đề thanh khoản.

Giới quan sát nhận định, AIG là hãng bảo hiểm quá lớn và có ảnh hưởng quá sâu rộng trong hệ thống tài chính Mỹ nói riêng và ngành tài chính toàn cầu nói chung, do đó, các nhà chức trách Mỹ không thể không ra tay đưa tập đoàn này thoát khỏi nguy cơ phá sản. Theo hãng tin CNN, AIG có 1.100 tỷ USD tài sản và 74 triệu khách hàng trên toàn thế giới.

“Nếu AIG sụp đổ, sự kiện này có thể khiến thị trường tài chính chao đảo mạnh hơn và đẩy lãi suất cho vay cao hơn, làm hao hụt tài sản của các hộ gia đình và tác động xấu tới tăng trưởng kinh tế”, FED nhận định.

Theo nhà phân tích Robert Bolton, Giám đốc điều hành công ty tư vấn Mendon Capital Advisors của Mỹ, nếu AIG sụp đổ, những tác động của vụ này tới hệ thống tài chính toàn cầu sẽ là “vô tiền khoáng hậu”. Lý do là AIG là một tập đoàn hàng đầu trên thị trường bảo hiểm hoán đổi khả năng vỡ nợ tín dụng (CDS), cũng như một nhà cung cấp lớn dịch vụ bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm thương vong và bảo hiểm niên kim.

Có thể nói, vụ giải cứu AIG là một động thái gây bất ngờ lớn nhất của các cơ quan chức năng Mỹ tính tới thời điểm này của cuộc khủng hoảng tín dụng. Cuộc khủng hoảng này không chỉ khiến ba ngân hàng đầu tư ở Phố Wall là Bear Stearns, Lehman Brothers và Merrill Lynch tan rã, mà còn tác động rất mạnh tới các đối tượng khác trong ngành tài chính Mỹ. Từ đầu năm tới nay, đã có 11 ngân hàng thương mại ở Mỹ phá sản, đồng thời, khủng hoảng cũng không “tha” các công ty bảo hiểm, nhất là AIG.

Trước khi đưa ra quyết định bất ngờ nói trên, các nhà chức trách Mỹ đã từ chối cấp cho AIG khoản vay 40 tỷ USD theo đề nghị của tập đoàn này. FED hy vọng, Goldman Sachs và JPMorgan Chase sẽ cung cấp cho AIG một khoản vay từ 70 - 75 tỷ USD. Tuy nhiên, khi nhận thấy, một khoản vay như vậy từ phía hai tập đoàn trên là “không tưởng”, FED đã phải ra tay hành động gấp.

“Chúng tôi đang làm việc với FED, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch và các cơ quan chức năng khác để tăng cường tính ổn định và trật tự của thị trường tài chính, cũng như giảm thiểu tác động xấu của tình hình hiện nay tới nền kinh tế. Tôi ủng hộ các bước tiến của FED nhằm hỗ trợ AIG”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Henry Paulson phát biểu.

(Theo CNN, AP)