09:05 11/06/2024

Giá vàng hồi ngưỡng 2.300 USD/oz, áp lực giảm trong ngắn hạn vẫn còn

Điệp Vũ

Sự phục hồi còn dè dặt trong bối cảnh biểu đồ kỹ thuật cho thấy áp lực giảm đối với giá vàng trong ngắn hạn còn lớn và nhà đầu tư chờ kết quả cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong tuần này...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.

Giá vàng thế giới hồi phục trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (10/6), lấy lại ngưỡng chủ chốt 2.300 USD/oz, sau khi trải qua phiên giảm mạnh nhất hơn 2 năm vào hôm thứ Sáu. Tuy nhiên, sự phục hồi còn dè dặt trong bối cảnh biểu đồ kỹ thuật cho thấy áp lực giảm đối với giá vàng trong ngắn hạn còn lớn và nhà đầu tư chờ kết quả cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong tuần này.

Lúc đóng cửa, giá vàng giao ngay tại thị trường Mỹ tăng 17,3 USD/oz so với mức chốt của phiên trước, tương đương tăng 0,72%, chốt ở mức 2.311,2 USD/oz - theo dữ liệu từ sàn giao dịch Kitco.

Lúc gần 8h sáng nay theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á tăng 0,1 USD/oz so với đóng cửa phiên New York, giao dịch ở mức 2.311,3 USD/oz. Mức giá này tương đương 70,9 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank, tăng 500.000 đồng/lượng so với sáng hôm qua.

Trao đổi với hãng tin Reuters, chiến lược gia trưởng Phillip Streible của công ty Blue Line Futures nhận định phiên bán tháo khiến giá vàng giảm 3,5% vào hôm thứ Sáu có vẻ quá sâu và “các nhà đầu tư săn hàng giá rẻ đã xuất hiện tại điểm giá này”.

“Có nhiều dữ liệu và sự kiện quan trọng trong tuần này, nên giá vàng sẽ còn có nhiều biến động”, ông Streible nói.

Một “thủ phạm” gây ra phiên lao dốc chóng mặt của giá vàng hôm thứ Sáu là báo cáo việc làm tháng 5 của Mỹ mạnh hơn dự báo - điểm dữ liệu làm sụp đổ những hy vọng trước đó rằng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 9. Ngoài ra, giá vàng còn hứng một cú sốc khác là thông tin rằng Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã tạm dừng mua ròng vàng sau 18 tháng mua ròng liên tiếp.

“PBOC không phải lúc nào cũng mua vàng. Có những giai đoạn họ mua rồi nghỉ trong nhiều tháng. Nhưng chừng nào PBOC chưa mua vàng trở lại, giá vàng có thể di chuyển ngang bởi chủ đề Trung Quốc mua vàng vốn dĩ thu hút sự quan tâm đặc biệt của thị trường”, nhà phân tích Carsten Menke của công ty Julius Baer nhận định.

Phiên phục hồi này của giá vàng diễn ra ngay cả khi đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ cùng tăng.

Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng bạc xanh so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác tăng gần 0,1%, chốt phiên trên mức 105,1 điểm. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng 4,1 điểm cơ bản, đạt 4,469%.

Thị trường tài chính toàn cầu, trong đó có giới đầu tư vàng, đang hồi hộp chờ báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 của Mỹ và kết quả cuộc họp Fed, dự kiến sẽ lần lượt được công bố vào buổi sáng và buổi chiều ngày thứ Tư.

Một báo cáo CPI nóng hơn kỳ vọng sẽ củng cố khả năng Fed giữ lãi suất cao hơn lâu hơn, gây áp lực mất giá lên vàng. Ngược lại, một báo cáo với số liệu yếu hơn kỳ vọng sẽ mở đường cho giá vàng đi lên.

Về cuộc họp Fed, thị trường dự báo sẽ không có động thái điều chỉnh lãi suất nào trong lần họp này. Điều mà nhà đầu tư quan tâm là báo cáo kinh tế cập nhật hàng quý của Fed và cuộc họp báo của Chủ tịch Fed Jerome Powell sau khi kết thúc hai ngày họp.

