15:03 09/04/2025

Tác hại của việc tập luyện thể thao quá sức

Hoài Phương

Mới đây, một phụ nữ sinh năm 1972 đã tử vong do đột quỵ khi tham gia giải chạy bộ tại Huế; chẩn đoán xuất huyết do vỡ phình mạch máu não. Trước đó, bệnh nhân được đưa vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng ngưng tuần hoàn hô hấp...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ngoài bệnh nhân nữ kể trên, Bệnh viện Trung ương Huế còn tiếp nhận thêm 3 trường hợp khác cũng nhập viện do gặp vấn đề sức khỏe khi tham gia giải chạy này. Đến nay, 2 bệnh nhân đã xuất viện về nhà, còn một trường hợp đang được theo dõi.

Đây không phải là lần đầu tiên có người gặp nạn khi tham gia các hoạt động thể thao. Cách đây ít lâu, một người đàn ông 41 tuổi (tiền sử tăng huyết áp nhưng không tuân thủ điều trị thường xuyên) bất ngờ ngã quỵ, mất ý thức sau khi rời sân tennis ít phút, được cấp cứu tại BV E trong tình trạng đã ngừng tim, ngừng thở. Cuối năm 2024, một người đàn ông 55 tuổi cũng được đưa vào BV E cấp cứu do đột quỵ khi đang chơi pickleball tại Hà Nội…

Bác sĩ Phan Vương Huy Đổng, Chủ tịch Liên chi hội Y học thể dục thể thao TP.HCM, nhận định khi luyện tập thể thao quá sức, cơ thể sẽ có các biểu hiện cấp tính như cảm giác mệt lả, khó thở, chóng mặt, buồn nôn, đau tức ngực... Về lâu dài có thể gây ra tác hại mãn tính như mệt mỏi kéo dài, mất ngủ, sụt cân do cơ thể mất năng lượng quá mức; chấn thương mãn tính, đột quỵ…

Tác hại của việc tập luyện thể thao quá sức - Ảnh 1

Bên cạnh đó, với các môn thể thao đòi hỏi có kháng lực như gym, sức bền như chạy bộ thì hệ cơ xương khớp đều chịu ảnh hưởng bởi các vi chấn thương. Đặc biệt không chỉ ảnh hưởng sức khỏe thể chất, mà còn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần. Tình trạng đau gân, đau cơ chủ yếu gây ra bởi quá trình viêm, nên quá trình này sẽ đồng thời tiết ra một số hormone làm tinh thần của người tập trở nên mệt mỏi và đốc thúc người tập phải nghỉ ngơi.

Theo bác sĩ Đổng, khi tập luyện thể thao, người tập cần xác định rõ mục tiêu của mình (muốn giảm cân, cải thiện sức khỏe, điều trị bệnh lý...) để có phương pháp luyện tập phù hợp. Đồng thời cần có đánh giá tình trạng sức khỏe, nếu có yếu tố rủi ro như bệnh lý tim mạch, xương khớp, béo phì... thì nên đi khám bác sĩ trước khi bắt đầu luyện tập. Đặc biệt là lắng nghe cơ thể, chú ý đến cảm giác của cơ thể khi luyện tập. Nếu cảm thấy không ổn thì nên ngừng ngay và tìm sự hỗ trợ y tế cần thiết.

Bác sĩ Đoàn Dư Mạnh, thành viên Hội Bệnh mạch máu Việt Nam, cảnh báo hiện nay một số người chỉ mới tập chạy được một thời gian đã đăng ký tham gia ngay các giải chạy cự ly dài 21 - 42km. Việc tham gia chinh phục ở một cự ly dài mà chưa có sự luyện tập trường kỳ trước đó khiến cơ thể không thể thích nghi với cường độ vận động cao. Điều này dễ dẫn tới những nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe.

Tác hại của việc tập luyện thể thao quá sức - Ảnh 2

Bác sĩ Đoàn Dư Mạnh cũng chỉ ra một sai lầm thường xuyên gặp ở nhóm chạy nghiệp dư là không bù đủ dinh dưỡng, nước và không kiểm soát tốc độ trong suốt quá trình chạy. “Sốc nhiệt do gắng sức hay gặp ở những người trẻ, khỏe mạnh, xảy ra sau phơi nhiễm với nhiệt độ môi trường tăng cao đi kèm với sự sinh nhiệt của cơ thể. Đây cũng là tình trạng thường gặp ở những người không chuyên khi tham gia các giải chạy marathon.

Gợi ý một giải chạy phong trào, chuyên gia này cho rằng, các đơn vị chỉ nên tổ chức với cự ly từ 5 - 10km. Với các cự ly 21 - 42km, người tham gia cần có sự tập luyện thực sự nghiêm túc và lâu dài. Trước khi tham gia các giải chạy đường dài, người tham gia cần kiểm tra sức khỏe tim mạch.

