16:01 09/06/2022

Giá dầu leo thang và cuộc “hồi sinh” ngoạn mục của cổ phiếu ExxonMobil

An Huy

Từng bị nhà đầu tư "ghẻ lạnh", cổ phiếu ExxonMobil đang tăng giá chóng mặt cùng với đà tăng của giá dầu...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Trong suốt nhiều năm, ExxonMobil trầy trật thu hút nhà đầu tư, khi mối lo về cuộc khủng hoảng khí hậu và sự chỉ trích nhằm vào chiến lược kinh doanh của “đế chế” dầu lửa này khiến nhà đầu tư ngần ngại. Giờ đây, theo trang CNN Business, cổ phiếu ExxonMobil đang có một cuộc trỗi dậy đầy ngoạn mục.

Trong phiên giao dịch ngày thứ Ba tuần này, giá cổ phiếu Exxon vượt qua ngưỡng 100 USD/cổ phiếu lần đầu tiên kể từ năm 2014. Được hỗ trợ bởi đà tăng của giá dầu, cổ phiếu này đã tăng gần 70% từ đầu năm đến nay, trong khi chỉ số S&P 500 của thị trường chứng khoán Mỹ giảm khoảng 13%.

“Nếu bạn đang ở trong một thị trường có giá dầu tăng, lẽ dĩ nhiên cổ phiếu của những công ty lớn nhất, an toàn nhất và liên quan nhiều nhất đến mặt hàng đó sẽ được ‘thèm muốn’”, nhà phân tích Oswald Clint của Bernstein nhận định.

Đã có lúc, cổ phiếu Exxon nằm ngoài tầm với của nhiều nhà đầu tư ở Phố Wall. Năm 2013, Exxon là công ty đắt giá nhất thế giới. Nhưng sau đó, một loạt quyết định kinh doanh sai lầm đã khiến công ty lao đao, từ đặt cược vào khí đốt ở đúng đỉnh cho tới chậm chân trong thời kỳ bùng nổ khai thác dầu đá phiến ở Mỹ.

Exxon cũng gặp khó khi giới đầu tư lo ngại về việc các công ty năng lượng Mỹ vay nợ quá nhiều, và cả khi các công ty này cắt giảm đặt cược vào năng lượng hoá thạch nhằm thích ứng với cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Năm 2020, Exxon bị loại khỏi chỉ số công nghiệp Dow Jones sau 92 năm là thành viên của “câu lạc bộ” blue-chip này.

“Đây là một sự công nhận rằng lĩnh vực năng lượng không còn giữ được ảnh hưởng như trước nữa”, một báo cáo của CFRA Research nhận định ở thời điểm đó.

Nhưng sau đó, sự phục hồi kinh tế toàn cầu gây áp lực lên chuỗi cung ứng dầu lửa, và giá nhiên liệu tăng vọt. Quyết định cấm vận dầu Nga của phương Tây khiến thị trường dầu càng thắt chặt hơn. Và tình trạng này mang đến cơ hội lớn cho những công ty như Exxon. Trong quý 1 năm nay, lợi nhuận của Exxon tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 5,5 tỷ USD.

Giá dầu thế giới có thể tiếp tục tăng cao hơn, mang lại lợi ích cho Exxon. Trong một báo cáo cách đây ít ngày, Goldman Sachs dự báo giá dầu toàn cầu sẽ bình quân 140 USD/thùng trong quý 3 năm nay, từ mức 125 USD/thùng đưa ra trong lần dự báo trước.

“Đà tăng trưởng lợi nhuận này sẽ mạnh”, ông Clint nói. Ngân hàng JPMorgan Chase còn đề cập đến một yếu tố tích cực khác là Exxon đã có nhiều nỗ lực giảm nợ.

Tuy nhiên, giới phân tích cũng cảnh báo về việc những nhà đầu tư khao khát tìm lợi nhuận trong một thị trường khó đoán biết đang bị hấp dẫn bởi lĩnh vực năng lượng. Và đúng là các công ty dầu khí sẽ hưởng lợi từ tình hình hiện nay. Tuy nhiên, trong dài hạn, các công ty sản xuất năng lượng hoá thạch vẫn có thể đối mặt thách thức lớn khi các quốc gia đẩy mạnh nỗ lực nhằm đạt mục tiêu khí thải.

Năm ngoái, quỹ phòng hộ Engine No. 1 đã thành công trong việc buộc Exxon phải cắt giảm dấu ấn carbon. Kể từ đó, công ty này đã cam kết chi 15 tỷ USD để đầu tư vào việc giảm khí thải trong thời gian đến năm 2027.

“Nhà đầu tư nên thận trọng”, ông Clint nói. “Tôi cho rằng hướng đầu tư vẫn sẽ là thúc đẩy các chiến lược phù hợp với cuộc chiến chống biến đổi khí hậu”.

Một câu hỏi mà nhiều nhà phân tích đặt ra lúc này là liệu “cơn sốt” cổ phiếu dầu khí có pha loãng những tham vọng về chống biến đổi khí hậu, trong khi đây đang là một vấn đề cần triển khai cấp bách. Khi giá cổ phiếu dầu khí tăng, các nhà đầu tư có động lực để rót tiền vào các công ty năng lượng truyền thống và cho phép các công ty này trì hoãn các mục tiêu khí hậu. Tại đại hội cổ đông thường niên của Exxon năm nay, cổ đông đã ủng hộ kế hoạch khí hậu của công ty thay vì đòi hỏi hành động tham vọng hơn.