10:35 27/01/2010

Giá điện: “Chọn tăng thấp để xem sức chịu đựng thế nào”

Từ Nguyên

Giá điện của Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều nước nên việc tăng giá để thu hút đầu tư và ngang bằng là khó tránh khỏi

Thứ trưởng Bộ Công Thương Bùi Xuân Khu - Ảnh: Từ Nguyên.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Bùi Xuân Khu - Ảnh: Từ Nguyên.
Giá điện của Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều nước, nên việc tăng giá để thu hút đầu tư và ngang bằng khu vực là khó tránh khỏi. Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Công Thương Bùi Xuân Khu, khi nói về phương án tăng giá điện vừa được bộ này trình Chính phủ.

Ông Khu nói:

- Vừa rồi, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã trình chúng tôi 4 phương án tăng giá điện bình quân năm 2010, còn Cục Điều tiết điện lực đề xuất 3 phương án giá.

Sau khi xem xét, thậm định kỹ, chúng tôi đã trình Thủ tướng phương án thấp nhất, với giá điện bình quân năm 2010 nên tăng 4,91% so với giá hiện nay, tăng từ 948,5 đồng/kWh lên khoảng 1.019 đồng/kWwh.

Nếu được thông qua, thời điểm áp dụng dự kiến sẽ từ ngày 1/3/2010.

Khi nghiên cứu tăng giá điện, chúng tôi đã tham khảo ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan tham mưu khác cho Chính phủ, từ đó lựa chọn một mức tăng trên cơ sở ý kiến đồng ý đa số. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng báo cáo đầy đủ tới Thủ tướng các ý kiến khác để Thủ tướng xem xét.

Tăng thấp để tránh sốc

Thưa ông, liệu có thể nói là chúng ta đang thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan sản xuất kinh doanh và quản lý điện, thể hiện qua việc các phương án đề xuất tăng giá điện chênh nhau đến 10%?

Ban đầu EVN trình 4 phương án. Sau khi thẩm định, Cục Điều tiết Điện lực trình lên Bộ Công Thương 3 phương án. Trên cơ sở này, chúng tôi đã bàn thảo với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các đơn vị liên quan để chốt lại 3 phương án lần lượt là 10,58%, 5,68% và 4,91% để  trình lên Chính phủ quyết định.

Trong đó, Bộ Công Thương nghiêng về phương án 3 là phương án có mức tăng thấp nhất có thể. Phương án này phù hợp với hoàn cảnh thực tế hiện nay là chúng ta vừa thoát ra khỏi khủng hoảng, phải tăng giá từ từ, tránh gây sốc.

Nếu như năm 2009, Chính phủ có hàng loạt công cụ để chống suy thoái như hỗ trợ lãi suất; giãn, giảm thuế thì năm nay đã ngừng triển khai. Hiện nay, doanh nghiệp vay vốn đã khó, nếu giá điện tăng cao dẫn đến  chi phí đầu vào vọt lên sẽ gây khó khăn lớn cho doanh nghiệp. Thậm chí, mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% sẽ khó thực hiện nếu không chuẩn bị tốt.

Do đó, chúng tôi trình Thủ tướng phương án thấp nhất, để xem sức chịu đựng của nền kinh tế, đời sống như thế nào, rồi đến cuối năm sẽ tính toán thêm. Tôi cho rằng đó là phương án an toàn nhất.

Vẫn thấp hơn 10 năm trước

Thưa ông, chúng ta đang thực hiện việc xây dựng thị trường điện cạnh tranh, nghĩa là giá tăng hay giảm là do thị trường quyết định. Vậy tại sao sau gần 5 năm vẫn chưa thấy tiến triển gì, và giá thì vẫn liên tục tăng?

Giá điện ở Việt Nam có 3 đặc thù. Thứ nhất, so với khu vực, giá điện của mình vẫn còn rất thấp. Các doanh nghiệp nước ngoài khi vào tìm hiểu đầu tư ngành điện hoặc các tổ chức tài chính quốc tế cho mình vay tiền đối với dự án điện, họ nhìn thấy giá điện quá thấp nên họ cũng rất ngại đầu tư.

Vì thế, giá điện phải theo thị trường để ngang bằng với khu vực, khuyến khích đầu tư vào ngành điện, đảm bảo đủ điện cho đời sống và nền kinh tế. Chính phủ cũng đã có chủ trương rõ ràng là riêng giá điện, sẽ phải tăng có lộ trình, tăng dần dần.

Nhưng nếu nhìn lại 10 năm trước, khi USD chỉ tương đương 10.000 VND thì điện chúng ta bán 5,7 cent/kWh, nhưng hiện nay khi USD lên tới gần 20.000 VND, nếu có bán lên 1.000 đồng/kWh thì cũng chỉ tương đương khoảng 5,2 cent, tức là vẫn thấp hơn so với 10 năm trước.

Nhưng đổi lại, nếu bán điện giá thấp thì lại có cái lợi cho người dân, bởi chúng ta vẫn là nước thu nhập thấp, tỷ lệ người nghèo vẫn cao, nên buộc phải có phải có sự điều chỉnh thị trường từ từ. Các nước điện sinh hoạt, dịch vụ phải cao, còn điện sản xuất thấp, trong khi chúng ta lại phải lấy điện sản xuất bù cho điện sinh hoạt.

Năm ngoái chúng ta bắt đầu tăng giá điện. Thú thực là lúc đầu chúng tôi cũng lo lắng vì nếu tăng sẽ tác động đến cuộc sống người dân, đến giá thành sản phẩm..., nên chúng tôi đã phải “vi hành” tận các nhà máy để khảo sát và có điều chỉnh.

Giá điện năm 2009 dù có điều chỉnh nhưng nhìn chung vẫn “êm”, không làm cho chỉ số giá tiêu dùng tăng vượt quá so với dự kiến.

Năm nay chúng tôi đã trình Chính phủ phương án hình thành thị trường điện, bao gồm 3 giai đoạn: giai đoạn đầu là thị trường nguồn điện với việc cổ phần hóa các công ty, nhà máy phát điện, giai đoạn 2 là phân phối, và giai đoạn cuối là toàn bộ bao gồm cả truyền tải.

Chính phủ cũng nhận định, để có thị trường điện hoàn chỉnh phải mất ít nhất 30 năm nữa. Khi đó, ở Tp.HCM cũng có thể mua điện của của Hà Nội, thậm chí là một quận của Hà Nội, Hải Phòng... nếu bên nào bán rẻ nhất.

Nếu “ổn”, có thể tăng tiếp

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, mức tăng như vậy sẽ tác động như thế nào đến GDP và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm nay?

Trong các phương án tăng giá điện, phương án 3 là tác động ít nhất đến GDP và CPI.

Đợt tăng giá dự kiến sắp tới có phải là đợt tăng giá điện duy nhất trong năm nay, thưa ông?

Tăng giá mấy lần và tăng bao nhiêu phụ thuộc vào Chính phủ, Bộ Công Thương không thể dự đoán. Hiện chúng tôi mới chỉ trình các phương án tăng giá điện vào ngày 1/3. Nếu Thủ tướng Chính phủ đồng ý với phương án 3 là tăng dưới 5%, Bộ Công Thương sẽ được quyết định các mức giá bán điện cụ thể. Tùy theo tình hình kinh tế trong năm nay như thế nào, nếu “ổn” thì có thể lại tăng tiếp.