Không chỉ có nguy cơ chấn thương, các chuyên gia y tế cảnh báo, một hội chứng nguy hiểm có thể xảy ra do vận động quá sức khi tập thể dục là tiêu cơ vân. Mới đây, một cơ sở y tế ở Hà Nội đã ghi nhận trường hợp nam thanh niên 22 tuổi nhập viện trong tình trạng đau nhức toàn thân, tiểu ít và sậm màu sau ba ngày tập squat cường độ cao và được bác sĩ chẩn đoán bị tiêu cơ vân cấp.

Tác hại của việc tập luyện thể thao quá sức - Ảnh 3

BS Trần Nam Chung Khoa Cơ Xương Khớp, Bệnh viện E cho biết, tiêu cơ vân cấp là tình trạng tối cấp cứu bởi có thể ảnh hưởng rất nhiều đến các cơ quan nội tạng và để lại những di chứng nặng nề, thậm chí đe dọa tính mạng.

“Nếu chúng ta tập luyện cường độ cao hay khi tình trạng sức khỏe không đảm bảo hoặc vượt quá ngưỡng chịu đựng của cơ thể sẽ gây ra thiếu oxi bên trong các tế bào cũng như dẫn đến tình trạng thiếu nước, mất cân bằng điện giải trong cơ thể. Từ đó có thể dẫn đến các chấn thương như rách màng cơ, rách bao gân, bao cơ hoặc nặng hơn nữa thì gây vỡ tế bào cơ.

Việc các tế bào cơ bị vỡ sẽ giải phóng các men ở bên trong tế bào vào máu và khiến hệ tuần hoàn bị quá tải. Tiếp theo sẽ xảy ra rất nhiều hệ lụy như là bị đau cơ hoặc nguy hiểm hơn có thể gây ra suy thận cấp, sốc, nhồi máu cơ tim, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng”, BS Trần Nam Chung giải thích. 

Nếu đã tập luyện lâu ngày và thường xuyên thì việc đau mỏi cơ là một dấu hiệu cần lưu ý. Nếu thấy đau mỏi cơ kéo dài, vượt quá sức chịu đựng, gây sưng, phù nề các cơ, có thể có các biểu hiện kèm theo như là nước tiểu sẫm màu, đậm đặc, mệt mỏi, chóng mặt, choáng ngất... thì phải đến ngay cơ sở y tế, BS Trần Nam Chung nhấn mạnh.

Nhiều người thường nghĩ chỉ những môn thể thao cường độ cao, đòi hỏi gắng sức nhiều mới dẫn đến nguy cơ tiêu cơ vân cấp. Song bác sĩ Trần Nam Chung cho rằng, bất cứ môn thể thao nào cũng có thể gây ra hội chứng này nếu chúng ta tập luyện vượt quá ngưỡng chịu đựng của cơ thể. Đặc biệt, những người có bệnh lý nền như đái tháo đường, bệnh về nội tiết, bệnh lý tuyến giáp thì các thuốc điều trị bệnh cũng làm tăng nguy cơ tế bào bị phá vỡ ngay cả khi vận động ở mức trung bình.

Tác hại của việc tập luyện thể thao quá sức - Ảnh 4

Hướng dẫn cấp cứu khẩn cấp, PGS.TS.BS Hoàng Bùi Hải, Trưởng Khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết khi phát hiện người có dấu hiệu mệt lả khi tập luyện thể thao, cần nhanh chóng đưa người đó ra nơi thoáng, đánh giá xem còn tỉnh táo hay không.

Nếu người này không tỉnh, không thấy dấu hiệu còn thở như phập phồng ngực, bụng thì xem như đã ngừng tuần hoàn. Cần tiến hành ngay hồi sinh tim phổi (ép tim ngoài lồng ngực kết hợp thổi ngạt). "Đặt tay lên giữa ngực, vị trí ép đúng là ½ dưới xương ức hoặc giữa hai núm vú, hai tay chồng lên nhau ép mạnh với tần số khoảng 100 - 120 lần/phút, lực ép mạnh để lồng ngực lún xuống 5cm. Ép tim ngoài lồng ngực phải được làm liên tục cho đến khi lực lượng y tế đến hiện trường.

Song song với việc sơ cấp cứu ngừng tuần hoàn, cần gọi cấp cứu 115 bằng cách hô to yêu cầu mọi người xung quanh giúp đỡ. Nếu chỉ có 1 mình, cần bật chế độ loa ngoài để trao đổi thông tin và được hướng dẫn liên tục khi đang hỗ trợ nạn nhân", BS Hải hướng dẫn. Với những trường hợp bệnh nhân vẫn tỉnh táo, nhận biết được xung quanh, sau khi nghỉ ngơi, nếu người bệnh tỉnh nhưng vẫn yếu, mệt lâu, mệt khác thường, hay có hồi phục nhưng không hoàn toàn, thì cần được đưa đến thăm khám tại cơ sở y tế.