Giá dầu tăng 8% tuần này
Hy vọng về việc sớm có vaccine phòng Covid-19 đã đưa giá “vàng đen” có tuần tăng giá thứ hai liên tiếp
Giá dầu thế giới giảm khá mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu do sức ép từ sản lượng dầu gia tăng của Libya, cộng thêm mối lo về dịch Covid-19 diễn biến phức tạp có thể cản trở sự phục hồi kinh tế toàn cầu và nhu cầu tiêu thụ năng lượng.
Tuy nhiên, hy vọng về việc sớm có vaccine phòng Covid-19 đã đưa giá "vàng đen" có tuần tăng giá thứ hai liên tiếp.
Lúc đóng cửa, giá dầu Brent giao sau tại thị trường London giảm 0,75 USD/thùng, tương đương giảm 1,7%, còn 42,78 USD/thùng. Tại thị trường New York, giá dầu WTI giao sau giảm 0,99 USD/thùng, tương đương giảm 2,4%, còn 40,13 USD/thùng.
Tính cả tuần, cả dầu Brent và WTI đều đạt mức tăng hơn 8%.
Nguồn tin từ ngành dầu lửa Libya tiết lộ với hãng tin Reuters rằng sản lượng dầu của nước này đã tăng lên mức 1,2 triệu thùng/ngày, từ mức 1 triệu thùng/ngày mà Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Libya công bố hôm 7/11.
Dấu hiệu cho thấy sản lượng dầu của Mỹ tăng cũng gây áp lực giảm giá dầu phiên này. Dữ liệu từ Baker Hughes cho thấy số giàn khoan dầu hoạt động ở Mỹ tuần này tăng thêm 10 giàn, lên con số 236 giàn, mức cao nhất từ tháng 5.
Ngoài ra, số liệu từ Bộ Năng lượng Mỹ cho thấy lượng dầu thô tồn kho của nước này tăng 4,3 triệu thùng trong tuần trước, vượt xa mức dự báo tăng 913.000 thùng mà giới phân tích đưa ra trước đó.
"Nhìn chung, tâm lý lạc quan về vaccine phòng Covid-19 của Pfizer đã giảm đi, trong khi số liệu của Bộ Năng lượng Mỹ tạo ra sức ép giảm đối với giá dầu", ông Harry Tchilinguirian, trưởng bộ phận nghiên cứu hàng hóa cơ bản của BNP Paribas, nhận định.
"Tuy nhiên, OPEC+ sẵn sàng điều chỉnh sản lượng để hỗ trợ giá dầu và thị trường cũng đang chờ kết quả thử nghiệm các loại vaccine khác", ông Tchillinguirian nói.
Đầu tuần này, giá dầu tăng mạnh sau khi hãng dược phẩm Pfizer cho biết kết quả thử nghiệm giai đoạn 3 cho thấy vaccine ngừa Covid-19 của hãng đạt hiệu quả hơn 90%.
Dù vậy, số ca nhiễm Covid-19 mới hàng ngày ở Mỹ tiếp tục lập kỷ lục mới, nhiều nước châu Âu cũng phong tỏa trở lại để hạn chế tốc độ lây lan nhanh chóng của bệnh dịch. Thực tế này khiến nhiều người lo ngại rằng nền kinh tế toàn cầu và nhu cầu tiêu thụ năng lượng có thể phục hồi chậm hơn dự báo.
Hôm thứ Năm, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho rằng phải mất một thời gian trong năm 2021 thì nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu mới có thể nhận được một cú huých đáng kể từ vaccine phòng Covid-19.
"Không có gì đáng ngạc nhiên khi giá dầu giảm trong ngày hôm nay, vì tương quan cung-cầu dầu đang ảm đạm", ông Bjornar Tonhaugen, trưởng bộ phận thị trường dầu thuộc Rystad, phát biểu. "Cán cân cung-cầu dầu cho thấy giá dầu cần phải giảm thêm trước khi tăng trở lại".
Theo thỏa thuận hiện tại của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh, tức nhóm OPEC+, đến tháng 1/2021 nhóm này sẽ nâng sản lượng trở lại. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng OPEC+ có thể sẽ tiếp tục cắt giảm sản lượng thêm một thời gian nữa trong năm 2021 nếu việc đó cần thiết để hỗ trợ giá dầu.