Diễn biến giá vàng thế giới 5 năm qua. Đơn vị: USD/oz - Nguồn: Trading Economics.
Diễn biến giá vàng thế giới 5 năm qua. Đơn vị: USD/oz - Nguồn: Trading Economics.

Trang tin tài chính Barron nhận định trong một bài viết vào ngày thứ Hai: “Sau cú sốc mà báo cáo việc làm mang lại, không có sự kiện nào lớn hơn cuộc họp báo của ông Powell vào ngày thứ Tư tuần này để định hình kỳ vọng của nhà đầu tư về thời gian còn lại của năm nay”.

Nhiều chuyên gia cho rằng dù triển vọng tăng giá trong dài hạn của vàng vẫn còn, kim loại quý này đang đương đầu với áp lực giảm trong ngắn hạn.

Theo nhà phân tích cấp cao Jim Wyckoff của trang Kitco News, về mặt kỹ thuật, các nhà đầu cơ giá lên đã để mất ưu thế trong ngắn hạn. “Một mô hình giá xuống hai đỉnh đã hình thành trên biểu đồ hàng ngày, cho thấy thị trường đã đạt đỉnh ngắn hạn. Để mở ra một đợt tăng mới, các nhà đầu cơ giá lên phải đưa được giá vàng đóng cửa trên ngưỡng kháng cự mạnh là mức cao của tuần trước 2.406,7 USD/oz. Ngược lại, mục tiêu ngắn hạn tiếp theo của các nhà đầu cơ giá xuống là đẩy giá vàng giao sau xuống dưới ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật quan trọng là mức thấp của tháng 5 ở 2.308,5 USD/oz”, ông Wyckoff viết.

“Mức kháng cự đầu tiên là 2.335 USD/oz, tiếp đó là 2.350 USD/oz. Ngưỡng hỗ trợ đầu tiên là 2.304,2 USD/oz và tiếp đó là 2.300 USD/oz”, vị chuyên gia nhận định.

Một báo cáo của công ty Bitfinex nhận định Fed đang ở trong một tình thế “tiến thoái lưỡng nan” về lãi suất, bởi việc giữ lãi suất cao hơn lâu hơn cũng giống như việc dùng một “con dao hai lưỡi” đòi hỏi sự khéo léo.

“Một mặt, sức mạnh và khả năng thích ứng của nền kinh tế Mỹ có thể khiến nền kinh tế giữ được nhịp tăng trưởng ngay cả trong môi trường lãi suất cao, nhờ nhu cầu lao động và tốc độ tăng trưởng tiền lương mạnh mẽ. Trong kịch bản này, tăng trưởng kinh tế duy trì, người tiêu dùng tiếp tục chi tiêu, và toàn bộ nền kinh tế vững vàng”, báo cáo viết.

“Tuy nhiên, rủi ro lớn là việc giữ lãi suất cao trong thời gian quá dài có thể bóp nghẹt hoạt động kinh tế, dẫn tới giảm đầu tư, ít việc làm được tạo ra hơn, và nguy cơ suy thoái kinh tế. Fed đang đối mặt với một thế cân bằng mong manh giữa hai kịch bản này”, các nhà phân tích của Bitfinex cảnh báo.

Cũng theo báo cáo trên, việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Canada (BOC) bắt đầu giảm lãi suất gần đây là “một sự dịch chuyển theo hướng chính sách tiền tệ mềm mỏng hơn để kích thích tăng trưởng kinh tế, và có thể khiến Fed phải đánh giá lại chính sách tiền tệ của chính mình”.

“Trong khi Fed vẫn có cách tiếp cận thận trọng, động thái của các ngân hàng trung ương lớn khác có thể ảnh hưởng tới quyết định của Fed trong những tháng tới, nhất là nếu các xu hướng lạm phát và điều kiện kinh tế đảm bảo rằng sự điều chỉnh chính sách là cần thiết”, Bitfinex nhận định.