Giá tăng nhờ Quy hoạch điện loạt lãnh đạo, người nhà và cổ đông lớn "chốt lời" cổ phiếu điện
Phó tổng giám đốc đốc PC1, Công ty TNHH Năng lượng REE, Trưởng ban kiểm soát NT2 đều đăng ký bán bớt cổ phiếu mà mình đang nắm giữ nhằm cơ cấu danh mục...
Phó tổng giám đốc đốc PC1, Công ty TNHH Năng lượng REE, Trưởng ban kiểm soát NT2 đều đăng ký bán bớt cổ phiếu mà mình đang nắm giữ nhằm cơ cấu danh mục...
- CTCP Tập đoàn PC1 (mã PC1-HOSE): Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Minh Đệ đăng ký bán 1,1 triệu cổ phiếu, nhằm đáp ứng nhu cầu tài chính cá nhân, giao dịch được thự hiện từ ngày 16/6 đến 14/7/2023. Nếu thành công, ông Đệ sẽ giảm số lượng cổ phiếu xuống còn gần 2,5 triệu, chiếm 0,92% vốn tại PC1.
Trên thị trường, giá cổ phiếu PC1 đạt 29.350 đồng/cổ phiếu và tăng 36% so với hồi đầu năm (21.600 đồng/cổ phiếu).
- CTCP Nhiệt điện Phả Lại (mã PPC-HOSE): Công ty TNHH Năng lượng REE đăng ký bán 2 triệu cổ phiếu từ 15/6 đến 13/7/2023. Trước đó từ 11/5 đến 86/2023, Năng lượng REE đã bán 1,3 triệu cổ phiếu PPC. Nếu thành công, công ty của REE sẽ giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn hơn 74 triệu cổ phiếu, chiếm 23,11% vốn tại PPC.
Chốt phiên giao dịch ngày 12/6, giá cổ phiếu PPC tăng lên 17.300 đồng/cổ phiếu, tăng 32% so với hồi đầu năm.
- CTCP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (mã NT2-HOSE): ông Nguyễn Hữu Minh - Trưởng Ban kiểm soát đăng ký bán 50.000 cổ phiếu, nhằm giải quyết tài chính cá nhân. Nếu thành công, ông Minh sẽ giảm sở hữu xuống còn 2.844 cổ phiếu. Thời gian thực hiện từ ngày 2/6 đến 30/6/2023 theo phương thức khớp lệnh.
Chốt phiên giao dịch ngày 12/6, giá cổ phiếu NT2 tăng nhẹ lên 32.400 đồng/cp, tăng 11% so với hồi đầu năm.
- CTCP Điện Gia Lai (mã GEG-HOSE): CTCP XNK Bến Tre đã bán 4,3 triệu cổ phiếu trong ngày 7/6/2023 nhằm cơ cấu danh mục. Sau giao dịch đơn vị này giảm lượng sở hữu tại GEG xuống 21,2 triệu cổ phiếu, chiếm 6,6% vốn tại GEG.
Theo dữ liệu trên HOSE, tại ngày 7/6 có giao dịch 4,3 triệu cổ phiếu có trị giá 70,950 tỷ đồng, tương ứng 16.500 đồng/cổ phiếu - trong khi đó, chốt phiên giao dịch ngày 7/7, giá cổ phiếu GEG đạt 17.100 đồng/cổ phiếu.
- Tổng CTCP Dịch Vụ Kỹ Thuật Dầu Khí Việt Nam (mã PVS-HNX): Công ty cổ phần Quản lý quỹ VinaCapital - người có liên quan đến Ủy viên HĐQT độc lập đăng ký bán hết 217.000 CP, chiếm 0,05% vốn tại PVS nhằm cơ cấu danh mục đầu tư theo phương thức giao dịch thỏa thuận và khớp lệnh. Giao dịch thực hiện từ ngày 13/06/2023 đến ngày 12/07/2023.
Trước đó, ngày 05/06/2023, Công ty cổ phần Quản lý quỹ VinaCapital - người có liên quan đến Ủy viên HĐQT độc lập - đã bán 11.400 CP PVS và số lượng cổ phiếu nắm giữ sau khi thực hiện giao dịch còn 217.000 CP, chiếm 0,05% vốn tại PVS.
- Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (mã PVD-HOSE), bà Đỗ Thị Mai, vợ ông ông Đỗ Văn Tài - Kiểm soát viên của PVD đã bán hết 50.000 cổ phiếu vào ngày 25/5 theo phương thức khớp lệnh.
Trước đó, ngày 15/05/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 500/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII). QHĐ VIII đặt kế hoạch tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) tiêu thụ điện quốc gia là 9% trong giai đoạn 2021-2030, với giả định tăng trưởng GDP là 7%/năm trong cùng kỳ. QHĐ VIII cũng tập trung vào việc chuyển đổi sang năng lượng xanh với mục tiêu năng lượng tái tạo (bao gồm cả thủy điện) sẽ chiếm 39%-47% và 72% tổng sản lượng điện lần lượt vào năm 2030 và 2050.
Theo quan điểm của Công ty Cổ phần Chứng khoán VietCap (VCSC), việc Quy hoạch điện VIII được phê duyệt sẽ mang lại lợi ích cho các cổ phiếu có đầu tư trực tiếp hoặc gián tiếp đối với năng lượng tái tạo như PVS, HDG, REE, PC1 và GEG.
Hiện, VCSC đưa ra khuyến nghị "mua" đối với PVS, HDG và REE (giá mục tiêu tương ứng là 33.000 đồng/cổ phiếu, 40.800 đồng/cổ phiếu và 85.300 đồng/cổ phiếu) và khuyến nghị "phù hợp thị trường" với PC1 và GEG (giá mục tiêu tương ứng là 29.400 đồng/cổ phiếu và 12.900 đồng/cổ phiếu). Theo HDG, dự án trang trại điện gió lớn An Phong (300 MW) được đưa vào QHĐ VIII và sẽ giúp công ty đạt được mục tiêu tăng gấp đôi công suất lên 1.000 MW trong vòng 5 năm tới.
Quy hoạch điện VIII cung cấp khung pháp lý vững chắc cho việc phát triển dự án Lô B, mang lại lợi ích cho PVS, PVD và GAS. Theo ban lãnh đạo PVS và PVD, Luật Dầu khí sửa đổi có hiệu lực từ 01/07/2023 sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều dự án dầu khí trong nước khởi công từ năm 2024, trong đó có dự án Lô B. Đối với PVS, mặc dù mục tiêu điện gió ngoài khơi trong nước là 6.000 MW vào năm 2030 (thấp hơn 1.000 MW so với dự thảo tháng 11/2022), công ty vẫn sẽ được hưởng lợi từ công suất điện gió ngoài khơi mà công ty sẽ hợp tác phát triển với công ty Sembcorp của Singapore (không nằm trong quy hoạch, theo PVS).
Trước đó, vào ngày 10/02/2023, PVS đã ký thỏa thuận hợp tác phát triển với Sembcorp để hợp tác phát triển các dự án điện gió ngoài khơi (công suất ban đầu 2.300 MW và vốn đầu tư khoảng 5 tỷ USD) và xuất khẩu điện từ các trang trại gió này sang Singapore thông qua hệ thống cáp điện cao thế dưới biển từ năm 2030.