06:00 23/07/2021

Giá thép tăng “sốc”, nhiều dự án bất động sản ngưng thi công

Ban Mai

Giá thép đã tăng tới 40% so với năm 2020, nhiều nhà thầu xây dựng đã phải tạm ngưng công trình để chờ nguyên vật liệu xuống giá…

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Chi phí xây dựng chiếm trung bình 60% - 70% giá thành căn hộ,  trong đó, thép chiếm khoảng 20-30% chi phí xây dựng. Cơn "bão giá" nguyên vật liệu xây dựng khiến nhiều nhà thầu xây dựng phải tạm ngưng thi công các dự án đã nhận thầu, chờ giá thép giảm để giảm bớt thiệt hại. Điều này khiến nhiều dự án bị chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra trước đó.

DỰ ÁN NGƯNG, CHỜ GIÁ VẬT LIỆU GIẢM

Một doanh nghiệp trong ngành xây dựng chia sẻ, hiện các nhà thầu đang đàm phán, thoả thuận với các chủ đầu tư công trình về  giá trong các hợp đồng xây dựng đã ký. Nếu không tính toán lại chi phí, doanh nghiệp sẽ bị lỗ là không tránh khỏi, hoặc buộc phải tạm ngưng xây dựng, chờ giá vật liệu xây dựng “bớt nóng”.

Đại diện Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế và Xây dựng Việt Thái cho biết, công ty đã ký trọn gói thi công 6 công trình từ cuối năm 2020. Dịch Covid-19 cùng với giá sắt thép, nguyên vật liệu tăng cao khiến công ty bị chậm tiến độ triển khai dự án, trong đó 2 công trình phải tạm dừng thi công.

“Với tốc độ tăng giá nguyên vật liệu xây dựng và không có xu hướng giảm, điều này khiến chi phí xây thô nhà riêng lẻ khoảng 4 triệu đồng/m2, giờ phải tăng lên 4,5 - 4,8 triệu đồng/m2. Giá nhà chắc chắn sẽ tăng trong thời gian tới”, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam nhận định.

Tuy nhiên, việc tăng giá bất động sản chỉ diễn ra đối với những dự án chưa ra hàng, còn đối với những dự án đã chào bán cho khách hàng thì giá đã theo hợp đồng, không tăng được. Còn việc ngưng thi công dự án từ phía nhà thầu do ảnh hưởng bởi giá nguyên vật liệu tăng cao cũng còn tuỳ vào thoả thuận trong hợp đồng xây dựng giữa chủ đầu tư – nhà thầu, vì thường được phép chậm tiến độ 3-6 tháng.

"Nếu giá nguyên vật liệu tăng quá cao và lâu dài, buộc chủ đầu tư và nhà thầu sẽ phải ngồi lại với nhau để chia sẻ khó khăn", ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group nói.

GIÁ THÉP TĂNG 40%, NHÀ THẦU LAO ĐAO

Theo Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), trong thời gian qua, giá thép trên thị trường toàn cầu cũng như ở Việt Nam có diễn biến phức tạp. Từ cuối năm 2020, giá thép có chiều hướng tăng mạnh, cho đến giữa quý 1/2021 có điều chỉnh giảm, tuy nhiên, giá thép lại tăng mạnh đến cuối tháng 5/2021 và đến nay bắt đầu chiều hướng giảm. Thị trường hiện tại dùng dằng và có chưa có chiều hướng tăng - giảm rõ rệt.

Cụ thể, giá thép xây dựng loại thép cuộn D6, D8 cuối năm 2020 ghi nhận ở mức 12 triệu đồng/tấn tại các thương hiệu Hòa Phát, Pomina, Việt Nhật, Việt Ý, Tung Ho. Đến ngày 19/4/2021, giá thép tăng cao với giá loại thép cuộn D6, D8 lên tới 16,9 triệu đồng/tấn, thép thanh vằn ở mức 16,4- 17 triệu đồng/tấn. Giá thép cuộn tiếp tục tăng mạnh và “lập đỉnh” vào tháng 5/2021 khi lên tới 19,5 triệu đồng/tấn, nhưng đến nay đã hạ nhiệt.

Tại miền Nam, thời điểm ngày 21/7/2021 ghi nhận trên thị trường giá thép đã giảm về dưới 17 triệu đồng/tấn. Cụ thể, dòng thép cuộn D6, D8 có giá từ 16,1- 16,29 triệu đồng/tấn. Thép thanh vằn 16,3-17 triệu đồng/tấn.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong ngành xây dựng cho biết, dù giá thép hiện nay đã giảm so với đỉnh điểm, nhưng vẫn cao hơn thời điểm cuối năm 2020 tới 40%, khiến chi phí xây dựng "đội" lên rất cao. Vì không chỉ có giá thép tăng, mà các nguyên liệu đầu vào của ngành xây dựng cũng tăng, như: cát, đá tăng giá từ 15 - 20%, gạch xây dựng tăng 10%, xi-măng, gạch ốp lát, bêtông tăng giá 5 - 10%....

Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà thầu Xây dựng Việt Nam, giá thép đã tăng tới 40%, làm cho giá thành công trình tăng 10%. Nhưng tất cả các hợp đồng đã ký rồi không được điều chỉnh giá, khiến các nhà thầu đứng trước bối cảnh nếu làm thì phá sản, không làm thì bị phạt.

Đại diện cho đơn vị thi công công trình, ông Bùi Khắc Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai, cho biết giá thép tăng, nguyên vật liệu khác tăng, kể cả giá xăng dầu cũng tăng khiến doanh nghiệp xây dựng lao đao, việc phát triển các dự án rất khó khăn.

Mặc dù đã có phương án dự phòng rủi ro từ biến động giá của thị trường từ 3%-5% trong những hợp đồng ký kết giữa nhà thầu xây dựng và chủ đầu tư, nhưng đà tăng giá chóng mặt của nguyên vật liệu khiến nhiều nhà thầu “bó tay”, đành phải chấp nhận chịu phạt thầu hoặc dừng thi công để tránh bị thiệt hại.

Hiện Bộ Xây dựng đã ban hành chính sách hướng dẫn bù giá cho 13 loại vật liệu có giá tăng đột biến, trong đó có thép, và sẽ báo cáo Chính phủ sau khi tổng hợp số liệu từ các địa phương, các doanh nghiệp xây dựng… để có đánh giá cụ thể và đề xuất giải pháp bảo đảm ổn định thị trường xây dựng.