17:42 27/06/2022

Gần 270.000 doanh nghiệp sử dụng nền tảng số trong quý 2

Nhĩ Anh

Số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận, tham gia chương trình SMEdx tăng 59% trong quý 2/2022, đặc biệt số doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số SMEdx, tăng hơn 10 lần so với quý 1/2022...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bộ Thông tin và Truyền thông vừa cho biết, trong lĩnh vực kinh tế số, tỷ trọng kinh tế số trong GDP đang đạt khoảng 10,2%. Trong quý 2/2022, doanh thu dịch vụ nền tảng số và kinh doanh trực tuyến ước đạt 288.420 tỷ đồng.

Theo thống kê, trong quý 2/2022, số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận, tham gia chương trình SMEdx (Chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa) khoảng gần 270 nghìn doanh nghiệp, tăng 59% so với quý 1/2022. Đến nay đã có khoảng gần 34,77 nghìn doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số SMEdx, tăng hơn 10 lần so với quý 1/2022.

Lý giải về nguyên nhân của sự gia tăng mạnh số lượng doanh nghiệp này, Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng do bước sang quý 2/2022, Việt Nam trở lại trạng thái bình thường mới; các doanh nghiệp đã nhận thức được vai trò của các nền tảng trong cuộc sống. Sau thời gian tiếp cận và dùng thử các nền tảng, số lượng các doanh nghiệp sử dụng nền tảng số đã tăng vọt trong quý 2.

Cũng trong thời thời gian qua, nhiều địa phương như Thanh Hóa, Đồng Nai, Kiên Giang… đã ban hành Kế hoạch hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường học, cơ sở giáo dục và bệnh viện, cơ sở y tế.

Việc phát triển kinh tế số đã thay đổi hoàn toàn nhận thức, cách làm truyền thống của người dân, hộ gia đình về tiêu thụ sản phẩm trên không gian số, sàn thương mại điện tử, mở rộng không gian tiêu thụ sản phẩm từ bó hẹp trong địa bàn, trong huyện, trong tỉnh ra ngoại tỉnh, toàn quốc.

Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số qua các nền tảng số Việt Nam (Ảnh minh họa)
Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số qua các nền tảng số Việt Nam (Ảnh minh họa)

Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi số năm 2022 đã đặt ra một số mục tiêu thúc đẩy 63/63 tỉnh, thành phố xây dựng và triển khai kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số; 30 nền tảng số Make in Viet Nam tham gia Chương trình; 150.000 người tiếp cận Chương trình qua Cổng SMEdx.vn.

Cũng theo chương trình này, trong năm nay sẽ có 30.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số, giải pháp số để chuyển đổi số; 200.000 chủ doanh nghiệp nhỏ và vừa nhận được tin nhắn khuyến khích chuyển đổi số và giới thiệu Chương trình SMEdx; 15.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa được tư vấn đánh giá xác định mức độ chuyển đổi số; tổ chức Mạng lưới tư vấn kinh tế số và chuyển đổi số doanh nghiệp với 100 chuyên gia và 50 tổ chức.

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho biết, đến hết tháng 5/2022, Việt Nam có 66.800 doanh nghiệp công nghệ số, tăng 2.922 doanh nghiệp kể từ thời điểm cuối năm 2021. Đến ngày 14/6/2022, cả nước có 34/63 tỉnh, thành phố đã thành lập 27.218 Tổ công nghệ số cộng đồng với hơn 130 nghìn thành viên. Trên cả nước, đã có 12 tỉnh, thành phố hoàn thành 100% Tổ công nghệ số đến cấp xã là: Bắc Giang, Đà Nẵng, Lạng Sơn, Lai Châu, Hậu Giang, Hải Dương, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Yên Bái; Hưng Yên; Hải Phòng.

 
Theo Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ ban hành 31/3/2022, mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng kinh tế số đạt 20% GDP; Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; Tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt trên 10%. Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt trên 80%; Tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt trên 50%; Tỷ lệ nhân lực lao động kinh tế số trong lực lượng lao động đạt trên 2%.
Đến năm 2030, tỷ trọng kinh tế số đạt 30% GDP; Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%; Tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt trên 20%; Tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt trên 70%; Tỷ lệ nhân lực lao động kinh tế số trong lực lượng lao động đạt trên 3%.